Nhà giá rẻ: Cách nào?

Bất động sản - Ngày đăng : 03:39, 02/03/2017

Đến nay, việc làm nhà giá rẻ chỉ là "ngã rẽ" của hầu hết doanh nghiệp bất động sản.
Nhà giá rẻ: Cách nào?

Tại Hội thảo Phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ tổ chức ngày 27/2 vừa qua, nhiều doanh nghiệp nêu lên những khó khăn của việc xây dựng nhà ở giá rẻ tại TP.HCM, nếu làm không khéo dễ hình thành những "khu ổ chuột" mới ở đô thị. 

Đọc E-paper

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), TP.HCM vẫn có thể làm được căn hộ nhà ở xã hội 30m2 (gồm 20m2 sàn và 10m2 gác lửng) có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như ở tỉnh Bình Dương.

Đó là khu vực có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông, gần các khu công nghiệp, nơi làm việc, đã có các tiện ích, dịch vụ cơ bản như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, công viên, có nền địa chất vững chắc, có sẵn quỹ đất. Tuy nhiên, sẽ chỉ có khoảng 10.000 người được mua loại nhà này, chiếm khoảng 1% người có nhu cầu.

"Giấc mơ Bình Dương"

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành đề xuất nhà ở giá 200 - 300 triệu đồng ở vùng ven thì hợp lý hơn. Ông kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ quy hoạch, giảm lãi vay ngân hàng.

"Một căn hộ 20m2 và dự phòng 10m2 cho người dân tự cơi nới trong phạm vi cho phép bằng vật liệu nhẹ là hợp lý (có thể xây thêm gác lửng). Nếu chính quyền đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, giá bán có thể giảm 5 triệu đồng/m2, với diện tích 20 - 30m2 thì giá khoảng 100 - 150 triệu đồng như Bình Dương đã làm", ông Đực bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long, đơn vị đang phát triển nhà ở xã hội - căn hộ EHomeS cho biết, tỷ suất đầu tư ở TP.HCM rất khó kéo giá xuống dưới 12 triệu đồng/m2. Doanh nghiệp đã nghiên cứu rất nhiều mô hình ở các nước, tham khảo hàng triệu căn hộ 30m2 ở Thái Lan, Singapore, thấy khó khả thi. "Chương trình nhà ở giá rẻ tại Việt Nam là chủ trương đúng, nhưng còn thiếu tính thực tế”, ông Quang nói.

Ông Quang dẫn giải, quy định mỗi địa phương dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội nhưng phân bổ như thế nào, giá giao đất ra sao thì chưa có. Quy chuẩn xây dựng nhà xã hội cũng chưa rõ ràng, cụ thể. Tương tự, khung giá cũng chỉ tạm tính. Cần sớm luật hóa việc phát triển nhà ở giá rẻ thì doanh nghiệp mới có khung pháp lý để thực hiện.

Bên cạnh việc xác định giá, vấn đề lâu nay gây vướng mắc trong việc triển khai nhà ở xã hội là cơ chế, chính sách hỗ trợ vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí là gây cản trở. Theo các doanh nghiệp, 2 vấn đề này là yếu tố cốt lõi để phát triển nhà ở xã hội, nếu chưa giải quyết được thì việc làm nhà giá rẻ tưởng dễ mà không dễ.

Căn hộ trên dưới 600 triệu đồng thuộc khu nhà ở xã hội EHomeS do Nam Long phát triển thu hút sự quan tâm của người mua

Ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ, Tập đoàn đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư phát triển chuỗi bất động sản đại chúng thương hiệu VinCity dành cho người thu nhập trung bình và đây sẽ là những khu đô thị khép kín với đầy đủ hạ tầng cơ sở.

Dự kiến diện tích căn hộ VinCity sẽ từ 35 - 100m2, mật độ xây dựng một khu nhà khoảng 20%, mỗi block từ 25 - 35 tầng. "VinCity có mức giá hấp dẫn do được xây dựng tại vị trí không phải "đất vàng" nhưng vẫn đảm bảo chất lượng như nhà ở thương mại cao cấp mà Vingroup đang xây dựng ở nhiều nơi", ông Hiệp lý giải.

