TGĐ Công ty Sao Bắc Đẩu: Đối thủ buộc mình phải phát triển
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:34, 03/03/2017
* Vì sao ông lại chọn công nghệ thông tin (CNTT) để theo đuổi?
- Tôi đến với CNTT một cách ngẫu nhiên. Theo học ngành vô tuyến điện Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nên ra trường năm 1988 tôi làm việc cho Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco), phụ trách vô tuyến điện. Đến năm 1995 tôi chuyển sang bán hàng, chuyên về linh kiện, máy móc của tàu thuyền cho một công ty của Đức rồi mới về Nortel Networks - công ty về công nghệ của Canada.
Lý do chính khi tôi quyết định làm cho công ty này là vì lời hứa sẽ được đi Mỹ học một năm. Tuy vậy, vì có sự thay đổi trong chính sách nên lời hứa đó không thành hiện thực. Vào làm trong lĩnh vực CNTT mới thấy nó phức tạp với rất nhiều thách thức về chuyên môn mà mình phải đối mặt mỗi ngày.
Khác với ngành bán thiết bị cho tàu, có khi chỉ tìm hiểu từ sáng đến trưa là có thể gặp khách hàng nói vanh vách. Thêm vào đó, thời điểm tôi chuyển sang lĩnh vực này, thị trường CNTT của Việt Nam đang ở bước sơ khai, chưa thấy cơ hội phát triển, đặc biệt là cơ hội về tài chính.
* Điều kiện làm việc nhiều thách thức trong khi thu nhập lại không hấp dẫn, có khi nào ông muốn chuyển nghề?
- Những năm 1995 - 1996, thị trường CNTT ở Việt Nam còn rất nhỏ, internet thì mãi cuối năm 1997 mới có. Nhu cầu về CNTT còn hạn chế, không có nhiều người biết đến các sản phẩm công nghệ hay có điều kiện để sử dụng chúng, nhiều doanh nghiệp cũng chưa triển khai CNTT. Lĩnh vực viễn thông thì có duy nhất một khách hàng là VNPT.
Trong hoàn cảnh rất nhiều nhà cung cấp mà chỉ có mỗi một khách hàng như thế, để được chọn, những công ty CNTT phải mất rất nhiều công sức. Doanh thu của một công ty CNTT hồi đó giỏi lắm một năm được 1 tỷ đồng. Trong khi bán hàng chuyên về linh kiện, máy móc cho tàu thì doanh số rất cao. So sánh như thế cũng có lúc làm mình nản.
Ảnh Quý Hòa |
* Vậy thì điều gì đã giữ ông ở lại với ngành CNTT?
- Tính năng động. Bởi vì muốn bán được hàng trong lĩnh vực CNTT phải liên tục cập nhật sản phẩm mới, phải không ngừng tìm tòi và học hỏi. Chỉ cần dừng lại là lạc hậu. Dừng lại là không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Nghề nghiệp buộc phải học, phải cập nhật tình hình phát triển công nghệ.
Khi liên tục học hỏi thì con người cũng thay đổi theo, phản ứng tốt hơn và khả năng thích nghi với sự phát triển cũng tốt hơn. Nói tóm lại chính môi trường làm việc rèn cho con người có được kỹ năng để thích nghi với sự thay đổi. Có thể nói tôi gắn bó với CNTT vì yêu thích công nghệ cao và cũng đã quen với tốc độ xử lý công việc, quy trình điều hành, thói quen làm việc quy củ.
* Đâu là lý do khiến Sao Bắc Đẩu được các tên tuổi không lồ trong ngành CNTT như Cisco, Microsoft IBM, APC, HP, Polycom, Oracle chọn làm đối tác?
- Cá nhân tôi cũng chọn Sao Bắc Đẩu đấy thôi! Nói đùa vậy thôi, để được chọn làm đối tác của những công ty CNTT lớn, cần phải hội đủ ba điều kiện. Thứ nhất, phải có tên trên bản đồ CNTT Việt Nam. Thứ hai, phải là đơn vị tập trung đào tạo về nhân lực công nghệ. Thứ ba, công ty phải có khách hàng và được khách hàng đánh giá cao. Sao Bắc Đẩu đã phát triển khá tốt trong những năm đầu. Năm 1998 Sisco mới vào Việt Nam trong khi từ năm 1996 chúng tôi đã nhập linh kiện, sản phẩm của Sisco từ Singapore về bán.
