Hàng giả trong thương mại điện tử: "Cỏ dại" khó diệt?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:18, 30/03/2017
Greg Hankerson - ông chủ của Hãng thiết kế và chế tạo đồ nội thất thủ công theo phong cách cổ điển Vintage Industrial ở Phoenix (bang Arizona, Mỹ) đang phải "chiến đấu" với những đối thủ ở cách xa nửa vòng trái đất. Những đối thủ này đã tạo ra bản sao các sản phẩm của Vintage Industrial và bán với giá rẻ trên các trang mua bán được vận hành bởi Alibaba - công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.
Greg Hankerson cho biết trên The New York Times rằng, ông có thể tìm thấy hàng trăm món hàng nghi là đã giả mạo thiết kế của sản phẩm công ty ông trên nhiều nền tảng khác nhau của Alibaba, chẳng hạn như nền tảng mua sắm miễn phí Taobao. "Những món hàng giả được rao bán không ngừng. Tôi thấy như mình đang cố gắng tìm ra cỏ dại trên mảnh đất rộng mấy mươi hecta", Hankerson nói.
Nhiều cáo buộc nhắm vào "ông lớn" Alibaba
Trong cuộc gặp gỡ hồi tháng Một, Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba và là một trong những người giàu nhất Trung Quốc - đã hứa với ông Donald Trump (lúc đó sắp trở thành Tổng thống Mỹ), rằng Alibaba sẽ tạo ra một triệu việc làm tại Mỹ bằng cách kết nối các doanh nghiệp nhỏ, như Vintage Industrial, với những người mua hàng giàu có đang ngày càng tăng lên ở Trung Quốc.
Do đó, Greg Hankerson mới muốn biết tại sao Alibaba không nỗ lực nhiều hơn trong cuộc chiến chống hàng giả. Vì tình trạng này đã gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp nhỏ - những đối tượng mà Jack Ma đã dự định "giúp đỡ".
"Jack Ma tạo ấn tượng như một người đáng được tin tưởng, nhưng công ty của ông ấy thì lại đang chào bán những sản phẩm giả mạo", Greg Hankerson nêu thắc mắc.
Alibaba là công ty trị giá 260 tỷ USD, sở hữu các nền tảng bán hàng có hàng trăm triệu người dùng. Thế nhưng "ông lớn" này lại phải gặp quá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm hàng giả trên các website của mình. Hệ thống báo cáo hàng giả trực tuyến của Hãng bị đánh giá là rườm rà và vận hành không hiệu quả.
"Họ là một trong những công ty công nghệ hàng đầu. Chúng tôi hy vọng họ sử dụng công nghệ của mình để phát triển các giải pháp và đảm bảo rằng các giải pháp này dễ dàng sử dụng cho tất cả mọi người", Stephen Lamar - Phó chủ tịch Hiệp hội May mặc và Da giày Hoa Kỳ cho biết.
"Đối với các doanh nghiệp nhỏ, việc chống lại vấn nạn hàng giả trên các website của Alibaba là một cuộc chiến tốn kém và không mấy dễ chịu. Nó chiếm mất nhiều thời gian lẽ ra nên dùng để thúc đẩy tiếp thị, bán hàng và các hoạt động sáng tạo khác", Stephen Lamar cho biết thêm.
Trên thực tế, để tự bảo vệ mình, Greg Hankerson phải thường xuyên sử dụng máy tính, điện thoại và một phần mềm tìm kiếm hình ảnh với mức phí 74 USD/tháng để tìm ra những sản phẩm giả mạo đáng ngờ được rao bán tràn lan trên internet và liên hệ trực tiếp với người bán hoặc báo cáo lại với các website đã đăng tin. Hankerson cho biết đôi khi ông mất đến 12 tiếng/ngày để làm công việc này. Nhưng nếu không làm thì việc kinh doanh của doanh nghiệp ông sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Một số nhà cung cấp trên Alibaba rao bán một "bản sao" sản phẩm bàn chữ A của Vintage Industrial với giá 24 USD, trong khi mức giá bán chính thức là từ 5.295 USD. Nhiều nhà cung cấp trên Taobao thừa nhận lấy mẫu thiết kế từ ông Greg Hankerson.
