Phụ phẩm hóa vàng: Biến rác tôm thành vàng
Start up - Ngày đăng : 06:50, 05/02/2017
Chọn hướng đi khác biệt là tạo ra phân khúc mới (chất dẫn thủy phân), mong muốn của Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) là vẽ lại bản đồ cung ứng nguyên liệu đầu vào của nền công nghiệp thức ăn chăn nuôi nội địa hiện có giá trị khoảng 6 tỷ USD.
Đọc E-paper
Hoàng Việt Tùng |
Tại Cà Mau, thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, 6 năm trước, vỏ tôm thải ra trong quá trình chế biến chất cao như núi và được phân loại vào khu rác thải có mùi. Đơn cử, mỗi ngày, Công ty Thủy sản Minh Phú bỏ đi khoảng 50 - 100 tấn đầu và vỏ tôm. Núi rác vỏ tôm lâu ngày bốc mùi và hủy hoại bầu không khí dân sinh.
Với con mắt của một người làm kinh doanh, nhìn thấy các loại phế phẩm này đang được ứng dụng trên thế giới trong nhiều ngành thực phẩm, dược phẩm, công nghiệp..., Hoàng Việt Tùng, thành viên HĐQT Công ty VNF đã lên kế hoạch đầu tư khai thác "mỏ vàng" phế phẩm này.
"Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản và khi nhu cầu xuất khẩu càng lớn thì nguồn phụ phẩm này cũng phát triển theo chiều tỷ lệ thuận. Vì vậy, VNF sẽ không lo thiếu nguyên liệu", ông Tùng chia sẻ. Với quan điểm "ai nắm được nguồn nguyên liệu sẽ thắng", ông Tùng quyết định ký hợp đồng bao tiêu, thu mua toàn bộ lượng phế phẩm của các công ty thủy sản lớn.
Tùy theo mùa, mỗi ngày trung bình VNF thu mua hơn 100 tấn phế phẩm và Công ty đầu tư quy trình xử lý thu mua, bồn chứa, tổ chức đội xe bài bản để đảm bảo vệ sinh, chất lượng nguồn phụ phẩm. Đơn cử, trước đây các loại vỏ tôm, đầu tôm bỏ đi thường vứt xuống đất, khi có đơn vị thu mua thì xúc bán nên lẫn tạp chất bẩn.
VNF đã xây dựng hệ thống băng tải để đầu, vỏ tôm vào luôn bồn chứa. Với quy trình này, thời gian tối đa từ khi thứ phẩm được tách ra khỏi dây chuyền sản xuất của nhà máy tôm đến khi VNF thu gom chỉ 30 phút. Song, giá trị lớn nhất mà VNF mang lại đó là tư duy khác biệt trong sử dụng công nghệ nên giải quyết được bài toán về ô nhiễm môi trường.
Ông Tùng lý giải: "Trước kia, rác thải từ hoạt động nuôi tôm và toàn bộ khu chế xuất tạo thành cụm ô nhiễm kép (ô nhiễm không khí và nguồn nước), khiến chính quyền Cà Mau đối mặt với áp lực gia tăng chi tiêu công đầu tư cho môi sinh hằng năm. Từ khi chuỗi thu gom ngay tại nguồn của VNF đi vào hoạt động đã làm thay đổi môi trường sống của 1,2 triệu cư dân, ngư dân bản địa".
Theo ông Tùng: "Thách thức lớn nhất mà bất cứ doanh nghiệp nào bước chân vào sân chơi "biến rác tôm thành vàng" cũng phải đối mặt là việc vỏ tôm sẽ bị phân hủy trong vòng bốn giờ đồng hồ nếu không được bảo quản lạnh đủ tiêu chuẩn. VNF giải bài toán này bằng việc đặt nền móng xây dựng chuỗi phòng thu gom vệ tinh tại chính mỗi nhà máy chế biến tôm. Cách làm này giảm thiểu chi phí lập các điểm thu mua lưu động, kiểm soát đồng bộ chất lượng nguyên liệu đầu vào của tất cả các nhà cung ứng ngay tại nguồn, chủ động được sản lượng thu mua phục vụ công tác điều tiết giá và năng suất thành phẩm".
Chia sẻ về giá trị kinh tế, ông Tùng tính toán, nếu mua phụ phẩm đầu, vỏ tôm về chỉ để sản xuất thức ăn gia súc thì hiệu quả kinh tế mang lại không lớn bằng nghiên cứu ra chất dẫn dụ sinh học. Cũng thời điểm này, nhu cầu sử dụng bột cá trên thị trường rất lớn và hầu như phải nhập từ Peru nhưng số lượng không đủ cung ứng nên VNF đã nhanh chóng nắm cơ hội, đầu tư nghiên cứu các chất dẫn dụ này.
