Từ "cách mạng sữa" đến "cách mạng tầm vóc"
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:02, 02/03/2017
Trong vòng 18 tháng, kể từ lúc lập dự án, Tập đoàn TH đã đưa ra thị trường sản phẩm sữa sạch TH True Milk. Khi thăm Tập đoàn TH, ông Shimon Peres, cố Tổng thống Israel đã nhận xét: "Tôi đã đi 52 nước trên thế giới nhưng dự án sữa của Tập đoàn TH là ấn tượng nhất. Dự án TH True MILK đã khởi xướng 'cuộc cách mạng' sữa tươi sạch ở Việt Nam và khu vực".
Người khởi xướng nên “cuộc cách mạng” đó chính là nữ doanh nhân Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH.
Năm 2009, dự án TH True Milk bắt đầu thành hình và đi vào hoạt động. Tới nay, sau 7 năm, bà Thái Hương lại quyết định "dấn thân" vào hành trình mới nhiều gian nan hơn. Hành trình ấy, muốn thành công có thể mất nửa đời người, đó chính là "Nâng cao tầm vóc Việt".
Nghĩ từ cánh đồng hướng dương xứ Nghệ
Bà Thái Hương rất thích đứng giữa cánh đồng hoa hướng dương rộng lớn vàng rực trên trang trại TH, giữa cao nguyên Phủ Quỳ đầy nắng gió của miền Tây xứ Nghệ. Bà mê mùi của đồng ruộng, của cây cỏ đến độ đã đưa cả "ngạt ngào hương hoa đất" vào trong bài hát "TH true MILK" do chính bà sáng tác.
Bà Hương bảo: "Nếu chỉ nhìn những cánh đồng hoa vàng, cỏ xanh thẳng cánh cò bay hôm nay, khó có thể hình dung ra mảnh đất này 8 - 9 năm về trước". Một vùng đất gió Lào rát mặt bỗng trở thành "thủ phủ" của 45.000 con bò sữa, loài vật chỉ quen xứ lạnh. Những mảnh vườn, khóm ruộng rời rạc, những lâm trường xơ xác... đã trở thành thảo nguyên tuyệt đẹp như ở giữa lòng châu Âu.
Từ một cái tên (Nghệ An) chưa bao giờ có trên bản đồ chăn nuôi bò sữa Việt Nam, một đất nước (Việt Nam) chưa bao giờ hiện diện trên bản đồ bò sữa thế giới, bỗng sở hữu một trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, xác lập kỷ lục châu Á. Rồi từ một địa điểm vô danh trên bản đồ du lịch, vô danh đến nỗi ngay cả người nội tỉnh cũng ít ghé qua, 4 năm qua (trang trại TH) bỗng trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng triệu bước chân du khách muốn được chụp ảnh "tự sướng với hoa hướng dương, đồng cỏ và những "cô" bò cả ngày được tắm mát, ăn "cao lương mỹ vị" và nghe nhạc Beethoven.
Những ngày cuối năm 2016, nơi đây còn là điểm đến đầy hấp dẫn của Lễ hội Sắc xuân miền Tây do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức với mục tiêu xúc tiến thương mại, du lịch cho toàn vùng. Và cánh đồng hướng dương, từ một vụ mùa sản xuất của trang trại TH trở thành điểm nhấn thu hút cả trăm ngàn du khách từ mọi miền đất nước, cùng hội tụ trong Ngày hội Hoa hướng dương.
Bóc một hạt hướng dương non, bà Thái Hương bảo: "Hoa hướng dương không chỉ đẹp mà còn biến thành dòng sữa mát lành. Vòng đời của đóa hoa rất ngắn trước khi trở thành thức ăn cho bò sữa, nhưng loài hoa này luôn kiêu hãnh, minh bạch vươn mình về phía mặt trời. Sự kiêu hãnh và minh bạch của hoa hướng dương giống triết lý kinh doanh của tôi và Tập đoàn TH trong suốt những năm qua".
Với bà, trang trại TH như đoá hoa kia rực rỡ thanh khiết, kết tinh thơm thảo hương trời, hương đất, cho ta niềm tự hào đất Việt, niềm tự hào nông nghiệp Việt Nam. Giờ đây, nhìn vào thành tựu này, ai nói nông nghiệp Việt Nam manh mún, lạc hậu? Ai nói sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thua bầu kém bạn?
>>TH True Milk hay chuyện chiến lược vượt kẻ thống trị
Tiên phong và minh bạch
Khi TH mới ra đời hoàn toàn chưa có lãi, còn đang phải đối mặt với rất nhiều sóng gió và tình thế cạnh tranh "trên cả khốc liệt", bà Thái Hương đã kịch liệt phản đối kiểu làm ăn tối ưu hóa lợi nhuận: "Có ai mang theo tiền bạc xuống mồ. Làm kẻ chiến thắng không khó, nhưng giữ được sự cao quý trong thành công mới là hoàn hảo".
Ngay từ khi khởi nghiệp sữa, bà Thái Hương muốn "sữa tươi phải là sữa tươi". Không thể để sữa bột pha lại ẩn mình dưới những cách gọi khiến người tiêu dùng lầm tưởng là sữa tươi. Mấy năm trước bà tuyên bố: "TH chấp nhận tiên phong đi trên con đường từ đồng cỏ sạch, trang trại sạch đến ly sữa tươi sạch".