Alibaba từng nhận được nhiều lời cáo buộc, chủ yếu là từ Mỹ, rằng các nền tảng bán hàng của Hãng là nơi ẩn náu của hàng giả, hàng nhái. Trong một báo cáo gửi Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ vào tháng 10/2016, Alibaba tự hào về công nghệ và tài nguyên mình đang sử dụng để "truy quét" hàng giả và cho biết, hệ thống này đủ mạnh để quét 10 triệu danh sách sản phẩm mỗi ngày. Theo đó, kết quả là Alibaba đã chủ động loại bỏ 380 triệu sản phẩm đáng ngờ trong vòng 12 tháng.
Tuy nhiên, Albaba cũng lập luận rằng nhiều cáo buộc nhắm vào Hãng là "không công bằng" vì "có thể những hành động của Hoa Kỳ đang chịu ảnh hưởng của bối cảnh chính trị hiện tại", ý nói đến trào lưu "bài Trung Quốc" đang tăng cao từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái, theo The New York Times.
Chuyện không của riêng ai
Hàng giả là thách thức lớn không chỉ với Alibaba mà còn với nhiều nhà bán lẻ khác, chẳng hạn như Amazon.
Hồi tháng 11/2016, Amazon đã tham gia một số vụ kiện nhắm vào các nhà cung cấp rao bán sản phẩm giả mạo trên website của Hãng. Vụ việc này được khởi nguồn từ phản hồi của Apple về sự xuất hiện hàng giả của "táo khuyết" trên Amazon khoảng 1 tháng trước đó. Do vậy, trong những tháng gần đây, nhà bán lẻ trực tuyến này đã và đang thực hiện chương trình gỡ bỏ và ngăn chặn tình trạng hàng giả được rao bán tràn lan trên trang web. Chương trình vừa được đẩy mạnh bằng cách cho phép các nhà cung cấp đăng ký logo và quyền sở hữu trí tuệ với Amazon, ông Peter Faricy - Phó chủ tịch, chịu trách nhiệm quản lý Amazon Marketplace cho biết trên Gazette Review hôm 21/3.
Chuyên gia công nghệ thông tin Richard Stubbings - người hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng các ứng dụng máy tính cho biết trên Practical Ecommerce rằng, một trong những điểm mạnh của Amazon lại đang đem đến rắc rối cho chính nó.
Cụ thể, danh mục mở rộng của Amazon yêu cầu mọi nhà bán lẻ cùng bán một loại mặt hàng phải liệt kê trên cùng một trang trên trình duyệt. Nghĩa là khi khách hàng muốn mua mặt hàng đó, mọi đề xuất của mọi nhà bán lẻ đều được hiển thị ở cùng một nơi để khách hàng có thể tùy ý lựa chọn. Amazon sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho các sản phẩm nhận được đánh giá tốt từ người dùng, theo mức độ từ 1 đến 5 sao.
Cách làm trên của Amazon phát huy hiệu quả đối với các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường. Vấn đề nảy sinh ở các sản phẩm chung chung, chẳng hạn như ốp lưng, sạc điện thoại hay khay đựng đá. Bởi đôi khi nhiều sản phẩm được hiển thị ưu tiên vì nhận được nhiều đánh giá 5 sao nhưng trên thực tế, chúng lại là hàng kém chất lượng và nhà bán lẻ đã dùng “chiêu trò” để tăng lượng sao cho mình.
Trước thực tế này, Amazon cũng đang tiến hành kiện nhà quản lý các website bị cáo buộc đã bán những bài đánh giá giả mạo và cả những nhà cung cấp đã mua những bài đánh giá này để nâng “mức tín nhiệm” cho sản phẩm của mình. Nỗ lực này sẽ được Amazon đẩy mạnh hơn nữa vào tháng tới.