Giải cứu nông sản có là giải pháp tốt?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:31, 07/03/2017

Hàng loạt nông sản Việt Nam bỗng dưng tăng giá chóng mặt rồi lại bất ngờ hạ giá thảm hại.
Giải cứu nông sản có là giải pháp tốt?

Ảnh minh họa. Nguồn: Cuộc thi Ảnh hàng Việt do báo DNSG tổ chức

Nếu không giải quyết những vướng mắc đang diễn ra, nông sản Việt Nam sẽ vẫn phải gánh trên vai nghịch lý “được mùa mất giá”.

Trong chiến dịch “giải cứu chuối” lần mới phát động, 300 tấn chuối đã được tiêu thụ chỉ sau 8 ngày. Rất nhiều tập thể, cá nhân phát động chiến dịch “Chuối nghĩa tình”. Điều này cho thấy sức mạnh của một cộng đồng khi chung tay giúp nông dân. Thế nhưng, dư luận cũng đặt ra vấn đề: Liệu giải cứu có phải là giải pháp tốt hay không, khi ngày càng nhiều sản phẩm được giải cứu, còn nông dân thì cứ mải chạy theo những lợi ích trước mắt mà quên đi hậu quả phía sau?

Do bão làm ảnh hưởng vụ chuối trong nước, cộng với chính sách ngưng nhập khẩu chuối từ Philippines nên thương lái Trung Quốc đã sang Việt Nam lùng mua chuối. Thời điểm đó, họ mua cả chuối non lẫn chuối già, khiến giá chuối tăng cao kỷ lục. Bán chuối cho Trung Quốc không đòi hỏi chất lượng, chuối lại dễ trồng nên nông dân các tỉnh miền miền Đông, miền Tây đã ồ ạt trồng với diện tích lớn.

Link bài viết

Tuy nhiên, sau vài năm bán được chuối giá cao thì năm nay giá chuối rớt thê thảm, thương lái Trung Quốc lặn mất tăm, còn nông dân phải đổ bỏ, chặt chuối trồng cây khác hoặc chờ giải cứu.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi - TGĐ Công ty VTVCorp, Trưởng Ban Công tác xã hội Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp trả lời trong Hội thảo Chuối: “Con số 300 tấn chỉ giúp tiêu thụ hơn 10% so với số lượng thực tế”. Việc phát động chiến dịch lần hai được kỳ vọng sẽ giải cứu được 80 - 90%.

Nhưng chỉ riêng tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai, vẫn còn khoảng 200ha chuối già hương chưa vào vụ thu hoạch với sản lượng ước tính khoảng hơn 9.000 tấn. Như vậy, giải cứu cũng chỉ như muối bỏ biển.

“Nông dân hiện vẫn làm theo phong trào mà không nghiên cứu thị trường. Do đó, khi thị trường có biến động thì họ rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Chiến dịch “Chuối nghĩa tình” chỉ là giải pháp hỗ trợ tạm thời, chưa thể giải quyết tận gốc cho bà con nông dân”, ông Đỗ Long - Chủ tịch Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp chia sẻ.

Cũng như chuối, hàng loạt nông sản Việt bỗng tăng giá chóng mặt rồi bất ngờ hạ giá thảm hại. Tình trạng này đang diễn ra với tần suất ngày càng nhiều hơn. Và các cuộc giải cứu lại vào cuộc.

Do dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng năng suất cao nên nhà vườn miền Tây đua nhau tăng diện tích trồng ổi, dẫn đến bí đầu ra và cuộc giải cứu ổi Sóc Trăng diễn ra rầm rộ.

Ảnh hưởng bởi lũ lụt và thương lái Trung Quốc ép giá, đầu năm 2015, nhiều cuộc giải cứu dưa hấu Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng được thực hiện bởi nhiều nhóm thiện nguyện. Cuộc giải cứu trái vải Hưng Yên cũng từng rầm rộ suốt mấy năm liên tiếp... Cho đến năm ngoái, vải thiều lại bán được giá cao cho thương lái Trung Quốc nên mới “tạm ngừng” giải cứu.

Giải cứu vẫn cứ giải cứu, trong khi nông dân “trồng rồi chặt”. Điệp khúc này diễn ra từ nhiều năm nay, với rất nhiều loại cây trồng, không chỉ chuối, ổi, vải, dưa hấu mà còn quýt, thanh long, cà chua, hành tím, tỏi, ớt...

Trong khi đó, nhìn sang trang trại của lão nông Võ Quan Huy, Long An, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Mặc cho phong trào giải cứu chuối vẫn diễn ra trên quy mô rộng, trang trại trồng chuối của ông Huy vẫn hoạt động tốt và ký được các hợp đồng dài hạn xuất khẩu sang nhiều nước.

Đây là một bài học điển hình cho ngành nông nghiệp. Lão nông Võ Quan Huy không chạy theo hợp đồng ngắn hạn với thương lái Trung Quốc mà chỉ gắn bó với những khách hàng dài hạn, mua chuối bền vững. Vì thế, sau vài năm trồng chuối, từ 40ha trang trại tại Long An, ông Huy đã mở rộng thêm 70ha trồng chuối tại Tây Ninh để đủ cung ứng cho thị trường Nhật, Hàn Quốc, Singapore…

Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng chuối liên kết với ông Huy và vẫn ổn định đầu ra. Điều đó cho thấy, nếu đi theo mô hình chuẩn, tìm đúng thị trường, nhiều nông sản của Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển ổn định.

Tất nhiên, bài toán lớn hơn cho thị trường nông sản Việt Nam liên quan tới chính sách vĩ mô tìm đầu ra xuất khẩu cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên ở trong nước, việc tổ chức các kênh phân phối, lưu thông hàng nông sản nếu làm tốt hơn cũng có thể giải quyết được một phần vấn đề.

Cũng tham gia hỗ trợ người trồng chuối ở Đồng Nai, hệ thống siêu thị Big C đã thu mua trực tiếp hơn 100 tấn chuối tươi và phân phối lại với giá không lãi là 5.900 đồng/kg tại 15 siêu thị Big C từ Đà Lạt đến Cần Thơ. Ngoài việc thu mua chuối giúp nông dân, hệ thống siêu thị Big C còn hỗ trợ chi phí vận chuyển, hậu cần, không thu lãi trên giá bán...

Theo ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Truyền thông Central Group, các chương trình “giải cứu” nông sản trước mắt rất cần để kịp thời hỗ trợ nông dân vượt khó, nhưng cần hơn là những giải pháp căn cơ hơn để hướng tới một thị trường tiêu thụ bền vững. Trong đó cần liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giúp bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân. Qua đó, nông dân có điều kiện nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm và giá ngày càng hợp lý hơn.

Mặt khác, cần có chính sách để thu hút đầu tư vào công nghệ giúp nông dân khâu bảo quản và chế biến sau thu hoạch.

Tiến sĩ Võ Thị Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam thì cho rằng, nỗ lực giải cứu nông sản phải có giải pháp tổng thể, nông dân phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.

Nhiều hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết là cơ hội cho nông sản Việt xuất khẩu. Nhưng nếu không giải quyết những vướng mắc đang diễn ra, nông sản Việt Nam sẽ vẫn gánh trên vai nghịch lý “được mùa mất giá”.

(Theo NCĐT - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

MAI HÂN