WTO gặp khó dưới thời Tổng thống Donald Trump?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:35, 01/03/2017
Theo Le Monde, chính sách bảo hộ mậu dịch cứng rắn của chính quyền ông Donald Trump có thể đẩy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào một tình thế khó khăn.
Tưởng chừng như đã rơi vào bế tắc, WTO cuối cùng đã có thể công bố một đột phá mới mang tính lịch sử vào ngày 22/2, với một thỏa thuận tạo điều kiện cho các trao đổi thương mại quốc tế (ký từ năm 2013) đã bắt đầu có hiệu lực.
Để đạt được thỏa thuận trên, các điều khoản quy định phải được ít nhất 2/3 số nước thành viên phê chuẩn, bước ngoặt này đã diễn ra nhờ 4 nước Rwanda, Oman, Chad và Jordan. Việc thỏa thuận đi vào thực tế làm cho người ta tạm thời quên đi sự bế tắc của vòng đàm phán Doha.
Ông Roberto Azevedo - Tổng Giám đốc WTO - tuyên bố sự kiện này cho thấy cam kết vững chắc của cộng đồng quốc tế đối với hệ thống đa phương. Lời khẳng định này gây được sự chú ý, bởi nó được đưa ra trong lúc chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump lớn tiếng đe dọa hơn bao giờ hết toàn bộ nền tảng thương mại quốc tế.
Chủ nhân mới của Nhà Trắng và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã cam kết sẽ theo đuổi đường lối cứng rắn để bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong toàn cầu hóa, cho dù có phải làm lung lay các nguyên tắc đã được bảo đảm trong khuôn khổ của WTO - cơ quan từ năm 1995 đến nay đóng vai trò trọng tài của thương mại quốc tế.
Cũng trong phát biểu đưa ra ngày 22/2, ông Azevedo - người đang có ý định tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 - tỏ ý tin tưởng về khả năng thiết chế của ông làm việc với chính quyền mới của Mỹ. “Việc bày tỏ ý kiến khác nhau là một phần trong các công việc hằng ngày của chúng tôi," vị tổng giám đốc người Brazil nói.
>>Chính sách nhập cư bị chỉ trích, Tổng thống Trump nói gì?
“Thật bất ngờ, cho tới nay chưa có ai công khai nêu lên rằng các dự định của ông Trump hoàn toàn đi ngược lại các quy tắc của WTO", Jean-Marc Siroen - giáo sư đại học kinh tế hàng đầu của Pháp Paris-Dauphine nhận định. Ông cho rằng tổ chức có trụ sở ở Geneva này “đã nằm ngoài tầm phủ sóng” của các nước, khi các cuộc đàm phán do tổ chức này dẫn dắt không còn thu hút sự quan tâm của ai.
Vốn đã bị lu mờ, liệu WTO có tiếp tục bị chìm xuồng dưới hiệu ứng của Trump? Xét trên khía cạnh nào đó, các hành động "hung hăng" của một Tổng thống Mỹ, hứa hẹn trả đũa thương mại từ Mexico cho tới Trung Quốc có thể đẩy WTO vào trung tâm của cuộc chơi.
Ông Philippe Martin - giáo sư Học viện khoa học chính trị Paris (Sciences Po) nhận định: “WTO sẽ lấy lại ý nghĩa của mình, nhưng không phải dưới góc độ tìm cách tăng cường tự do mậu dịch, mà là cơ quan giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, với mục tiêu quan trọng là tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại".
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các hoạt động liên quan đến luật pháp, buộc các bên tôn trọng quy định về thương mại quốc tế, của WTO cho đến nay đã chứng tỏ rất có hiệu quả. Từ khi thành lập, đã có hơn 500 vụ việc được đưa ra trước các thẩm phán của WTO. Cũng cần nhấn mạnh rằng là một tổ chức quốc tế, WTO cần cố gắng giải quyết một cách hài hòa mà không làm xảy ra xung đột lớn giữa bên đệ đơn kiện và bên bị kiện.
Trong ngắn hạn, Mỹ sẽ tăng cường sử dụng biện pháp chống bán phá giá để soạn thảo tổng thể các biện pháp bảo hộ thương mại. Một hệ thống bảo hộ mới, hợp pháp, dựa trên các nguyên tắc, nhưng có nguy cơ kích động hàng loạt vụ kiện chống lại các nước bị Mỹ nhắm tới. Nhiệm vụ của WTO sẽ là tránh để cho căng thẳng leo thang.
Ông Sébastien Jean - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển vọng kinh tế quốc tế của Pháp cho rằng đến nay, WTO đã hoàn thành tốt sứ mạng này, nhưng vấn đề là nó có nguy cơ bị quá tải trong khi nguồn lực tương đối hạn chế.
>>Chủ nghĩa bảo hộ thương mại đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Cuối năm 2016, Thomas Graham - Chủ tịch Cơ quan phúc thẩm, trụ cột trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO - dự báo sẽ có một “trận sóng thần” các vụ tranh chấp mới đang chuẩn bị xuất hiện. Ông tin rằng tiến trình giải quyết sẽ chậm chễ, quá trình chờ đợi sẽ lâu hơn.
Kết hợp với sứ mạng giám sát thương mại quốc tế, vai trò của WTO hiện nay góp phần tránh để nổ ra chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
“WTO chưa đánh mất tính chính danh của nó," ông Pascal Lamy - cựu Tổng giám đốc WTO khẳng định. Tuy nhiên, ông đánh giá việc bảo vệ và duy trì hệ thống này có thể sẽ là một bài toán hóc búa trong tương lai: “Có khả năng chính quyền Trump sẽ cố gắng làm cho nó suy yếu. Một cách cực đoan, các quyết định của họ có thể đặt ra mối đe dọa sống còn đối với WTO".
Trắc nghiệm quan trọng nhất có thể là dự án cải tổ hệ thống thuế mà chủ tịch Hạ viện Mỹ - nghị sỹ Cộng hòa Paul Ryan đang bảo vệ. Dự luật này dự kiến áp đặt một loại thuế qua biên giới đánh vào các sản phẩm nhập khẩu, nhưng tránh cho hàng hóa xuất khẩu. Chắc chắn nó không phù hợp với các quy định của WTO, theo đánh giá của các chuyên gia, điều này sẽ tạo ra một làn sóng chỉ trích Mỹ trên khắp thế giới.
Trong kịch bản như vậy, theo ông Martin, Mỹ có thể sẽ quyết định rút khỏi WTO, khi đó thì phần còn lại của thế giới sẽ rất khó tiếp tục làm việc.