The Economist: Đừng quên vai trò kinh tế - xã hội của gánh hàng rong
Quốc tế - Ngày đăng : 06:21, 24/03/2017
Thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy có khoảng 2,5 tỷ người sử dụng thức ăn đường phố mỗi ngày.
Câu chuyện gánh hàng rong tại Bangkok-Thái Lan
Bà Jae Deh và ông Su Kit là một cặp vợ chồng già bán món Khao Kha Moo (cơm với đùi lợn hầm) tại khu phố Soi Thong LO- thủ đô Bangkok, Thái Lan từ năm 1987 khi họ mới chỉ 16 tuổi. Hiện tại, người con gái đã lớn của đôi vợ chồng này cũng bắt đầu phụ giúp bố mẹ làm việc. Mặc dù gia đình này không khá giả gì nhưng ông Su Kit cho biết vào những ngày cao điểm, họ có thể bán được 4.000 Bath (113 USD).
Cũng tương tự như nhiều gánh hàng rong khác, cặp vợ chồng Jae Deh đến từ vùng đông bắc nghèo khó của Thái Lan. Họ tìm đến thủ đô Bangkok để cố gắng xây dựng một cuộc sống tốt hơn.
Chuyện của vợ chồng bà Jae Deh giống như hàng triệu gia đình bán hàng rong khác trên toàn Đông Nam Á khi nhiều lao động từ vùng nông thôn lên thành thị để kiếm một cuộc sống tốt hơn. Trong khi nhiều người vào những nhà máy để làm công nhân thì một số lao động lại lựa chọn việc kinh doanh tự do như bán hàng rong.
Đây không phải là một quyết định kinh doanh ngẫu nhiên khi hàng triệu lao động từ nông thôn lên có nhu cầu ăn uống trong khi các hàng quán mở sẵn lại quá đắt đỏ, hệ quả là những gánh hàng rong trở thành lựa chọn của nhiều công nhân cũng như người dân địa phương.
Hình ảnh những bộ bàn ghế nhựa đã trở nên vô cùng quen thuộc trên toàn Đông Nam Á, chúng ta có thể thấy những quán bán phở vỉa hè tại Sài Gòn, cơm đùi heo (Khao Kha Moo) ở Bangkok, mỳ thịt viên (Mie Bakso) ở Jakarta hay súp cá (Mohinga) ở Yangon. Tất nhiên, khách hàng quen thuộc của những quá này luôn là tầng lớp lao động bình dân lên thành phố làm việc và những nhân viên văn phòng bình thường.
Mặc dù vậy, hàng rong cũng trở thành một nét văn hóa đã tồn tại nhiều năm ở các đô thị nên tại một số địa điểm lâu đời, các quán ăn vặt trở thành tụ điểm ăn uống của giới trẻ địa phương hay địa điểm du lịch nổi tiếng của khu vực đó.
Thống kê của tổ chức nông lương liên hiệp quốc (FAO) cho thấy có khoảng 2,5 tỷ người sử dụng thức ăn đường phố mỗi ngày. Thậm chí một khảo sát năm 2007 cho thấy 20.000 quán hàng rong ở Bangkok cung cấp 40% nhu cầu lương thực cho cư dân tại đây. Hơn nữa, khoảng 2/3 số hộ gia đình Thái tại thủ đô ăn ngoài quán hàng rong ít nhất 1 lần mỗi ngày.
Tất nhiên, công việc kinh doanh của những người bán hàng rong này cũng không dễ dàng. Việc phải làm việc tới tận tối muộn, thậm chí qua đêm, hay phải dậy từ sáng sớm để bán tới tối mịt không có gì là lạ với những người kinh doanh hàng rong hay quán vỉa hè.
Trở lại trường hợp của vợ chồng bà Jae Deh, họ bắt đầu bán từ 4h sáng và hiếm khi nào trở về nhà trước 9h30 tối. Tuy nhiên cặp vợ chồng này lại cảm thấy vô cùng tự hào khi có rất nhiều khách quen trung thành đến ăn quán của họ trong suốt 10 năm qua. Thậm chí, ông Su Kit còn tự hào rằng rất ít khách hàng phải thêm nếm gia vị trên bàn vào món ăn bởi chúng đã quá vừa miệng.
Bài học từ SingaporeHàng rong tại Bangkok, Thái Lan
Tuy nhiên, niềm tự hào của ông Su Kit chẳng tồn tại được lâu khi mới đây chính phủ Thái Lan đã yêu cầu tất cả các quán hàng rong trên phố Soi Thong Lo phải dọn đi sau ngày 17/4/2017. Lý do mà chính quyền địa phương đưa ra là những quán hàng rong này lấn chiếm vỉa hè đi bộ, gây mất trật tự công cộng cũng như làm ô nhiễm môi trường.
Trong 2 năm qua, chính quyền Bangkok đã không cho gần 15.000 người bán hang rong tại thủ đô với lý do tương tự và thực hiện nhiều chiến dịch truy quét..
Không riêng gì Thái Lan, tờ Economist cho biết Việt Nam cũng đang thực hiện chiến dịch đòi lại không gian cho người đi bộ. Chính quyền TP.HCM đã chuyển các quán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè ra khỏi các khu vực hay bị ùn tắc và tư vấn cho họ một cách ổn định hơn để kiếm sống. Trong khi đó, thủ đô Jakarta của Indonesia cũng đang thực hiện một chiến dịch tương tự.
Hiện những người bán hàng rong tại Soi Thong Lo đang cố gắng để đảm bảo kế sinh nhai của mình. Ông Su Kit đã thuê một cửa hàng gần nơi bán cũ với chi phí 30.000 Bath/tháng, cao hơn nhiều khoản phí 1.000 Bath/tháng trước đây ông phải nộp cho quận. Để thuê được cửa hàng này, ông Su Kit phải nộp trước 100.000 Bath làm tiền đặt cọc.
Phần lớn những người bán hàng rong tại Bangkok nói riêng và trên thế giới nói chung đều là những người có đầu óc kinh doanh cũng như giỏi luồn lách. Họ có thể chui vào các ngõ ngách, tận dụng những sân bãi bỏ hoang để làm kinh doanh bởi với một nhu cầu ăn uống giá rẻ, nhanh chóng luôn tồn tại thì việc loại bỏ hoàn toàn hàng rong là khá khó khăn.
Singapore đã từng phải đối mặt với những vấn đề này cách đây nhiều năm và cách làm của họ là xây dựng nhiều khu ẩm thực đường phố, bán hàng rong. Sau đó tập trung các quán hàng rong lại, cung cấp cho họ điện nước, dọn dẹp vệ sinh với mức phí vừa phải. Bằng biện pháp này, Singapore có thể kiểm soát các gánh hàng rong tốt hơn, giảm tắc nghẽn giao thông nhưng không khiến những hộ kinh doanh này mất kế sinh nhai.
Dẫu vậy, những quốc gia nghèo hơn như Indonesia hay Myanmar lại khá khó khăn để theo đuổi mô hình trên khi chi phí điện nước cũng như cơ sở hạ tầng tại đây không cho phép điều đó.
Theo Economist, Chính phủ các nước cần xem xét lại vai trò của bán hàng rong trong nền kinh tế và xã hội. Ngoài việc là một phần của nền văn hóa ẩm thực truyền thống, những gánh hàng rong là nơi kết nối được các tầng lớp trong xã hội khi các khách hàng từ đủ mọi thành phần ngồi chen nhau thưởng thức món ăn.