Kinh doanh thực phẩm hữu cơ: Không tham vọng phục vụ toàn dân
Chân dung - Ngày đăng : 06:58, 11/02/2017
Sau 4 năm bắt tay làm thực phẩm hữu cơ, doanh nhân Bùi Bích Liên đã có câu trả lời dành cho những người từng nói mình là “kẻ dở”. Đó là hệ thống 6 cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu ORFARM cùng trang trại nuôi trồng quy mô tại Hòa Bình, đảm bảo cung cấp luôn đủ thực phẩm cho khách hàng.
Con đường nhiều đá tảng
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế ở Nga, từng sống tại xứ sở Bạch Dương 13 năm, trở về nước, bà Liên hoạt động trong khá nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ, thời trang, kinh doanh thực phẩm và xây dựng thương hiệu. Biến cố về sức khỏe bắt đầu với người phụ nữ này vào những năm 1994-1995, nhưng nó chỉ thực sự ập đến cách đây không lâu, có thời điểm bà tưởng như không gượng dậy nổi. Sau hành trình chữa bệnh và tìm hiểu những vấn đề về sức khỏe của bản thân, bà tâm niệm phải làm một điều gì đó, trước tiên để bảo vệ sức khỏe của mình và mọi thành viên trong gia đình.
Công cuộc bắt tay vào làm thực phẩm hữu cơ của bà Liên bắt đầu từ đó. “Đây là lĩnh vực mới toanh đối với tôi, nhưng tôi thấy may mắn vì nhận được sự ủng hộ từ gia đình để yên tâm dồn tài chính, sức lực và tâm huyết vào công việc”, bà Liên nói và cho biết, thực phẩm hữu cơ của ORFARM được sản xuất và nuôi trồng theo công nghệ vi sinh (EM GREEN), được chuyển giao từ các chuyên gia Nhật Bản. Đích thân bà đã tìm hiểu, học hỏi và nhận được sự tư vấn trực tiếp của các chuyên gia, từ việc chọn con giống, xây chuồng trại đến chế biến thức ăn và chăm sóc vật nuôi…
Thời điểm 2012-2013, thực phẩm hữu cơ vẫn là khái niệm rất lạ lẫm với nhiều người tiêu dùng Việt, bởi thế, đường đi của ORFARM cũng gặp nhiều khó khăn. Do được nuôi trồng theo công nghệ EM GREEN, tuân thủ đúng các tiêu chuẩn: không chất thải, không cám công nghiệp, không hoá chất độc hại, quy trình sản xuất hướng về tự nhiên, thời gian nuôi trồng dài, nên giá thành của sản phẩm cao, thành thử giá bán đến tay người tiêu dùng không thể thấp.
Nhưng kiên định với nhóm khách hàng mục tiêu đã chọn của mình, đó là những khách hàng mua hàng không phải vì giá cao hay thấp mà vì giá trị sản phẩm mang lại khi sử dụng chúng, bà Liên đã không cố tìm một lực lượng khách hàng đại trà, mà thiết lập lượng khách hàng của riêng mình. “Tôi không ngại về chuyện sản phẩm không bán được vì giá cao. Điều cốt yếu nhất là để người tiêu dùng trải nghiệm và tự cảm nhận được giá trị mà sản phẩm ORFARM được nuôi trồng từ công nghệ vi sinh EM GREEN mang lại. Khi người tiêu dùng hiểu và mong muốn sử dụng thì họ sẽ đến và ở lại với chúng tôi”, bà Liên nói.
Dường như ORFARM đang đi ngược với cách làm của nhiều người, đó là giúp khách hàng hiểu thế nào là thực phẩm hữu cơ trước khi mong muốn bán được nhiều hàng? Bà Liên thừa nhận điều này và cho biết, những băn khoăn, trăn trở cũng hiện diện không ít. Có những khách hàng hiểu và rất ủng hộ, có người không và một số khách hàng cũng họ đặt nghi vấn về chất lượng sản phẩm. “Nhiều lúc cũng đau đầu, tuy nhiên tôi nghĩ kinh doanh mà không có thách thức thì không còn là kinh doanh nữa”, bà Liên chia sẻ.
Không kỳ vọng làm đại trà
Điều khiến bà Liên tâm đắc hơn cả sau gần 4 năm làm nông nghiệp hữu cơ là đã tìm ra một quy trình sản xuất phù hợp với phương châm được xác định ngay từ khi mới thành lập Công ty là đi chậm, nhưng chắc và không tham vọng phục vụ toàn dân.
