Startup sử dụng trí tuệ nhân tạo vận hành phòng mạch

Start up - Ngày đăng : 09:53, 14/03/2017

Ba năm làm việc tại Google đã giúp Adrian Aoun - Nhà sáng lập, CEO startup phòng mạch tương lai Forward thay đổi tư duy và cách xử lý vấn đề.
Startup sử dụng trí tuệ nhân tạo vận hành phòng mạch

Ba năm "đầu quân" cho Google đã giúp doanh nhân nối tiếp Adrian Aoun thay đổi tư duy và cách xử lý vấn đề. Startup phòng mạch Forward do ông sáng lập năm 2016 đã phần nào thể hiện điều đó. 

Cách đây vài năm, khi ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe bị xem là lỗi thời, rắc rối và hao tốn tiền của đầu tư thì các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đã sớm nhìn ra đây là "mảnh đất màu mỡ" để khởi nghiệp.

Bloomberg cho biết, xu hướng khởi nghiệp khi đó là phát triển các ứng dụng công nghệ nhằm cải thiện những bất cập trong ngành y tế, từ quản lý hồ sơ bệnh án, giúp bệnh nhân tìm bác sĩ hay hỗ trợ tiếp cận thuốc men. Tuy nhiên, chưa một startup nào xây dựng hẳn một phòng mạch được vận hành dựa trên hệ thống trí tuệ nhân tạo đồng thời được trang bị nhiều công cụ chẩn đoán tự phát triển giúp giảm bớt thủ tục nhiêu khuê trong quá trình thăm, khám bệnh - như Forward.

Mô hình phòng mạch tương lai

Startup Forward quy tụ nhiều nhân tài từng làm việc tại Google, Facebook, Uber. Một trong số đó phải kể đến Ilya Abyzov - người từng phát triển dự án UberX. Adrian cùng nhóm kỹ sư của mình tập trung phát triển ứng dụng di động, các công cụ chẩn đoán hồng ngoại... với mục tiêu tiết giảm bớt quy trình khám bệnh giúp hệ thống y tế trở nên thuận tiện, dễ tiếp cận hơn.  

Bệnh nhân bước vào phòng mạch sẽ tự động đăng nhập bằng iPad đặt tại quầy tiếp tân. Sau đó, họ đến nơi đặt máy quét cơ thể - một sản phẩm do Forward phát triển - để quét tổng quát. Các dữ liệu sinh trắc học (bao gồm chiều cao, cân nặng, nhiệt độ cơ thể, nhịp tim,...) ngay sau đó sẽ được gửi đến điện thoại của người bệnh thông qua ứng dụng trong khi bác sĩ truy cập chúng đồng thời từ phòng khám. 

Bên trong phòng khám được trang bị một màn hình cảm ứng lớn treo trên tường. Thiết bị này sẽ lắng nghe cuộc trò chuyện giữa bệnh nhân và bác sĩ, sau đó thu thập thông tin liên quan để ghi chú lại đồng thời hiển thị chúng lên màn hình cùng lúc với quá trình khám bệnh. Bằng cách này, bác sĩ có thể tập trung hoàn toàn vào bệnh nhân thay vì nhìn vào màn hình máy tính. 

Thiết bị này cũng hiển thị lịch sử bệnh án và dữ liệu cảm biến được đo trước đó, đưa ra những chẩn đoán tạm thời, phác đồ điều trị dựa trên những hiểu biết về bệnh nhân. 

>>Khởi nghiệp với công nghệ số hóa dữ liệu y khoa

Phòng mạch đầu tiên của Foward được khai trương hôm 17/1 tại Khu Tài chính của San Fransisco. Nó nhanh chóng tạo ra tiếng vang lớn nhờ áp dụng mô hình y tế "đi trước thời đại" cùng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Nhà sáng lập Adrian cho biết trong tương lai Forward sẽ được trang bị thêm nhiều công cụ thay con người thực hiện những thủ tục "nhạy cảm", chẳng hạn mang mẫu nước tiểu về lại phòng khám. Hiện các kỹ sư tại đây đã thiết kế ra khu vực để bệnh nhân có thể đặt mẫu xét nghiệm vào sau đó tự động chuyển chúng đến nơi cần đến.  

Phí thành viên thấp nhất của Forward hiện ở mức 149 USD/tháng. 

Suy nghĩ "từ lớn đến nhỏ"

Dù cùng chung mục tiêu giảm bớt sự phức tạp trong hệ thống y tế nhưng rõ ràng, hướng giải quyết của Adrian bao quát hơn so với những startup công nghệ khác chọn hướng đi "thị trường ngách".  

Adrian chia sẻ, quãng thời gian làm việc cho Google đã góp phần thay đổi lối tư duy và phương pháp tiếp cận vấn đề của ông. Đứng trước khó khăn, Adrian cố gắng nghĩ đến bức tranh toàn cảnh thay vì tập trung giải quyết từng bước nhỏ. Nói theo ngôn ngữ của một kỹ sư máy tính, ông không đi "vá" từng lỗi của phần mềm để chúng tương thích với hệ thống mà chọn cách xem xét các lỗi một cách có hệ thống để tìm ra hướng giải quyết có thể tiết kiệm nguồn lực nhất. 

Trước khi làm việc cho Google, Adrian từng giữ chức Quản lý dự án tại Microsoft và sau đó "ra riêng" để sáng lập startup Wavii - một ứng dụng đọc tin tức có khả năng "lướt web, tìm và tổng hợp tin tức có kèm theo đường link trích dẫn nguồn", theo New York Times. Năm 2013, chỉ 3 năm sau khi thành lập, startup này được "đại gia tìm kiếm" Google mua lại với giá 300 triệu USD. Riêng Adrian được mời ở lại làm việc cho hãng công nghệ này. 

Ban đầu, ông làm việc tại bộ phận trí tuệ nhân tạo và các dự án đặc biệt. Một năm sau, ông chuyển sang Sidewalk Labs – một công ty quy hoạch do Alphabet (công ty mẹ của Google) thành lập chuyên tập trung phát triển các công nghệ đô thị như giao thông vận tải, năng lượng nhằm giải quyết các vấn đề về chi phí sinh hoạt của người dân. Tại đây, Adrian có cơ hội làm việc trực tiếp với Larry Page – nhà đồng sáng lập Google, CEO Alphabet.

Năm 2016, ông rời Google và mở phòng mạch tương lai Forward. Đây là startup thứ 3 của ông sau Wavii và công ty tư vấn Aoun Consulting (1992-2006).

>>Thành tỷ phú nhờ đơn giản hóa quy trình xét nghiệm máu

VÂN THẢO (theo Bloomberg)