Thuốc mới trong điều trị viêm gan siêu vi B mạn tính
Quốc tế - Ngày đăng : 08:45, 21/03/2017
Viêm gan siêu vi B (VGSV B) mạn tính là tình trạng nhiễm siêu vi viêm gan B kéo dài, diễn ra ở bên trong tế bào gan. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan.
Trong hơn 20 năm qua, nhiều loại thuốc đặc trị đã được sản xuất và đưa vào sử dụng. Mặc dù các thuốc này không chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh nhưng chúng có thể giúp ngăn ngừa hiệu quả các biến chứng nguy hiểm. Trong số đó, Tenofovir disoproxil fumarate (TDF) là thuốc hiệu quả nhất và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt, TDF có thể gây tác dụng phụ trên thận và xương như suy thận, giảm mật độ xương và loãng xương. Điều này là mối lo ngại cho nhiều người bệnh, nhất là người lớn tuổi, người mắc bệnh thận mạn tính hay người có nguy cơ loãng xương.
Cuối năm 2016, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận Tenofovir alafenamide (TAF) là thuốc mới điều trị VGSV B mạn tính. Ưu điểm của thuốc này là hiệu quả tiêu diệt siêu vi tốt nhưng gây ra ít tác dụng phụ hơn nhiều so với TDF. Ưu điểm này là do có sự khác biệt về đặc tính dược lý của hai loại thuốc.
TDF và TAF đều là tiền chất của Tenofovir, nhưng cấu trúc của TDF không ổn định bằng TAF khi ở trong máu, nên sau khi được uống vào cơ thể, một lượng lớn TDF sẽ chuyển hóa thành Tenofovir ở trong máu và chỉ một lượng nhỏ được hấp thu vào gan. Trong khi đó, chỉ một lượng nhỏ TAF chuyển hóa ở trong máu, phần lớn lượng thuốc còn lại sẽ xâm nhập vào gan và chuyển hóa thành Tenofovir tại đây để tiêu diệt siêu vi trong tế bào gan. Do vậy, chỉ cần lượng thuốc TAF thấp hơn khoảng mười lần so với TDF (để điều trị VGSV B mạn tính, liều lượng thuốc TAF hàng ngày là một viên 25 mg, trong khi đó đối với TDF thì cần phải uống một viên 300 mg) vẫn tạo ra hiệu quả tiêu diệt siêu vi trong tế bào gan tương đương với TDF, nhưng gây ra ít tác dụng phụ trên thận và xương hơn vì các cơ quan này tiếp xúc với lượng Tenofovir ở trong máu ít hơn rất nhiều lần.
Công ty Dược phẩm Gilead (Hoa Kỳ) cũng đã cho phép các công ty dược Ấn Độ sản xuất thuốc TAF với giá hợp lý cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp nhằm giúp người bệnh ở các quốc gia này sẽ sớm được tiếp cận với loại thuốc mới.