Mơ về một trung tâm phát triển nông nghiệp

Du lịch - Ngày đăng : 06:36, 04/02/2017

Nông nghiệp vừa là thế mạnh của Việt Nam, vừa là "vùng trũng" rất cần cả nội lực và ngoại lực để phát triển thì vẫn mỏi mòn chờ đợi nhà đầu tư...
Mơ về một trung tâm phát triển nông nghiệp

Từ khi đất nước mở cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài đến nay, phần lớn các dự án được triển khai đều để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ. Trong khi đó, nông nghiệp vừa là thế mạnh của Việt Nam, vừa là "vùng trũng" rất cần cả nội lực và ngoại lực để phát triển thì vẫn mỏi mòn chờ đợi nhà đầu tư...  

Đọc E-paper

Chuyện buồn mang tên "ARI"

Từ năm 1994, hàng trăm doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã hăng hái đưa vốn và kỹ thuật vào góp phần phát triển nông nghiệp Việt Nam. Nhưng, vì nhiều lý do, đa phần trong số họ đều không tìm được tiếng nói chung với các đối tác liên doanh phía Việt Nam.

Trong số những DN Hoa Kỳ đầu tiên vào đầu tư phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có American Rice Inc., công ty xuất khẩu gạo lớn nhất của Mỹ, liên doanh với Vinafood 2. Thời gian đó, bằng tất cả nhiệt huyết của mình, tôi đã tham gia ngay từ đầu, tư vấn cho Giám đốc Richard McCombs tổ chức vùng nguyên liệu với giống lúa IR64 ở vùng Ô Môn, Thốt Nốt.

Nông dân tham gia đều được nhận giống chuẩn IR64 để trồng, Công ty thu mua lúa tươi và trả giá cao hơn thị trường 10%. Lúa tươi được chở về nhà máy xay xát của Vinafood 2 tại Trà Nóc, nơi American Rice Inc. đã trang bị máy sấy, máy tách màu, máy lau bóng và máy đóng bao có in nhãn thương hiệu "ARI", để chế biến ngay và kịp xuất gạo sang Nam Mỹ và Trung Đông với giá lúc bấy giờ (1995) là 350 USD/tấn.

Ông McCombs hốt một nắm gạo IR64 trắng trong, rất đẹp, khoe với tôi: "Giáo sư xem kết quả xay xát đây, tỷ lệ gạo nguyên trên 66% thay vì chỉ khoảng 50% như trước đây. Với tỷ lệ này tôi mới có thể trả giá lúa cao cho nông dân được".

Không ngờ, việc làm này đã không được ủng hộ và dư luận lúc đó cho rằng phải "tuýt còi" American Rice Inc. để DN Việt Nam có thể xuất khẩu gạo giá cao. Khi ấy, tôi đã nói rõ gạo của chúng ta không thể xuất được giá đó vì không có thương hiệu. American Rice Inc. xuất được giá 350 USD/tấn trong khi DN Việt Nam chỉ xuất được dưới 200 USD/tấn vì gạo của họ được bảo đảm chất lượng bởi thương hiệu "ARI".

Sau gần một năm bị thanh tra, Công ty bị buộc tội trốn thuế 1,1 triệu USD, vợ chồng ông McCombs phải ngậm ngùi quay về Mỹ vào mùa xuân năm 1998 cùng số tiền lỗ 3 triệu USD. Thiện chí góp phần giúp nông dân Cần Thơ trồng lúa gạo xuất khẩu với giá cao của ông Richard McCombs đã không thành hiện thực. Nhật báo Wall Street (Mỹ) đã đưa tin này, làm nản lòng các DN Mỹ đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng phát triển du lịch với đặc thù kênh rạch chằng chịt

Gạo là tài sản lớn nhất của ĐBSCL vì hầu như 85% nông dân nơi đây sinh sống bằng nghề trồng lúa. Với lối sản xuất lúa manh mún với hàng chục giống lúa và cách buôn bán lúa gạo qua thương lái của DN như hiện tại thì gạo Việt Nam sẽ vẫn mãi loay hoay trên đường chinh phục thị trường thế giới.

Hiện tại, nhiều DN xuất khẩu gạo Việt Nam không có đầu vào đạt chuẩn (gạo sạch, an toàn, không bị pha trộn giống) từ nông dân nên đã mua gạo của Campuchia hoặc Thái Lan để đóng bao mang nhãn hiệu Việt Nam để bán cho người tiêu dùng trong nước.

>>Xuất khẩu gạo và nỗi lo mất thị trường

Như vậy thì thử hỏi làm sao sản phẩm của nông dân Việt Nam có đầu ra ổn định để yên tâm sản xuất? Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là châu Phi cận Sahara, kế đó là Trung Đông (gồm Iran, Iraq, Tiểu Vương quốc Ả rập) và vùng Nam Mỹ. Trước đây Hoa Kỳ vừa bán vừa viện trợ gạo cho các vùng này nên muốn vào đầu tư phát triển lúa gạo Việt Nam để đảm bảo sản lượng xuất khẩu.

Sở dĩ Hoa Kỳ xuất khẩu được là vì họ sản xuất gạo tốt (không cần gạo thơm, chỉ cần gạo sạch, hạt trắng trong, rặt một thứ giống), giá cạnh tranh so với gạo Thái Lan hoặc Ấn Độ. Sau khi Công ty American Rice Inc. rút khỏi Việt Nam, Hoa Kỳ nhập gạo Việt Nam để xuất theo kế hoạch của họ. Năm 2016 xuất khẩu sang Mỹ lại bị ách tắc vì gạo Việt Nam không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh.

