Lực cản từ hàng ngoại
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:34, 11/03/2017
Dù tỷ lệ hàng Việt Nam được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng tăng nhưng vẫn còn nhiều bất lợi khi hàng nước ngoài đang ồ ạt thâm nhập thị trường và ngày càng có chỗ đứng vững chắc.
Đọc E-paper
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 7 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, có đến 92% người tiêu dùng quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng mua hàng Việt cùng loại với hàng nhập khẩu. Tại kênh bán lẻ hiện đại, hàng Việt trong siêu thị lên đến 85 - 95%, nhiều nhất là Co.opmart, Big C, MM Mega Market, thương hiệu siêu thị của nhà đầu tư Thái Lan BJC cũng có tỷ lệ hàng Việt cao.
Trước khi MM Mega Market xuất hiện, đã có dư luận lo ngại hệ thống này sẽ trở thành "sân sau" của hàng Thái. Thế nhưng chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn mới đây, TGĐ Điều hành Công ty MM Mega Market Việt Nam Phidsanu Pongwatana cho biết, hiện nay, hàng Việt chiếm đến 97% lượng hàng hóa đang kinh doanh tại đây, 3% còn lại là hàng nhập từ các nước, trong đó có Thái Lan.
Hàng Việt bị o ép
Số liệu thống kê là vậy nhưng theo chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), việc tiêu thụ sản phẩm trong nước gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do việc xử lý đối với các cơ sở làm hàng giả, hàng nhái vẫn chưa đủ sức răn đe khiến hàng kém chất lượng, thậm chí là độc hại tràn lan trên thị trường.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tâm lý "sính ngoại" khiến cho việc cạnh tranh giữa hàng Việt Nam và hàng nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, lượng hàng hóa giữa các nước trong khu vực luân chuyển mà không gặp rào cản về thuế khiến cho hàng ngoại xuất hiện ngày càng nhiều.
Ở góc độ nhà sản xuất, ông Lương Vạn Vinh - TGĐ Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết, hiện hàng Thái Lan không chỉ có mặt tại các siêu thị mà còn thâm nhập sâu vào kênh bán lẻ truyền thống. Tại các chợ ở TP.HCM, đồ nhựa gia dụng của Thái có mẫu mã đẹp, giá cao hơn hàng Việt chỉ vài ngàn đồng rất được ưa chuộng. Thị thường nông thôn vốn là "đất sống" của các thương hiệu Việt giờ cũng bị doanh nghiệp ngoại "khai phá".
Trở ngại phân phối
Hiện nay, trong kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi...), nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ thị phần lớn. Cụ thể, Thái Lan đã có nhiều thương hiệu bán lẻ như MM Mega Market, Bsmart, Big C, Robinson "phủ sóng" từ thành thị đến nông thôn.
Trong đó, MM Mega Maket có 19 trung tâm, Big C có 34 siêu thị, Bsmart có 160 cửa hàng tiện lợi. Aeon - nhà đầu tư Nhật Bản với 4 trung tâm thương mại, Hàn Quốc có 13 siêu thị Lotte Mart và dự định sẽ mở đến 60 siêu thị đến năm 2020.
Chính sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà bán lẻ ngoại là cản ngại cho doanh nghiệp nội khi tiêu thụ hàng hóa ở kênh phân phối hiện đại. Năm 2016, nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp khó khăn khi đưa hàng hóa vào siêu thị có vốn nước ngoài do mức chiết khấu cao, thời gian thanh toán kéo dài.
>>Hàng nội chưa được "ưu tiên"?
Mặc dù người tiêu dùng mua hàng có xuất xứ tại Việt Nam cao nhưng đa phần là hàng của các doanh nghiệp có vốn FDI. Nếu phân loại doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp 100% Việt Nam thì tỷ lệ hàng Việt Nam còn thấp hơn nữa. Trong cuộc khảo sát thị trường vào đợt Tết vừa qua, mặc dù bánh kẹo Việt Nam có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng nếu mua để biếu tặng thì khách hàng vẫn chọn hàng nước ngoài.
Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Điều hành Công ty The PathFinder cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó trong thời gian qua là do "sức khỏe thương hiệu" yếu trong khi các thương hiệu quốc tế ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối yếu, nguồn lực giới hạn, chiến lược marketing theo lối mòn cũng gây nhiều khó khăn cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Giải quyết những khó khăn trên, theo ông Tuấn, các doanh nghiệp phải khắc phục lỗ hổng về marketing, liên tục đổi mới ý tưởng và mô hình kinh doanh để tăng vị thế cạnh tranh lâu dài. Trong xu thế phát triển của nền kinh tế mạng lưới, những thay đổi nhanh chóng về hành vi khách hàng, công nghệ dẫn đến sự thay đổi về marketing và mô hình kinh doanh. Theo đó, hành vi, marketing và công nghệ đều ở giai đoạn phát triển mà con người là đối tượng được phục vụ cao nhất.