Việt Nam và khát vọng về đô thị thông minh
Du lịch - Ngày đăng : 06:31, 02/02/2017
Đô thị thông minh là sự lựa chọn của rất nhiều thành phố trên thế giới nhằm giúp nền kinh tế trở nên năng động, tăng sức cạnh tranh, sức sống cho cả cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới hết sức sôi động và đầy thách thức cùng với những cơ hội và nguy cơ đan xen. Đó là kỷ nguyên của khoa học công nghệ, tri thức và năng lực quản trị. Trong kỷ nguyên đó, xu hướng phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh đã trở thành một trào lưu trên khắp các châu lục.
Trong trào lưu này có một cuộc cạnh tranh giữa các đô thị nhằm giành về phía mình những ưu thế vượt trội. TP.HCM không thể đứng ngoài cuộc.
Xu hướng tất yếu
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm 2016, GS. Klaus Schwab - sáng lập viên kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới đã cho ra mắt cuốn sách The Fourth Industrial Revolution (Tạm dịch: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4), trong đó ông nhấn mạnh: "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của toàn thế giới".
GS. Klaus cho rằng chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Trong bối cảnh đó, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý để phát triển "đô thị thông minh" là sự lựa chọn của rất nhiều đô thị trên thế giới. Việc này tạo ra nền kinh tế năng động, sức cạnh tranh, sức sống cho cả cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
>>Top 10 thành phố thông minh nhất thế giới
Có nhiều định nghĩa về đô thị thông minh, tùy vào góc nhìn và cách đánh giá của các tổ chức. Trong đó, định nghĩa được đưa ra bởi Hội đồng Đô thị Thông minh (Smart Cities Council - SCC) - một tổ chức quốc tế tập hợp các chuyên gia, các nhà quản lý đô thị, các học giả và các công ty công nghệ hàng đầu thế giới - có lẽ là dễ hiểu nhất.
Theo SCC, đô thị thông minh là một đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo công ăn việc làm cho phát triển kinh tế thịnh vượng và khả năng phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.
Trong một nghĩa đơn giản hơn thì có 3 phần công việc của đô thị thông minh, đó là thu thập dữ liệu, truyền dẫn dữ liệu và xử lý, phân tích dữ liệu nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu quản lý, vận hành đô thị, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Top 10 thành phố cạnh tranh tốt nhất do Economist Intelligence Unit xếp hạng (trong đó có New York, London, Singapore...) đều là những thành phố đang trên đường xây dựng nền tảng phát triển bền vững. Họ có nhận thức, có chuẩn bị, coi phát triển đô thị thông minh như một chỉ số dẫn dắt phát triển. Ở đó, phát triển đô thị thông minh là quan tâm nghiêm túc của cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân.
Giải quyết thách thức hạ tầng
Không nằm ngoài tình trạng chung trên thế giới, các đô thị Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức. Chính những thách thức này đã thúc đẩy một lực lượng mạnh mẽ tạo nên xu hướng đô thị thông minh để tìm kiếm các giải pháp giúp các nhà quản lý đô thị đáp ứng các yêu cầu phát triển của thành phố theo cách tối ưu trong khả năng của mình.
Trong 30 năm qua, Việt Nam có mức độ đô thị hóa nhanh nhất ở Đông Nam Á (tăng 3,4%/năm). Tỷ lệ dân số sống ở đô thị dự kiến đạt 60% vào năm 2050. Chỉ riêng dân số Hà Nội (6,7 triệu dân) đã có mức tăng 3%/năm. Văn phòng UBND TP.HCM vào tháng 8/2016 cho biết, dân số thành phố hiện xấp xỉ 13 triệu người (bao gồm cả những người tạm trú trên 6 tháng), vượt con số dự báo 12,5 triệu người vào thời điểm 2025.
Lượng dân nhập cư lớn, tình trạng xây dựng ở khu vực nội đô với hàng loạt dự án nhà ở, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại... đang ngày một gia tăng, dẫn đến cơ sở hạ tầng không theo kịp. Đô thị hóa luôn kèm theo những tác động về quá tải giao thông, việc làm và môi trường.