Trả lời về chất lượng xây dựng, ông Hiệp nhấn mạnh, dù làm nhà phù hợp túi tiền nhưng Vingroup sẽ xây dựng đầy đủ tiện ích nội ngoại khu, như trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khu hội nghị, nơi hội họp cộng đồng, trường học, bệnh viện hay phòng khám sức khỏe, hoặc doanh nghiệp sẽ liên kết với các đối tác để xây dựng trường học phù hợp với thu nhập của người dân.

Với những khu nhà dành cho người thu nhập trung bình này, Vingroup thu của khách hàng 30% tiền mua nhà, 70% còn lại sẽ được các ngân hàng thương mại cho vay dài hạn. Theo tiết lộ của ông Hiệp, Tập đoàn đang làm việc với nhiều ngân hàng để xây dựng khung chính sách cho vay mua nhà ở VinCity.

Tuy nhiên, khách hàng luôn cảm thấy bất an về mức lãi suất cho vay mua nhà, do vậy Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM cần có những gói tài chính hỗ trợ cho người thu nhập thấp, tương tự như gói 30.000 tỷ vừa qua để hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà. Cũng phải nói thêm rằng, dù có kỳ vọng làm nhà giá rẻ, nhưng đến thời điểm này hầu như mức giá tối thiểu mỗi căn hộ thương mại cũng không dưới 500 triệu đồng.

Đại diện Công ty Địa ốc Đại Quang Minh cho rằng, đến nay, việc làm nhà giá rẻ chỉ là "ngã rẽ" của hầu hết doanh nghiệp bất động sản. Nếu muốn phát triển thị trường này, chủ đầu tư cần phải nhận thức rõ việc làm nhà giá rẻ là ý định nghiêm túc.

Phải hình thành chuỗi liên kết

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng, nhà ở xã hội không phải làm nhà diện tích nhỏ lại mà phải áp dụng công nghệ mới, giảm giá các loại vật liệu xây dựng để hạ giá thành. Bởi lẽ, nếu diện tích căn hộ quá nhỏ sẽ giảm chất lượng sống của người dân.

"Chính vì thế, cần phải hình thành chuỗi liên kết nguồn cung ứng nguyên vật liệu để từ đó có thể xây dựng được căn hộ với giá hợp lý. Với chuỗi liên kết này, các doanh nghiệp liên quan như xi măng, thép... khi tham gia sẽ bán vật liệu với giá hỗ trợ để xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Nếu tất cả doanh nghiệp cùng chung tay giảm giá nguyên liệu đầu vào thì việc giảm giá nhà không quá khó”, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Đại diện Công ty CP Xi măng Hà Tiên cho biết có thể cung ứng xi măng bằng với giá thành sản xuất là 800.000 đồng/tấn để xây dựng nhà ở xã hội của TP.HCM nếu số lượng phù hợp. Tại Hội thảo, một đơn vị chuyên cung cấp đá granite cũng cam kết giảm 20% giá bán cho các công trình xây dựng nhà ở xã hội.

>>9 lý do Bình Dương xây dựng được căn hộ 100 triệu đồng

Ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sẽ vận động thêm một số doanh nghiệp sản xuất thép hỗ trợ giảm giá và kỳ vọng thời gian tới sẽ hình thành danh sách các đơn vị cung cấp nguồn vật liệu giá thành thấp cho nhà ở xã hội tại TP.HCM.

Ngoài xây dựng chuỗi liên kết, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, nghiên cứu quy trình làm sao để thời gian thực hiện thủ tục đầu tư một khu nhà ở xã hội còn 6 tháng. Trong quy trình đó, Sở Xây dựng phải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành khác nhằm giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp với "một cửa" duy nhất để các doanh nghiệp liên hệ làm thủ tục. Các chủ đầu tư có vướng mắc gì thì liên hệ trực tiếp tại Sở Xây dựng để được giải quyết, chấm dứt việc doanh nghiệp phải liên hệ nhiều cơ quan, sở, ngành khi làm thủ tục đầu tư dự án.

Nguyên nhân của chỉ đạo trên là do tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp bất động sản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp phản ánh, chính thủ tục đầu tư quá nhiêu khê và tốn quá nhiều thời gian đã "bóp nghẹt" cơ hội đầu tư của họ. Có doanh nghiệp phản ánh trung bình một hồ sơ từ khi xin phép đến khi dự án được thực hiện mất đến 2 năm.

KHÁNH ĐINH