Nuôi cá tra

Nông nghiệp hưng vong, doanh nghiệp hữu trách

Từ sự thất bại của American Rice Inc., chúng ta có thể thấy rõ tại sao DN nước ngoài ngại đầu tư vào nông nghiệp ĐBSCL. Đó là chưa kể cấu trúc hạ tầng ở vùng này còn kém, thiên tai hạn hán, ngập lụt thường xuyên xảy ra, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Trong tình thế đó, Đảng và Nhà nước cho phép chúng ta tùy vào sinh thái của từng vùng mà sản xuất, không nhất thiết phải trồng lúa. Với cơ chế này, sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL tới đây sẽ đa dạng hơn, có giá trị cao hơn.

Nhưng, có sản phẩm rồi thì tiêu thụ ở đâu? Hơn ai hết, các DN đầu ra đóng vai trò vô cùng quan trọng, là sự sống còn của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tôi không hy vọng có DN nước ngoài đầu tư phát triển các sản phẩm ấy mà chỉ hy vọng vào doanh nhân Việt Nam có tâm với nông nghiệp và nông dân, có óc kinh doanh, biết nắm bắt cơ hội hoặc tiên phong mở thị trường trong và ngoài nước.

Hiện tại, những công ty như Nông nghiệp GAP, Saigon CO.OP, Viễn Phú (phát triển vùng lúa hữu cơ ), Vinamit (phát triển trái cây sấy khô), TMTM (phát triển các vùng trồng cây chùm ngây để chế biến sản phẩm bổ dưỡng từ lá)... chính là những đơn vị mở đường cho sự phát triển nông nghiệp sạch Việt Nam.

>>Tìm lời giải cho bài toán gạo Việt xuất khẩu

Để ĐBSCL thực sự trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp, song song với sự mạnh dạn đầu tư của DN, nông dân ĐBSCL cũng phải quyết liệt thay đổi tư duy và tập quán canh tác. Ở các quốc gia tiến bộ, nông dân phải có chứng chỉ ngành nông nghiệp mới được tham gia sản xuất. Tại Việt Nam, nông dân chỉ dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối là chính. "Lão nông tri điền", niềm tự hào này đã khiến người nông dân sản xuất rất tốn kém.

Bón quá nhiều phân hóa học, sạ cấy quá dày nên vô tình đã kích thích sâu bệnh tấn công vườn tược, đồng ruộng. Để trị sâu lại phải xịt thuốc bảo vệ thực vật, vừa tốn kém, vừa có hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm đất và nước. Bên cạnh sự thay đổi về tập quán, quy trình canh tác, người nông dân cần từ bỏ nếp làm ăn mang tính cá thể, mạnh ai nấy làm. Không thay đổi sẽ không gắn kết được với DN đầu ra.

Đầm tôm. Nguồn: Cuộc thi ảnh Tự hào Hàng Việt do Báo DNSG tổ chức

Nhà nước phải là "nhạc trưởng"

Để nông nghiệp Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng được các DN quan tâm, Nhà nước cần dọn đường để thu hút đầu tư. Chậm còn hơn không, ngay từ bây giờ, chúng ta cần có chiến lược quốc gia về các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó xác định rõ mỗi mặt hàng sẽ nhắm vào thị trường nào. Kế đến là sự quy hoạch đất đai (vùng nào, diện tích bao nhiêu...), tập huấn, kết nối nông dân với một hoặc nhiều DN, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cần thiết cho sản xuất, áp dụng chính sách ưu đãi vốn cho DN và nông dân.

Thí dụ, các vùng nhiễm mặn có thể được phát triển để vừa trồng lúa đặc sản trong mùa mưa, vừa nuôi tôm, cua, cá trong mùa nắng, hoặc phát triển nuôi tôm bán thâm canh. Sau khi quy hoạch vùng, hệ thống kênh tưới, mương tiêu được xây dựng, biến vùng đất manh mún thành vùng nuôi trồng có tổ chức và khoa học.

Điều mà cả chính quyền trung ương và địa phương cần đặc biệt lưu ý là phải chấm dứt tình trạng "tự bơi" của nông dân cá thể và tình trạng hàng trăm DN tự phát đi tìm "đất sạch" để đầu tư.

Mặt khác, Nhà nước cũng cần tham gia vào quá trình chọn nhà đầu tư Việt Nam hoặc nước ngoài. Sau khi kết nối với nông dân, họ được Nhà nước giới thiệu vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Quốc tế để tổ chức cho nông dân sản xuất nguyên liệu, xây dựng hệ thống máy móc, thiết bị chế biến. Tất nhiên, mỗi vùng sẽ được tổ chức theo chuỗi giá trị để sản phẩm đầu ra có chất lượng và thương hiệu đạt chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh, giá thành thấp.

Có thể nói, sự chậm tiến của nông nghiệp Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng những năm qua chủ yếu do cơ chế - chính sách chưa phù hợp. Hơn bao giờ hết, Nhà nước cần quan tâm đến nông nghiệp bằng những hành động cụ thể. Điều mà cả chính quyền trung ương và địa phương cần đặc biệt lưu ý là phải chấm dứt tình trạng "tự bơi" của nông dân cá thể và tình trạng hàng trăm DN tự phát đi tìm "đất sạch" để đầu tư.

Nhà nước cần có chiến lược ngành hàng đi kèm với các biện pháp đồng bộ cho DN và nông dân tham gia đầu tư. Nếu làm được như vậy, tôi tin các ngân hàng quốc tế, nhất là Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ngân hàng Đầu tư hạ tầng của Trung quốc (AIIB) sẽ tin tưởng "mở hầu bao" cho những dự án phát triển nông nghiệp. Khi ấy, giấc mơ biến ĐBSCL thành trung tâm thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sẽ thành hiện thực.

Xuân Đinh Dậu 2017.

>>Tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL: Vẫn chờ tư duy mới

GS. VÕ TÒNG XUÂN