Bắt tay vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, lúc nào, Ban lãnh đạo và các cộng sự cũng trong tâm thế vừa làm, vừa học, vừa điều chỉnh để đạt được hiệu quả tốt nhất. “Chúng tôi không kỳ vọng làm lớn ngay từ đầu, mà làm vừa sức mình. Bởi đây không chỉ là kinh doanh đơn thuần, mà liên quan đến sức khỏe con người, đến trách nhiệm xã hội. Áp lực vốn cũng như rủi ro cao càng khiến chúng tôi phải đi từ từ, nhưng thật bài bản”, bà Liên kể.
Khi làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, như thú y, trồng trọt, an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Liên cùng các cộng sự không hề giấu giếm sự non nớt của mình. Thái độ thật thà đó không những không đem lại rắc rối như nhiều người nghĩ mà ngược lại, khiến ORFARM càng nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia để hướng tới sản xuất an toàn, tuân thủ quy trình và sản phẩm đạt chất lượng tốt.
Chuyện bước chân ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về vào 1-2 h sáng hôm sau không còn là hiếm với người phụ nữ này, nhất là trong 4 năm “đâm đầu vào đá” - như cách nhiều người vẫn nói.
Trang trại của ORFARM cách Hà Nội gần 100 km, có những hôm có sự cố được báo về là ngay lập tức Ban lãnh đạo lên đường để có mặt cùng anh em xử lý. Bà Liên còn đích thân túc trực tại dây chuyền giết mổ để kiểm soát quy trình giết mổ treo, đóng gói, cấp đông thực phẩm nghiêm ngặt này.
“Mệt mỏi trong kinh doanh, nhất là ở giai đoạn đầu là tất yếu, nhưng tôi không thấy nản do đã xác định ngay từ đầu là con đường mình chọn sẽ không dễ đi, bởi nếu dễ thì ngành nông nghiệp đã không rơi vào cảnh thực phẩm bẩn khó kiểm soát như hiện nay và cũng không đến lượt mình làm”, bà Liên chia sẻ.
Và sự vất vả đã được đền bù xứng đáng. Đó là ORFARM đã có những sản phẩm đạt chất lượng như mong muốn. Đặc biệt, điều bà Liên thấy vô cùng ý nghĩa, đó là người tiêu dùng đã hiểu và định hình được chất lượng sản phẩm của ORFARM đã mang lại cho họ sức khoẻ và sự yên tâm như thế nào, hiểu được cái mà ORFARM đang mang đến cho cuộc sống là gì. Ở một góc độ nào đó ORFARM đã chạm đến nhu cầu chất lượng đúng nghĩa của một bộ phận người tiêu dùng.
“Rất hiếm khi chúng tôi nhận được sự phàn nàn về chất lượng sản phẩm của khách hàng. ORFARM luôn kiểm soát được vấn đề chất lượng, nếu bị khiếu nại thì luôn tìm ra được nguyên nhân để tìm cách khắc phục”, bà Liên kể.
Việc xây dựng công việc kinh doanh có kiểm soát theo mô hình chuỗi ngay từ những ngày đầu vẫn luôn là lựa chọn đúng. Chuỗi khép kín đã giúp chúng tôi đủ khả năng kiểm soát mọi quy trình và công đoạn trong quá trình sản xuất và kinh doanh thực phẩm của mình, trong bối cảnh chất lượng thực phẩm đang là nỗi lo của toàn xã hội.
Khéo co để đi xa hơn
Cửa hàng thứ 6 nằm trong chuỗi bán lẻ thương hiệu ORFARM vừa được khai trương tại số 9 Trần Hưng Đạo, Hà Nội để kịp phục vụ người tiêu dùng khu vực Hoàn Kiếm trước thềm năm mới 2017. Sự xuất hiện của cửa hàng này thực sự là có chủ ý, khi ORAFRM từng bước hiện thực hóa tham vọng đưa thực phẩm an toàn đến đông đảo người tiêu dùng trong cả nước.
Trước đó, cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM của ORFARM đã được khai trương để phục vụ khách hàng tại Thành phố hơn chục triệu dân này.
“Làm nông nghiệp, đặc biệt là thực phẩm sạch không đơn giản và nhẹ nhàng như nhiều người nghĩ, nhưng tôi tâm niệm, ‘khéo ăn thì no khéo co thì ấm’. Phương án phân bổ vốn cho từng giai đoạn đã được tính toán kỹ để thương hiệu thực phẩm hữu cơ ORFARM không chỉ dừng lại ở quy mô hiện tại mà còn đi xa hơn. Trong lộ trình của chúng tôi, ORFARM vẫn đang tiếp tục được mở rộng hệ thống để mang đến nhiều hơn giá trị tốt đẹp cho cuộc sống”, bà Liên chia sẻ.