Samsung Việt Nam: Nội địa hóa sản phẩm tối đa
Du lịch - Ngày đăng : 06:21, 19/01/2017
Nỗ lực nâng tổng số nhà cung cấp cấp 1 lên con số 29 trong năm 2017, Samsung Việt Nam sẽ tiến hành tư vấn trực tiếp cho 12 doanh nghiệp. Ông Han Myoung Sup - TGĐ Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn về kế hoạch ấy.
Đọc E-paper
* Ông đánh giá thế nào về năng lực của các nhà cung ứng sản phẩm phụ trợ cho Samsung Việt Nam?
- Có nhiều doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng sản phẩm phụ trợ cho Samsung. Năng lực của các doanh nghiệp này khác nhau tùy thuộc quy mô lớn hay nhỏ. Điểm dễ nhận thấy là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất chăm chỉ nhưng hầu hết chưa có kế hoạch phát triển cụ thể.
Vì vậy, Tập đoàn Samsung đã cử chuyên gia sang Việt Nam trực tiếp giúp các doanh nghiệp này trong 3 tháng để cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Sau 3 lần chúng tôi cử chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp, chất lượng và năng suất của các nhà cung ứng Việt Nam đã được cải thiện khá nhiều. Những kinh nghiệm mà các doanh nghiệp này học hỏi được là nền tảng quan trọng để họ có những bước đi thích hợp tiếp theo.
Để duy trì được những cải tổ đó, điều quan trọng là ý chí của CEO các doanh nghiệp này, họ phải luôn có tinh thần và quyết tâm cải tổ doanh nghiệp do mình điều hành.
* Vẫn có quá ít doanh nghiệp Việt Nam cung ứng sản phẩm được hỗ trợ, phải không, thưa ông?
- Tại khu vực miền Bắc, Samsung có khoảng 100 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1 và 200 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 2. Chúng tôi không có đủ nguồn lực để hỗ trợ, tư vấn cho tất cả các doanh nghiệp ấy. Vì vậy, cho đến nay chúng tôi vẫn tiến hành theo hình thức lựa chọn trong số đó để tiến hành tư vấn.
- Tính đến nay, có 198 doanh nghiệp Việt tham gia cung ứng linh kiện cho 3 nhà máy của Samsung tại Việt Nam, gồm 20 nhà cung ứng cấp 1 và 178 nhà cung ứng cấp 2. - Tổng doanh thu xuất khẩu của Samsung Điện tử Việt Nam năm 2016 đạt 37 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Năm 2017, Samsung Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7 - 10%. |
Chúng tôi đang cố gắng tăng thêm số lượng doanh nghiệp tiếp cận được tư vấn của Samsung. Tôi hy vọng thông qua tư vấn, dần dần doanh nghiệp Việt Nam tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý.
Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Samsung sản xuất tại Việt Nam năm 2016 đạt 51%. Quan điểm của Samsung là với những sản phẩm có thể nội địa hóa, chúng tôi sẽ nội địa hóa đến mức tối đa.
* Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp bao bì, chi tiết máy móc, thiết bị bằng nhựa cho Samsung. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để được tham gia cung cấp các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn?
- Trình độ hiện nay của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn hạn chế. Chúng tôi đang băn khoăn về việc tìm thêm những doanh nghiệp có đủ năng lực trong lĩnh vực công nghệ cao để bồi dưỡng, thông qua triển lãm công nghiệp hỗ trợ để thu hút các nhà cung ứng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm ra các nhà cung ứng có năng lực, nhưng cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa tìm được doanh nghiệp nào có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của Samsung.
* Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh với các nhà cung ứng nước ngoài để trở thành nhà cung ứng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn cho Samsung?
- DN Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được nếu trình độ sản xuất được nâng cao. Hàn Quốc trước đây cũng vậy, phần lớn các doanh nghiệp công nghệ cao đều là doanh nghiệp FDI nhưng sau đó, nhờ không ngừng nâng cao trình độ, doanh nghiệp trong nước đã dần cạnh tranh được và thay thế doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, việc này cần sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.
* Cám ơn ông!
>Cơ hội cho doanh nghiệp phụ trợ FDI đang bị bỏ ngỏ
>Công nghiệp ô tô "thúc" công nghiệp phụ trợ