Ông Tùng phân tích: "Trong khi một ký đầu tôm bán thô cho ngành sản xuất thức ăn gia súc chỉ thu được vài ngàn đồng, chưa kể giá lên xuống bấp bênh thì khi sử dụng nguyên liệu này để chiết xuất ra chất dẫn dụ phục vụ cho ngành thực phẩm, công nghiệp, thức ăn gia súc..., giá bán ra hơn 20.000 đồng, giá trị tăng gấp 5 lần. Nếu dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất bột tôm, muối tôm, giá bán tăng lên 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, khi nghiên cứu ra chất chitosan dùng làm màng bọc thực phẩm, nhựa nhân tạo và nhiều lĩnh vực khác thì giá bán đến 400 - 500 USD/kg, nếu sử dụng trong ngành y tế như băng y tế, tái tạo da nhân tạo... thì giá lên tới 1.000 USD/kg".
Hằng năm, ngành tôm thải ra hơn 60.000 tấn phế liệu - Ảnh: Phan Thanh Cường |
VNF đã nhanh chóng lọt vào "tầm ngắm" của Quỹ VIG và Quỹ này đã bỏ ra 5 triệu USD cùng đầu tư với VNF để khai thác tiềm năng phế liệu tôm. Trong ba năm liên tiếp, bộ đôi VIG và VNF tập trung các chuyên gia hàng đầu vào quá trình R&D với mức đầu tư ban đầu hơn 5 triệu USD. Ông Tùng chia sẻ thêm: "Ngành chăn nuôi nội địa có trị giá lên tới 11 tỷ USD mỗi năm, ứng với 5% GDP, đang hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Mỗi 1 USD tăng giá của thức ăn chăn nuôi sẽ làm tăng chi phí của ngành chăn nuôi Việt Nam thêm 20 triệu USD". Chỉ trong vòng 12 tháng, doanh thu đầu tiên của VNF đến từ nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi (dịch tôm thủy phân), thực phẩm (dịch tôm tươi, bột tôm, gạch tôm sa tế), dược phẩm sinh học, đã tăng trưởng 15 lần.
Ông Tùng cho biết: "Việc nghiên cứu thành công dòng sản phẩm dịch tôm thủy phân được xem như một bước đột phá, tạo ra giá trị gia tăng hoàn toàn mới trong nguyên liệu của ngành thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 2 tỷ USD bột cá Peru, bằng nguyên giá trị nhập khẩu của toàn bộ ngành dược phẩm. VNF tạo ra dịch tôm thủy phân này nhằm giúp ngành thức ăn chăn nuôi giảm phụ thuộc vào bột cá nhập khẩu có giá cao".
Trong một thực nghiệm độc lập được nhóm các trường đại học trong ngành thủy sản và nông nghiệp nghiên cứu, kết quả sau 270 ngày nuôi cá tra và 80 ngày nuôi heo bằng nguồn thức ăn chăn nuôi sử dụng chất dẫn dịch tôm thủy phân, chi phí thức ăn lần lượt giảm 2% và 11%, tương ứng với mức tăng lợi nhuận ròng 42% và 25%.
Đó là nhờ thức ăn của VNF đã gián tiếp giảm chỉ số tích tụ thức ăn dư thừa đến 50%. Ngoài ra, sáng chế của VNF cho phép truyền dẫn dịch tôm tươi trực tiếp vào từng sợi mì gói trong quá trình chế biến đã được các công ty sản xuất mì lớn nhất Việt Nam như Masan, Colusa-Miliket áp dụng.
Song, đích xa hơn mà VNF nhắm tới là dược phẩm y tế. Đặc biệt, chitosan chiết xuất từ vỏ tôm tươi là thành phần chính của các biệt dược đặc trị trong nền y học hiện đại với giá trị thương mại ước tính, theo báo cáo của Global Industry Analysts - GIA 20 tỷ USD. "Hiện, VNF đang tiếp tục hợp tác với Đại học Harvard, Đại học Thủy sản Nha Trang và các tổ chức đại học ở Anh... để nghiên cứu sâu hơn về chiết suất chitosan, vì đây là nguyên liệu càng nghiên cứu ứng dụng sâu, giá trị mang lại càng cao", ông Tùng cho biết.