JAVI và khát vọng cà phê Việt Nam vươn tầm thế giới

Start up - Ngày đăng : 06:54, 03/04/2017

Trong 2 tháng nữa, thương hiệu cà phê JAVI sẽ đặt chân đến thị trường Mỹ, bắt đầu những bước đầu tiên mang niềm tự hào Việt Nam ra thế giới
JAVI và khát vọng cà phê Việt Nam vươn tầm thế giới

“Chúng tôi mất 2,5 năm nghiên cứu, tiêu tốn khoảng 3 tỷ đồng, 6 chiếc máy thất bại, trong đó có một chiếc nổ tung như… tên lửa mới cho ra chiếc máy pha cà phê hoàn chỉnh như hiện nay. Tên máy cà phê JAVI là viết tắt của các chữ cái tên của 3 quốc gia mà những ưu điểm công nghệ như Xiphon Nhật Bản (Japan), cà phê pha phin truyền thống của Việt Nam và công nghệ ép hơi của Ý (Italia). Dòng máy lớn nhất có thể pha được tới 12 ly cà phê mỗi lần với lượng cà phê mỗi ly chỉ bằng một nửa so với pha phin truyền thống, độ ổn định chất lượng gần như đồng nhất…”.

Đọc E-paper

Vừa kiểm tra những hạt cà phê đang đổi màu và bốc mùi thơm lừng trong máy rang cà phê, TS. Nguyễn Bá Hải vừa nói về thành quả của anh và các cộng sự tâm huyết với thương hiệu cà phê Việt.

Ai đang lấy đi 36 tỷ USD của cà phê Việt Nam?

TS. Nguyễn Bá Hải từng được biết đến là người sáng tạo ra “mắt thần” soi lối cho người khiếm thị, một sản phẩm đã nhận được giải Nhân văn Robocon Techshow Việt Nam 2012 và giải nhất Nhà sáng tạo Việt Nam. Anh hiện là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đồng thời là nhà sáng lập lớp học “Một đô la” nhằm lan truyền ngọn lửa đam mê kỹ thuật đến tất cả mọi người.

Anh gọi quán cà phê JAVI trên đường Khổng Tử, quận Thủ Đức, TP.HCM là “đại bản doanh” - nơi anh đặt dây chuyền cà phê từ máy phân loại hạt, máy rang, bồn trưng bày, máy xay đến máy pha cà phê ngay lối đi vào, để mọi người đều có thể xem cách một ly cà phê ra đời như thế nào. Thỉnh thoảng, những người nông dân đến giao cà phê cũng ngồi nán lại để trò chuyện dăm ba câu với vị tiến sĩ bình dân.

Sau mẻ rang thơm lừng, TS. Nguyễn Bá Hải pha cho mình một ly cà phê trong chiếc cốc bằng gốm Nhật xinh xắn. Anh nếm từng muỗng cà phê không đường một cách chậm rãi rồi lắc đầu nói: “Mẻ này chưa đạt, có những hạt cà phê chưa thật khô bị lẫn vào nên cà phê có vị “ê”. Phải bỏ mẻ này, nhặt lại cà phê rồi rang mẻ khác thôi!”.

Anh Hải (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè ngồi nhặt cà phê chiều cuối tuần

Trong không gian quán trưng bày đầy sách về kỹ thuật, tâm lý, kinh doanh cùng mùi thơm cà phê đang rang trên máy, anh Hải cho biết: “Việt Nam xuất khẩu gần 2.000 tấn cà phê mỗi năm, lại sở hữu đặc sản của “văn hóa cà phê phin” độc đáo du nhập từ Pháp, nhưng giá trị từ ngành cà phê của Việt Nam lại chỉ đạt gần 4 tỷ USD. Nếu tính giá trị thu lại được từ 1kg cà phê nhân thì Việt Nam đang chiếm khoảng 1/10 giá trị thị trường so với các thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới. Vậy ai đang lấy đi 36 tỷ USD thị trường của cà phê Việt Nam? Không ai lấy cả! Thực tế chúng ta chưa đầu tư và làm bài bản về chất lượng cà phê và công nghệ pha chế nên đã “lãng phí” giá trị thị trường rất lớn. Đây cũng là lý do vì sao Việt Nam chỉ có thể trồng và bán cà phê nhân với giá rẻ cho những ông lớn của cà phê thế giới”.

Trăn trở mãi, cuối cùng anh quyết định cùng đồng nghiệp chế tạo chiếc máy pha cà phê “thuần Việt” có thể cho loại cà phê đậm đà như pha phin truyền thống với thao tác đơn giản, không mất nhiều thời gian, lợi hơn gấp đôi so với pha phin truyền thống. Anh mua cà phê của người nông dân với giá cao hơn giá thị trường từ 10 – 20% để nhà vườn luôn thực hiện khắt khe các tiêu chuẩn: hái trái chín, chọn lọc kỹ vườn có chất lượng, phơi đạt nắng và đúng tiêu chuẩn, ưu tiên cả những vườn thuần chủng… Có những người nông dân chỉ trồng 1ha cà phê trên đồi cũng trở thành đối tác của JAVI nếu làm ăn có uy tín. Anh Hải dành khoảng 50 triệu đồng mua nhiều loại ly uống cà phê trên thế giới để thử cà phê bằng các loại ly khác nhau.

