Kỹ năng lập nghiệp: Sinh viên cần chuẩn bị những gì?

Trong nước - Ngày đăng : 03:36, 21/03/2017

Sáng 21/3, hàng trăm sinh viên trường Đại học Mở TP.HCM đã tham gia buổi giao lưu cùng các doanh nhân - diễn giả xoay quanh chủ đề "Tự tin lập nghiệp".
Kỹ năng lập nghiệp: Sinh viên cần chuẩn bị những gì?

Sáng 21/3, hàng trăm sinh viên trường Đại học Mở TP.HCM đã tham gia buổi giao lưu cùng các doanh nhân - diễn giả xoay quanh chủ đề "Tự tin lập nghiệp".

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Chương trình có sự tham gia của các doanh nhân: ông Nguyễn Tân Kỷ – Tổng giám đốc Công ty CP Vinacafé Biên Hòa; bà Đinh Hà Duy Trinh – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT; ông Trần Khánh Tùng – Giảng viên tại Kent College; ông Trần Duy Khiêm – Phó phòng Giải pháp kinh doanh Công ty Gemadept Logistics; ông Huỳnh Công Thắng – Giám đốc điều hành VICGO, huấn luyện viên tại iStartX – hệ sinh thái Internet tập trung vào hoạt động của Khu Công nghệ Phần Mềm (ITP) ĐH Quốc gia TP.HCM.

Các doanh nhân - diễn giả tham gia chương trình (từ trái qua): Ông Trần Khánh Tùng, ông Nguyễn Tân Kỷ, bà Đinh Hà Duy Trinh, ông Huỳnh Công Thắng.
Sinh viên chia sẻ thắc mắc liên quan đến lập nghiệp, khởi nghiệp.

Từng có 11 năm học tập và làm việc tại nước ngoài, ông Nguyễn Tân Kỷ chỉ ra các điểm yếu của nhiều sinh viên hiện nay, đó là: không dám thể hiện quan điểm trước đám đông, thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu sự tập trung, chưa có khả năng chắt lọc thông tin... Qua đó, ông khuyên sinh viên cần chuẩn bị vững kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, và quan trọng là luôn có tinh thần làm chủ (entrepreneurship) trước khi lập nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh.

Với những bạn trẻ muốn làm chủ nhưng chưa biết nên kinh doanh lĩnh vực nào, ông Trần Duy Khiêm khuyên trước hết nên lập nghiệp (làm thuê) để tìm ra đam mê, thế mạnh của bản thân, sau đó mới tự đứng ra kinh doanh. Theo ông, thế hệ 8X, 9X muốn thành công phải biết cách nghĩ khác thay vì làm theo "công thức" thành công của những doanh nhân đi trước.

Đứng dưới góc độ nhà quản lý, bà Đinh Hà Duy Trinh đánh giá cao những sinh viên mới ra trường có thái độ làm việc tích cực, không ngại khó ngại khổ và thể hiện niềm đam mê nghề nghiệp. Bà chia sẻ thêm, để phát triển sự nghiệp, người trẻ nên học hỏi thêm từ những đồng nghiệp xung quanh từ đó nghĩ ra phương pháp riêng giúp nâng cao chất lượng công việc.

Có nhiều năm kinh nghiệm làm cố vấn (mentor) cho sinh viên, ông Trần Khánh Tùng cho biết lợi thế của giới trẻ hiện nay là nắm bắt nhanh, nhiều thông tin nhưng lại thiếu kiến thức về chiều sâu. Ngoài ra, nhiều người trẻ không có tính cam kết với công việc khi liên tục nhảy việc và dễ từ bỏ trước khó khăn.

Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ – Tin học HPT, Phó trưởng Ban Tổ chức (BTC) GTTNLVC 2017 khuyến khích sinh viên nên tạo thói quen đọc sách, đồng thời cần nỗ lực hết mình trong học tập lẫn công việc.
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Dung – Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Trưởng Ban tổ chức GTTNLVC 2017 (bìa trái) tặng hoa cảm ơn các diễn giả và đại diện trường Đại học Mở TP.HCM.

>Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017: Tập trung vào tính thực tiễn

>8 lỗi lầm các doanh nhân mới lập nghiệp thường mắc

VÂN THẢO - Ảnh: TĂNG KHÁNH