>>Đô thị hóa bất hợp lý, châu Á gánh nhiều thiên tai
Bùng nổ dân số đô thị và mức độ đô thị hóa nhanh chóng không theo quy hoạch chuẩn mực là một trong những thách thức lớn nhất của phát triển đô thị. Ở Việt Nam, hạ tầng đô thị có thể xem là vấn đề nan giải nhất. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập nước tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội... đang là vấn đề được chính quyền và người dân đặt lên hàng đầu, được TP.HCM đưa vào 7 chương trình đột phá cần thực hiện ngay trong kế hoạch đến 2020 và xa hơn nữa.
Để giải quyết các thách thức này một cách triệt để, cần có một giải pháp tổng thể với tầm nhìn lâu dài và sự phối hợp của nhiều tổ chức, cơ quan liên quan. Phải có thống kê, có chỉ số để báo động, nói cách khác là phải có dữ liệu để giải quyết, và giải quyết ngay từ cái gốc là quy hoạch. Thành phố thông minh - hiểu theo định nghĩa của SCC với ba phần công việc chính như trên chính là giải pháp.
Gia tăng cạnh tranh kinh tế
Mỗi cá nhân và doanh nghiệp sẽ căn cứ vào chỉ số công nghệ của một thành phố để quyết định nơi mà họ sẽ đến hay ở lại. Một cuộc khảo sát của Liên Hiệp Quốc vào tháng 5/2013 với hơn 560 ngàn người dân của 194 quốc gia đã tiết lộ những ưu tiên hàng đầu của họ chính là nền giáo dục tốt, điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt, một chính phủ trung thực và có trách nhiệm. Người dân cũng muốn sống ở những thành phố có giao thông hiệu quả, truyền thông băng thông rộng và những thị trường lao động lành mạnh.
Trên thế giới đang có một cuộc chạy đua giữa các đô thị về gia tăng việc làm, thu hút tài năng, đảm bảo hoạt động doanh nghiệp và gia tăng đầu tư nhằm tăng trưởng kinh tế thành công. Trong cuộc chạy đua đó, các đô thị thông minh chứng tỏ ưu thế vượt trội khi thỏa mãn được các nhu cầu của cộng đồng.
Đô thị thông minh liên quan đến hàng trăm, hàng ngàn lĩnh vực khác nhau, như hạ tầng, giao thông, môi trường y tế, giáo dục, an ninh... Tuy nhiên, cần hiểu rằng mỗi ứng dụng nhỏ cũng góp phần hình thành một đô thị thông minh chứ không nhất thiết phải "đao to búa lớn". Chẳng hạn, ở Hà Lan, ứng dụng hướng dẫn du khách tham quan viện bảo tàng đã giúp ngành du lịch nước này gia tăng nguồn thu lớn.
>>Bình Dương: Mục tiêu xây dựng thành phố thông minh đầu tiên tại Việt Nam
TP.HCM có nhiều ưu thế so với nhiều thành phố, địa phương khác trên cả nước và đang thu hút nhiều lao động về làm việc. Song nếu không chuẩn bị cho tương lai, tạo điều kiện tốt hơn nữa và nâng cao tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, sẽ đi tìm nơi khác phát huy tài năng. Muốn thế, phải sẵn sàng cho một đô thị thông minh.
Đô thị thông minh giúp tạo ra cơ sở dữ liệu mở mà tất cả mọi người có thể truy cập được, khai thác được. Cơ sở dữ liệu mở là bài toán lớn nhằm giải quyết thỏa đáng yêu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp trong thời đại IoT (Internet of Things - vạn vật kết nối), khi mỗi cá nhân đều có thể vừa là người sử dụng, vừa là người cung cấp các dịch vụ qua internet, triệt để khai thác lợi ích thông tin, giúp phát huy ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp cho chính mình và cho doanh nghiệp mình.
Với tất cả ý nghĩa đó, đô thị thông minh là một xu hướng tất yếu và các thành phố cần lựa chọn cho mình những giải pháp phù hợp để xây dựng đô thị mà ở đó mọi người dân, doanh nghiệp đều được đáp ứng kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, một thành phố đáng sống, hấp dẫn tài năng - Một thành phố phát triển bền vững!