Cơ hội nào giảm lãi suất cho vay?

Tài chính, chứng khoán, ngân hàng - Ngày đăng : 08:36, 22/03/2017

Mặt bằng lãi suất theo xu hướng tăng hay giảm không chỉ là mối bận tâm của người vay vốn mà còn là mối quan tâm chung của nền kinh tế.
Cơ hội nào giảm lãi suất cho vay?

Mặt bằng lãi suất theo xu hướng tăng hay giảm không chỉ là mối bận tâm của người vay vốn mà còn là mối quan tâm chung của nền kinh tế. Vì thế, Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3 vừa qua rất được dư luận chú ý. 

Đọc E-paper

Theo Điều 13 của Thông tư 39 thì ngoại trừ nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ là có quy định trần lãi suất cho vay theo từng thời kỳ, còn lại các nhu cầu vay vốn khác sẽ theo lãi suất thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, dựa trên cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Chính vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực tăng khi NHNN cho phép các ngân hàng được thỏa thuận, mặc cả lãi suất với khách hàng, từ đó có thể dẫn đến tình trạng chạy đua tăng lãi suất, ép khách hàng và tác động tiêu cực lên hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lo ngại này là thiếu cơ sở.

Doanh nghiệp cũng cần PR, tiếp thị về hoạt động, hiệu quả kinh doanh cũng như xây dựng mối quan hệ, kết nối với càng nhiều tổ chức tín dụng càng tốt để trở thành đối tượng được các ngân hàng chú ý và khi đó sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn các khoản vay.

Theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN của NHNN về quy chế cho vay, tại Điều 11 quy định lãi suất cho vay do "tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của NHNN Việt Nam". Còn trần lãi suất cho vay mà nhiều ý kiến viện dẫn gần đây là từ quy định theo Bộ Luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực từ đầu năm 2017, theo đó lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ bị áp mức trần 20%/năm.

Cần biết rằng mức trần lãi suất cho vay nêu trên chỉ áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp nằm ngoài sự kiểm soát của NHNN. Còn các tổ chức tín dụng nằm dưới sự quản lý của NHNN vẫn theo quy định thỏa thuận giữa các bên cho vay và đi vay. Do đó, những ý kiến lo ngại NHNN bỏ trần lãi suất cho vay sẽ khiến các ngân hàng đẩy lãi suất cho vay là không phù hợp.

Khung lãi suất cho vay của các ngân hàng phụ thuộc từ các yếu tố như chi phí vốn đầu vào, chi phí vận hành khoản vay, xếp hạng tín nhiệm khách hàng, biên độ lãi kỳ vọng, tài sản đảm bảo, tính khả thi, hiệu quả của phương án sản xuất, kinh doanh của người vay... Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các ngân hàng cũng không thể để lãi suất cho vay cao cách biệt so với thị trường vì có thể mất khách hàng vào tay đối thủ.

Thông tư 39 ra đời không những hoàn thiện hơn khung pháp lý về việc cho vay của tổ chức tín dụng, mà còn tạo ra các cơ chế mở trong việc đáp ứng nhu cầu vốn và cũng tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng cạnh tranh lành mạnh. Cụ thể về điều kiện vay vốn, nếu như Quyết định 1627 trước đây yêu cầu "phải thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN Việt Nam", thì Thông tư 39 đã bỏ điều kiện quy định về tài sản bảo đảm tiền vay.

>>Hỗ trợ lãi suất: Bài học kinh nghiệm

Thông tư 39 cũng cho phép tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại tổ chức tín dụng khác miễn đáp ứng đầy đủ các điều kiện "khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ và là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ". Theo đó, quy định này đã mở ra cơ hội cho các ngân hàng được phép tiếp cận và kéo dư nợ cho vay của các khách hàng tốt có phát sinh nợ vay tại các tổ chức tín dụng khác khi thỏa các điều kiện trên.

Và lẽ dĩ nhiên để lôi kéo được khách hàng thì ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất cho vay hấp dẫn, giúp khách hàng có cơ hội tái cấu trúc khoản vay với chi phí vay rẻ hơn, từ đó làm tăng hiệu quả kinh doanh và biên lợi nhuận. Và như một vòng tuần hoàn, khi đó xếp hạng tín nhiệm của khách hàng lại tiếp tục được nâng cao và lại có cơ hội để tiếp cận những khoản vay với lãi suất ưu đãi nhiều hơn.

Tuy nhiên, như đã nói, cơ hội này không phải dành cho tất cả. Khách hàng nào thật sự tốt và hiệu quả kinh doanh cao, dự án khả thi mới được các ngân hàng ưu tiên lôi kéo. Và doanh nghiệp cũng cần PR, tiếp thị về hoạt động, hiệu quả kinh doanh cũng như xây dựng mối quan hệ, kết nối với càng nhiều tổ chức tín dụng càng tốt, để trở thành đối tượng được các ngân hàng chú ý, và khi đó sẽ có nhiều lựa chọn khoản vay.

Trong bối cảnh hoạt động tín dụng ngày càng khó khăn, nguồn vốn vay bị NHNN hạn chế vào một số lĩnh vực, trong khi vốn đầu vào duy trì tăng trưởng tốt, dẫn đến dư thừa thì các ngân hàng cũng chịu nhiều áp lực về tăng trưởng tín dụng theo đúng mục tiêu để đảm bảo lãi suất sinh lời kỳ vọng. Thời gian gần đây cũng đã chứng kiến các ngân hàng cạnh tranh quyết liệt trong việc lôi kéo khách hàng tín dụng, thậm chí đẩy mạnh mua nợ lẫn nhau và điều này đã giúp khách hàng vay vốn được tiếp cận những khoản vay với chi phí thấp hơn.

>>Giảm lãi suất: Quả bóng ở chân ai?

KHÁNH PHƯƠNG