* Ông đánh giá thế nào về nền tảng phát triển CNTT của Việt Nam?
- Hạ tầng CNTT Việt Nam phát triển rất nhanh, thị trường mobile cũng phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm con số thuê bao di động lại tăng lên hàng triệu. Nhiều ứng dụng CNTT của Việt Nam đã được đưa vào sử dụng. Game, những ứng dụng công nghệ hằng ngày đang được sử dụng rất nhiều như giải trí trên mobile, thương mại điện tử, E-learning, app đặt xe... 3G đã được sử dụng rộng rãi và 4G đang triển khai.
Tất cả thể hiện sự lớn mạnh của hạ tầng viễn thông Việt Nam. CNTT ở Việt Nam đã bắt kịp thế giới. Hầu hết doanh nghiệp đã ứng dụng CNTT vào điều hành, sản xuất. Xu hướng internet vạn vật (IoT) đã được ứng dụng trong quản lý môi trường, cầu đường, rất nhiều lĩnh vực khác. Đánh giá một cách công bằng thì hạ tầng internet và công nghệ viễn thông của Việt Nam không thua bất cứ quốc gia phát triển nào trên thế giới, nếu có thì chỉ thấp hơn về số lượng người dùng và một số ứng dụng.
* Sao Bắc Đẩu đang ở đâu trong sự phát triển mạnh mẽ đó?
- Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Sao Bắc Đẩu đã nhanh chóng bắt nhịp xu thế phát triển và triển khai nhiều giải pháp về ứng dụng giám sát, quản lý môi trường và các giải pháp trong lĩnh vực công nghệ cao.
Chúng tôi đang tư vấn cho Chính phủ trong lộ trình xây dựng và phát triển thành phố thông minh (smart city), thực hiện chương trình IoT giám sát môi trường, cảnh báo chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước, tham gia xây dựng các công trình về tiết kiệm năng lượng, nghiên cứu giải pháp phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, các thiết bị cảm biến thời tiết.
Công nghệ số đã thâm nhập rất sâu vào đời sống kinh tế, xã hội. Sao Bắc Đẩu đã bắt kịp sự phát triển của những ứng dụng CNTT trong ngành ngân hàng, bảo hiểm, hàng không... Hai IoT lớn chúng tôi đã và đang triển khai là hệ thống giao thông thông minh hầm đường bộ cho đèo Cổ Mã (đã xong năm 2016) và Đèo Cả.
* Những quyết sách hay thành tựu nào có thể xem là dấu ấn cá nhân của ông ở Sao Bắc Đẩu?
- Nói thành tựu thì e to tát quá! Trách nhiệm của tôi là xây dựng Sao Bắc Đẩu thật tốt để đáp ứng tốt nhất yêu cầu về chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Tôi về quản lý Sao Bắc Đẩu được 10 năm và trong vài năm qua Sao Bắc Đẩu đã phát triển tốt, điều đó thể hiện việc tôi đã đi đúng hướng.
Ví dụ như công trình ở Đèo Cả mà chúng tôi đang triển khai có giá trị hơn 600 tỷ đồng, nếu không có đội ngũ nhân sự giỏi và quy trình tốt thì không thể bảo đảm đúng tiến độ cũng như đáp ứng được yêu cầu rất cao về chất lượng. Đây là điểm khác biệt giữa một công ty CNTT lớn và một công ty CNTT nhỏ.
* Tiêu chí quan trọng quyết định sự thành bại của một công ty CNTT theo ông là gì?
- Là tập trung phát triển đội ngũ nhân lực hoạt động nhịp nhàng để triển khai sản phẩm của bất cứ hãng công nghệ lớn nào, đồng thời phải duy trì được nhiều khách hàng trung thành. Để nâng cao chất lượng công việc, chúng tôi chủ động áp dụng tiêu chuẩn ISO 2701 về an ninh thông tin, nhờ đó những thông tin bí mật của khách hàng được bảo vệ tuyệt đối, tránh tuyệt đối rò rỉ thông tin mật trong quá trình triển khai.