Người dân phát triển một số dịch vụ du lịch phục vụ du khách tại cánh đồng hoa hướng dương |
Nhiều năm liền, bà Thái Hương kiên trì đề nghị các cơ quan quản lý phải thúc đẩy sự minh bạch bằng cách yêu cầu nhà sản xuất ghi rõ tính chất sữa, chất lượng sữa, nguồn gốc sữa trên bao bì, để người tiêu dùng không bị lạc trong "ma trận" nhập nhằng.
Khi người nông dân uất ức đổ sữa ra đường , bà đăng đàn vạch trần sự thật: "Giá sữa bột thế giới đã giảm một nửa nên một số nhà sản xuất đã tích cực mua sữa bột về pha thành sữa nước, chứ không quan tâm thu mua sữa tươi của người nông dân. Lợi nhuận dễ làm người ta mờ mắt. Không có cái tâm làm trụ trong kinh doanh, người ta sẽ làm hại cộng đồng".
Bài phát biểu của bà được vỗ tay nhiều lần trong Diễn đàn Đón sóng thực phẩm sạch, cũng chỉ đề cập duy nhất một từ "minh bạch". Bà nói: "Minh bạch vì sức khỏe cộng đồng là trên hết. Chúng ta không sống được bao lâu, hãy để tương lai cho con em sau này".
Và cuộc "cách mạng" do bà khởi xướng, tới nay đã có thành tựu. Bà đã dành biết bao tâm huyết để sản phẩm chế biến từ sữa tươi Việt Nam tăng nhanh. Thị hiếu tiêu dùng đã chuyển dần từ sử dụng sữa bột (với nhiều chất bổ dưỡng bị mất đi vì qua hai lần xử lý nhiệt) sang sữa tươi vẹn nguyên chất dinh dưỡng từ thiên nhiên.
Nhiều chuyên gia đã nhận định, sự vào cuộc của TH đã thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến sữa phải cạnh tranh về chất lượng và quan tâm đến chăn nuôi bò sữa để phát triển nguyên liệu sữa tươi phục vụ sản xuất, tỷ lệ sữa nước chế biến từ sữa tươi nguyên chất tăng từ 8% năm 2008 lên 30% năm 2015.
>>2 "nữ tướng" ngành sữa Việt vào Top 50 nữ doanh nhân châu Á
Cuộc "cách mạng tầm vóc"
Khi quyết định dành tặng một khoản kinh phí lên tới hơn 200 tỷ đồng bằng sữa, để góp vào "Tài khoản sữa học đường - vì tầm vóc Việt" mà mình khởi xướng, nữ doanh nhân Thái Hương thêm một lần nữa cho thấy, TH luôn nhận trách nhiệm tiên phong trên con đường vì cộng đồng.
Bà Thái Hương chia sẻ: "Bây giờ rất nhiều người tìm mọi cách vun vén cho mình, tối đa hóa lợi nhuận, nhưng tôi kiên quyết tiên phong trong lĩnh vực vì cộng đồng này, dù biết cả bản thân và TH cũng phải nỗ lực đóng góp nhiều tiền bạc và công sức".
"Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và cộng đồng" là một trong những triết lý bà Thái Hương áp dụng ngay từ ngày đầu thành lập TH. Năm 2016, Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình Sữa học đường. Đây là bước đột phá lớn trong kế hoạch tổng thể nâng cao thể trạng tầm vóc của người Việt. Nhưng ít ai biết, nhiều năm liền bà Thái Hương đã miệt mài, kiên trì góp sức cho chính sách lớn này, khi TH cùng Viện Dinh dưỡng Việt Nam tiến hành thử nghiệm lâm sàng uống sữa học đường trên hơn 3.600 học sinh. Từ kết quả thực nghiệm đó, bà liên tục đấu tranh cho tiêu chuẩn sữa học đường.
Ba năm qua, bà đã dự tới 82 cuộc họp để lên tiếng đề nghị sửa đổi quy chuẩn sữa dạng lỏng và về quy chuẩn sữa học đường. Bà nhấn mạnh: "Sữa tươi sạch thôi không đủ, sữa học đường phải là sữa được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, phù hợp thể trạng và lứa tuổi trẻ em Việt Nam".
Bà Thái Hương còn lập cả Đề án Sữa học đường gửi lên các cấp có thẩm quyền, vận động không mệt mỏi. Bà kêu gọi những người có tên tuổi vào cuộc để người Việt không thể chậm trễ hơn nữa trong công cuộc chấn hưng thể lực trí lực vốn thua sút rất xa bạn bè thế giới.
"Chậm thực hiện sữa học đường hơn nữa là có tội với tương lai đất nước. Tôi chỉ cao hơn 1,5m nhưng các con tôi toàn trên dưới 1,8m. Các cháu nhà tôi có điều kiện uống sữa từ nhỏ, nhưng tôi vẫn đau đáu vì còn hàng triệu trẻ em khác trong lứa tuổi vàng mẫu giáo, mầm non không thể tiếp cận nguồn dinh dưỡng tốt lành nhất là sữa tươi sạch", người mẹ có ba con Thái Hương tâm sự.
"Trẻ em Việt Nam phải giống như những bông hoa hướng dương, phải được chăm bón và lớn lên mạnh mẽ, khỏe khoắn, kiêu hãnh dưới ánh mặt trời. Tôi mong ngày càng có nhiều người đồng hành với chúng tôi trên con đường ươm mầm, chăm bón 'những cánh đồng hoa hướng dương tương thế hệ trẻ' để người Việt sớm sánh vai các cường quốc năm châu cả về tầm vóc lẫn trí tuệ. Thời gian không chờ đợi, chậm phút nào là thế hệ trẻ thiệt thòi chừng ấy". (Thái Hương) |