"Tiếng nói" của các hội: Nơi mạnh, nơi yếu

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 01:05, 28/03/2017

Thời gian qua, việc phản biện chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp được các cơ quan làm chính sách phản hồi khá tích cực, cho thấy vai trò của hội ngày càng hữu ích đối với doanh nghiệp và xã hội.

Thời gian qua, việc phản biện chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp (gọi tắt là hội) được các cơ quan làm chính sách phản hồi khá tích cực, cho thấy vai trò của hội ngày càng hữu ích đối với doanh nghiệp (DN) và xã hội.  

Đọc E-paper

Song điều đáng lưu ý là hiện nay các hội thuộc tầm quốc gia được DN, giới chuyên gia kỳ vọng và đánh giá cao, trong khi hoạt động của hội quy mô địa phương thì hầu hết khá mờ nhạt.

Cụ thể, nhiều kiến nghị từ phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một tổ chức quốc gia phi chính phủ, tập hợp và đại diện cho cộng đồng DN, các hội nhằm phát triển, bảo vệ và hỗ trợ DN, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ giữa Việt Nam với các nước, đã được Chính phủ ghi nhận. VCCI đã kiến nghị bãi bỏ giấy phép kinh doanh con, cải thiện thủ tục mua bán hóa đơn GTGT, kiến nghị sửa Luật Đầu tư..., tất cả đều được chấp nhận.

Hay mới đây, sau ba năm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiên trì kiến nghị sửa đổi quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thủy sản xuất khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 48/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2017.

Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đã có rất nhiều kiến nghị sửa đổi những chính sách kinh tế, xã hội theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện cho DN kinh doanh đúng pháp luật và có trách nhiệm với xã hội và không ít trong số đó được chấp thuận.

Thế nhưng nhìn chung vẫn còn số đông hội chưa tạo được "tiếng nói" đối với chính quyền, đối với DN, nhiều hoạt động chỉ dừng ở mức hội hè, giao lưu một vài lần trong năm nhân những sự kiện như giỗ tổ nghề, Ngày Doanh nhân Việt Nam... Đó cũng là lý do mà nhiều doanh nhân không hứng thú tham gia hoạt động hội.

Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015, kể từ năm 2016, bên cạnh việc thu hút, hỗ trợ DN tham gia hoạt động hội, các hội còn có vai trò cộng tác và triển khai Chương trình Xếp hạng Doanh nghiệp bền vững theo bộ chỉ số phát triển bền vững (CSI) do VCCI chủ trì, cho thấy vai trò của các hội đối với DN và xã hội là không nhỏ.

Từng chia sẻ quan điểm về vai trò của tổ chức hội, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, hội là chỗ dựa của cộng đồng DN, giúp hội viên, DN chưa là hội viên chủ động, tự tin hơn trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như theo đuổi các mục tiêu trong sự hài hòa với các lợi ích khác.

Các nhóm việc mà các hội phải cung cấp cho hội viên gồm xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, đào tạo nhân lực, tư vấn đầu tư, tư vấn phản biện chính sách, pháp luật, hỗ trợ các vấn đề về pháp lý..., trong đó, tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế là phần quan trọng.

Thế nhưng trong một khảo sát của VCCI về các vấn đề trên đã cho thấy đó lại là mảng hoạt động ít thường xuyên nhất của các hội. Đang có đến 67% số hội không có bộ phận chuyên môn về chính sách, pháp luật, việc duy trì liên kết với các tổ chức, đơn vị tư vấn cũng khá lỏng lẻo, dù thời gian qua số hội ngành nghề đã tăng nhanh chóng.

Tại TP.HCM, từ lâu các quận đã thành lập hội doanh nghiệp nhưng nhìn chung vai trò và hiệu quả trong việc hỗ trợ DN, tạo mối liên hệ giữa chính quyền và DN vẫn còn rất hạn chế.

Để cải thiện vấn đề này, trong một góp ý về công tác hội, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, bên cạnh rất nhiều hoạt động, các hội cần xây dựng trang thông tin điện tử, xuất bản ấn phẩm theo quy định của pháp luật nhằm cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin về sản xuất, kinh doanh, nhất là diễn biến thị trường đến hội viên trong hội, trong ngành.

Website hội là rất cần thiết đối với hội viên nhưng đến nay vẫn còn nhiều hội không chăm chút cho kênh thông tin này. Điều đáng nói nữa là vẫn còn rất nhiều hội không có người phụ trách truyền thông nên việc chia sẻ thông tin, cung cấp những thông tin đến DN và lan tỏa thông tin hữu ích ra cộng đồng DN không thực hiện được.

>>Vai trò của hội ngành nghề đối với DN: Mờ nhạt so với kỳ vọng?

DUY KHUÊ