>>Cà phê chồn: Từ truyền thuyết đến hiện thực

Anh cho biết: “Cà phê nóng thì phải uống trong chiếc cốc gốm Bát Tràng hoặc gốm Nhật Bản mới giữ nguyên hương vị. Tôi dự định sẽ có dịch vụ “rửa ly” cho khách hàng. Khách hàng cứ sử dụng chiếc ly gốm, sứ đựng cà phê đi làm, chúng tôi sẽ rửa sạch trước khi pha cà phê vào. Chúng tôi làm vậy để bạn có ly cà phê đảm bảo chất lượng, cũng là để cho người nước ngoài nhìn thấy dịch vụ khách hàng của cà phê Việt tốt như thế nào”.

Rồi anh tìm cách thay ly nhựa bằng ly giấy, ống hút nhựa bằng ống tre hoặc gỗ thân cây dừa. “Chắc chắn phải đầu tư thêm một cái máy làm đá, vì chất lượng đá trên thị trường hiện nay không đảm bảo”.

Ngoài những ly cà phê tươi, sạch nguyên chất, rang xay tại chỗ với giá chỉ từ 10 ngàn đồng, TS. Nguyễn Bá Hải và các cộng sự đã nghiên cứu thành công một loại cà phê đặc biệt mang tên JAVI Đông Sơn 007. Sự kết hợp giữa những hạt cà phê thuần chủng chín ngọt lựa kỹ bằng tay hòa với rượu whisky Macallan xứ Scotland, cho ra dòng cà phê độc đáo, ngay lúc vừa rang xong đã tạo hương thơm tuyệt vời khiến nhiều vị khách nước ngoài say mê.

Thành công đi từ thất bại

“Với tôi, người thất bại là người không kiên trì đi đến thành công. Tôi thường nghĩ rằng muốn đạt được thành công phải qua 1.000 bước chân, sau mỗi lần thất bại thì số bước chân đến thành công càng ngắn lại, như vậy mình càng vui và càng có động lực đi tiếp. Với JAVI, tôi thất bại đến hơn 2 năm trước khi làm ra được chiếc máy pha cà phê hoàn chỉnh, nhưng đó chưa phải là thành công, vì mục tiêu thương hiệu cà phê Việt Nam chinh phục thế giới vẫn đang ở phía trước. Tôi cứ học tập, lao động và phấn đấu mỗi ngày vì mục tiêu này, lúc nào mệt mỏi thì lại vào ngồi lặng yên ở “thung lũng hạnh phúc”, đến khi sung sức thì lại tiếp tục tiến lên trên con đường mình chọn”.

Vừa nói, TS Nguyễn Bá Hải vừa chỉ chiếc logo hình “thung lũng hạnh phúc” cách điệu được in trên ly cà phê JAVI.

Theo vị tiến sĩ trẻ, con đường của cà phê JAVI bắt đầu từ… con số âm do cả anh và những cộng sự đều đầu tư bằng nguồn “tiền túi” hạn hẹp. Đến thời điểm này, các nhà đầu tư trên thế giới định giá thương hiệu cà phê của anh từ 3 - 5 triệu USD, gấp 10 lần vốn đầu tư đã bỏ ra trong 4 năm qua.

>>CEO 28 tuổi - Đồng sáng lập 3 chuỗi cà phê Việt

Một số nhà đầu tư trong nước cũng muốn mua lại JAVI với giá từ 30 - 40 tỷ đồng nhưng anh Nguyễn Bá Hải chỉ muốn phát triển theo hướng nhượng quyền. Hiện nay cà phê JAVI đã có mặt ở khoảng 14 quán cà phê và 40 điểm bán cà phê mang đi với cách kinh doanh nhượng quyền… không giống ai.

Anh cho biết: “Chúng tôi chỉ lấy chi phí hằng tháng ở mỗi đơn vị nhượng quyền từ 100 ngàn đến 5 triệu đồng. Kinh doanh không phải lúc nào cũng chỉ để kiếm nhiều tiền, mục tiêu hiện nay của chúng tôi chỉ muốn thu hút 10.000 người Việt và các chuyên gia nước ngoài cùng chung con đường làm cà phê sạch đồng thời lan tỏa cà phê Việt Nam ra toàn cầu, giống như cà phê Mỹ, Ý vậy”.

Con đường anh Hải đang đi có vẻ khá thuận lợi khi trong một buổi hội thảo lớn tại Khách sạn Legend (TP.HCM) mới đây, rất nhiều người trong số 300 khách mời người nước ngoài đã xếp hàng để chờ được thưởng thức ly cà phê JAVI anh mang đến, “bỏ quên” chiếc máy cà phê Ý gần đó.

“Trong 2 tháng nữa, thương hiệu cà phê tôi tâm huyết JAVI sẽ đặt chân đến thị trường Mỹ, bắt đầu những bước đầu tiên mang niềm tự hào Việt Nam ra thế giới”, anh Nguyễn Bá Hải nói. 

THANH NHÃ/DNSGCT