* Quan điểm của ông về đạo đức nghề nghiệp?
- Với tôi, đạo đức nghề nghiệp là đem tới cho khách hàng những cái họ cần và phù hợp nhất với họ chứ không phải cố bán cho được một giải pháp. Chúng tôi chỉ làm những gì phù hợp nhất một cách tử tế.
* Có khi nào trong quá trình điều hành ông phải đối mặt với mâu thuẫn giữa tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và lợi ích của Công ty?
- Ở Sao Bắc Đẩu và với cá nhân tôi, hai khái niệm này không mâu thuẫn. Đạo đức nghề nghiệp chính là phục vụ khách hàng hiệu quả nhất. Mà phục vụ khách hàng hiệu quả nhất là con đường duy nhất mang lại cho công ty uy tín và thành công về tài chính.
Trong kỷ nguyên công nghệ số, mỗi công ty CNTT đều bình đẳng trong việc tiếp cận khách hàng bởi khách hàng không chỉ tiếp xúc với một công ty. Nếu không xây dựng được tiêu chuẩn tử tế trong tư vấn giải pháp cho khách hàng, sớm hay muộn họ sẽ phát hiện ra. Thay vì lấy vài chục tỷ đồng rồi để khách hàng ra đi mãi mãi, chúng tôi chọn việc có được những khách hàng trung thành mỗi năm đem đến vài trăm tỷ doanh thu.
* Như ông vừa nói, nhân tố con người là yếu tố quan trọng đối với sự thành bại của Sao Bắc Đẩu. Vậy Sao Bắc Đẩu đã làm gì để thu hút và giữ chân nhân tài CNTT vốn dĩ hiếm và khó kiếm?
- Sự phát triển, lớn mạnh của công ty phụ thuộc vào con người. Vì thế trách nhiệm của người quản lý là phải tạo ra môi trường làm việc để những con người ấy phát huy khả năng và phát triển nghề nghiệp chuyên môn. Để đầu tư cho con người, chính sách đào tạo là một trong những chiến lược phát triển lâu dài và quan trọng nhất của Sao Bắc Đẩu.
Hằng năm chúng tôi đều đưa nhân viên đi học, trong nước có, ngoài nước có. Những khoá đào tạo ngắn hạn cho phép các kỹ sư nâng cao chuyên môn, cập nhật sớm nhất tốc độ phát triển công nghệ và lấy được các chứng chỉ nghề. Và điều quan trọng nữa giúp Sao Bắc Đẩu sở hữu được nguồn nhân lực giỏi là chúng tôi có lượng lớn khách hàng trung thành, hằng năm đều triển khai nhiều dự án. Không có gì giúp phát triển kỹ năng tốt bằng công việc.
Ngoài ra, Sao Bắc Đẩu có chính sách lương thưởng minh bạch, công bằng để ai cũng có cuộc sống đàng hoàng. Xây dựng văn hoá công ty, quan hệ con người với con người chúng tôi cũng làm khá tốt nên lôi kéo được người tài.
* Quan niệm của ông về đối thủ?
- Đối thủ là những người cùng chiến tuyến trong việc định hướng tiêu dùng, phát triển thị trường. Đối thủ theo tôi chính là tác nhân buộc mình phải năng động, học hỏi không ngừng để đứng vững, để phát triển.
* Mục tiêu của Sao Bắc Đẩu sắp tới là gì, thưa ông?
- Sao Bắc Đẩu đã hoàn thiện các bước chuyển đổi để trở thành doanh nghiệp số vững vàng, càng nhiều thêm khách hàng. Chúng tôi tiếp tục phấn đấu để đứng vững trong top đầu những doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam. Hiện Sao Bắc Đẩu không còn là một công ty mà là một nhóm công ty mẹ và bốn công ty thành viên. Cả năm công ty luôn gắn kết chặt chẽ để phát huy hiệu quả nhất thế mạnh riêng có.
*Cám ơn ông về những chia sẻ thú vị!