Thách thức với khởi nghiệp nông nghiệp
Start up - Ngày đăng : 06:09, 29/03/2017
Là một quốc gia về nông nghiệp và phong trào khởi nghiệp đang lan rộng trên cả nước nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều thách thức.
Đọc E-paper
Ông Trần Tấn Quý - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, đặt mục tiêu cung cấp đủ lương thực, thực phẩm sạch cho người dân thành phố, Sở đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 1.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp (bình quân mỗi năm thành lập 250 doanh nghiệp nông nghiệp). Thế nhưng, với thực tế đang diễn ra, việc phát triển doanh nghiệp gắn với lĩnh vực này không phải là điều dễ dàng.
Nhiều thách thức
Tại TP.HCM hiện đã có một số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này và cũng đang gặp nhiều thách thức. Chia sẻ tại Diễn đàn Khởi nghiệp trong nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa tổ chức, chị Nguyễn Thị Hiếu - người nuôi cấy thành công nấm linh chi từ dự án khởi nghiệp nông nghiệp được ứng dụng công nghệ sinh học tại huyện Củ Chi (TP.HCM) cho biết: "Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong nông nghiệp càng khó. Trong đó, cách khởi nghiệp, cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và năng suất, kêu gọi vốn đầu tư, xử lý kỹ thuật trồng, sản xuất nông sản là những khó khăn mà doanh nghiệp nông nghiệp phải trải qua".
Hiếu kể, quyết tâm khởi nghiệp nấm linh chi buộc chị phải đi làm không công tại một trại nấm để học hỏi. Năm 2013, Hiếu thành lập trang trại nấm Linh chi Đất Thép. Ban đầu, Linh chi Đất Thép chỉ bán nấm linh chi đỏ nguyên miếng nhưng rất ít người mua. Nguyên cứu thị hiếu khách hàng, Hiếu sản xuất cao nấm linh chi đỏ và linh chi hòa tan bổ sung thêm các loại thảo dược... Đến nay, Linh chi Đất Thép đã có 5 năm tuổi và tiêu tốn 1,5 tỷ đồng vay mượn từ người thân, ngân hàng, và mới bắt đầu có khách hàng nước ngoài đặt mua.
Cũng như chị Nguyễn Thị Hiếu, anh Phạm Thế Tư - chủ vườn rau Ước mơ Xanh đã thuê 3.000m2 đất ở Hóc Môn (TP.HCM) để trồng rau sạch. Ước mơ làm rau sạch của Tư bắt đầu từ băn khoăn tại sao thị trường cứ tràn ngập rau củ quả ngâm hóa chất, tại sao cá bị tẩm urê... trong khi chính người nuôi trồng, người bán hàng cũng là người tiêu dùng.
Từ một chuyên viên IT chuyển qua làm nông nghiệp, Tư phải học quy trình sản xuất nông nghiệp. Để có các loại rau sạch, không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu, Tư phải tìm đến học hỏi các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp có kỹ thuật chăm bón phù hợp. Đó là chưa kể phải tìm đầu ra khi giá rau của Ước mơ Xanh cao hơn nhiều so với rau thông thường đang bán trên thị trường. Sau hơn một năm vật lộn với việc trồng rau không sử dụng hóa chất, Ước mơ Xanh mới bắt đầu có những khách hàng thường xuyên tại TP.HCM.
Phải biết sở trường, thế mạnh
Theo các chuyên gia, có đến 95% thất bại trong khởi nghiệp xuất phát từ việc không sáng tạo được sản phẩm, dịch vụ mà thị trường đang cần. Đó là do những người khởi nghiệp chưa chú tâm vào khách hàng.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit - một doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp cho rằng, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ mong muốn dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng vẫn còn e ngại vì chưa biết phải bắt đầu từ đâu, hoặc có ý tưởng nhưng chưa có định hướng để thực hiện ý tưởng khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trên con đường khởi nghiệp. Điều đáng nói là rất nhiều những người khởi nghiệp đang làm quy trình ngược. Thay vì tìm thị trường, tìm khách hàng rồi mới tạo ra sản phẩm thì họ lại làm ngược lại nên sản phẩm không có nơi tiêu thụ.
Cũng theo ông Viên, muốn khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ phải biết sở trường, thế mạnh của mình. Bởi, khi làm đúng sở trường sẽ tìm thấy nhiều yếu tố cộng hưởng. Nếu chưa đủ khả năng, các bạn trẻ cũng có thể bắt đầu từ quy mô rất nhỏ, chọn chiến lược giá hiệu quả, lợi thế cạnh tranh, như vậy chắc chắn sẽ thắng. Ông Viên kể lý do ông chọn và làm nông nghiệp vì thấy quá nhiều bức xúc trong nông nghiệp và muốn đi tìm lời giải.
Và ông nhận ra rằng, Việt Nam thiếu một khâu quan trọng trong nông nghiệp là làm sao bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Để giải bài toán "bảo quản, chế biến sau thu hoạch" khi Vinamit chưa phát triển như bây giờ, ông Viên đã thường xuyên áp dụng phương án "lấy ngắn nuôi dài", "lấy sở đoản để nuôi sở trường". Ông cho rằng, vấn đề mà các bạn trẻ hiện nay hay vấp phải là chạy theo phong trào mà không xem xét điều kiện, môi trường có phù hợp hay không.
Chia sẻ với các thành viên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bến Tre, mới đây, ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó trưởng Khoa Kinh doanh quốc tế Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, hiện nay, vẫn còn nhiều người khởi nghiệp bằng sự ngẫu hứng và đầy chủ quan. Để hạn chế thất bại, những người khởi nghiệp cần xác định mô hình kinh doanh, làm cho người khác đồng hành.
Bên cạnh việc chọn đúng sản phẩm, dịch vụ, người khởi nghiệp cần phải nhạy bén, sáng tạo, nghiên cứu các thông tin liên quan đến khách hàng như hành vi, thói quen và mức độ, tần suất sử dụng... Nếu không đủ lực, kinh nghiệm khi khởi nghiệp thì nên tham gia vào chuỗi giá trị ở những công đoạn được xem là thế mạnh của mình.