Lao động nhập cư ở Hàn Quốc: Ở tù rất... sướng?

Quốc tế - Ngày đăng : 06:31, 15/04/2017

Nhà tù Cheonan được mở cửa từ năm 2010. Người nước ngoài vi phạm luật pháp thường được đưa đến đây.
Lao động nhập cư ở Hàn Quốc: Ở tù rất... sướng?

Chính quyền Hàn Quốc gọi nhà tù Cheonan ở phía Nam thủ đô Seoul là "cơ sở cải tạo dành riêng cho người nước ngoài đầu tiên trên thế giới".

Nhà tù này cũng được xem là thuộc hàng nhân đạo bậc nhất, với những phòng trưng bày nghệ thuật và những khu vực vui cười (smile zones) dành cho quản giáo và tù nhân. Tù nhân có thể hát karaoke, tham gia lớp học ngôn ngữ có trà nóng cùng đồ ăn vặt, và đọc sách trong thư viện có hơn 5.000 đầu sách ngoại văn.

Cheonan được mở cửa từ năm 2010. Những người nước ngoài vi phạm luật pháp thường bị đưa đến nhà tù này. Nơi đây cũng có 700 phạm nhân Hàn Quốc, ở một khu riêng biệt. Thường thì những phạm nhân ở đây thường có thời gian ngồi tù khá ngắn, trước khi được trả lại tự do.

Cheonan cũng là nhà tù duy nhất ở Hàn Quốc có phục vụ chế độ ăn của đạo Hồi (halal food), cũng như dành 30 phút mỗi ngày cho các chương trình truyền hình bằng tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Hơn 2/3 số phạm nhân ở đây là người Trung Quốc, nhóm đông thứ 2 là người Mỹ.

Các quản giáo trại giam này kỳ vọng hơn 600 phạm nhân đến từ 35 nước khác nhau ở đây có thể trở thành "đại sứ Hàn Quốc" khi trở về nhà, mang theo những triết lý teakwondo và văn hóa Kpop. Một số cựu phạm nhân đã rời khỏi trại giam với kế hoạch sẽ trở lại mở các các tour du lịch đến Hàn Quốc.

Một lớp học văn hóa Hàn Quốc tại nhà tù Cheonan. Nguồn: Joins

Những gì diễn ra ở Cheonan phần nào cho thấy người nước ngoài ngày càng được chấp nhận hơn ở Hàn Quốc. Có hơn 2 triệu người nước ngoài đang sống ở nước này, tuy còn tương đối ít so với dân số 50 triệu người của xứ sở nhân sâm nhưng đã tăng đáng kể so với vài năm trước. Lượng người lao động nhập cư ở Hàn Quốc đã tăng hơn 30 lần kể từ năm 2000 lên 600 nghìn người hồi năm ngoái.

Trong số này, có 221 nghìn người đang có mặt ở Hàn Quốc nhờ một hệ thống giấy phép lao động có từ năm 2004. Hệ thống này đặt ra một định mức cho phép lao động phổ thông từ 15 nước châu Á đến Hàn Quốc làm việc, nhưng những việc họ làm thường có mức lương thấp và nguy hiểm mà ít người làm. Họ làm những công việc mà người Hàn Quốc né tránh, như làm sạch thùng dầu hay chăn nuôi heo, trong các ngành nông nghiệp, thủy sản và xây dựng.

Sự đối đãi tử tế ở trong nhà tù Cheonan là điều khó tìm thấy ở bên ngoài. Nhiều người lao động nhập cư, chủ yếu đến từ Đông Nam Á, đang trở thành một tầng lớp thấp mới trong xã hội Hàn Quốc. Trong một khảo sát của chính phủ về những lao động nhập cư nữ trong ngành nông nghiệp, có tới 2/3 số này sống trong những ngôi nhà tạm bợ như thùng xe container hoặc nhà kính nông nghiệp (người chủ thường giữ lại một phần lương của họ để đổi lấy chỗ ở); hơn 3/4 được cho là có chưa tới 2 ngày nghỉ mỗi tháng. Trong tháng Một, có 2 người Campuchia ở độ tuổi 20 đã chết vì lạnh và kiệt sức.

Một cuộc điều tra gần đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy, 4/5 số lao động nhập cư trong ngành nông nghiệp Hàn Quốc không được trả lương làm thêm giờ, mặc dù họ thường phải làm việc 50 tiếng mỗi tháng - cao hơn nhiều so với cam kết trong hợp đồng. Dù tất cả lao động phải trải qua một bài kiểm tra tiếng Hàn cơ bản ở quê nhà trước khi được cấp thị thực sang Hàn, nhưng hầu như họ không hề được tiếp xúc trước với những phương ngữ ở vùng nông thôn.

Ngoài ra, việc bị chủ doanh nghiệp ngược đãi cũng là điều khá phổ biến. Các luật sư đến từ một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho người lao động di cư đã khuyến khích họ quay lại những hành động ngược đãi trên điện thoại.

Các lớp học ở nhà tù Cheonan. Nguồn: Corrections

Udaya Rai - một người Nepal đứng đầu hiệp hội lao động nhập cư tại Hàn Quốc, cho biết chẳng mấy ai quan tâm tới việc bảo vệ người nhập cư tránh khỏi bóc lột hoặc bạo lực. Việc thay đổi công việc phải đòi hỏi sự cho phép của chủ thuê lao động. Rai kể, cảnh sát Hàn Quốc từng làm ngơ trước những người nhập cư "với máu chảy ròng ròng trên mặt" và nói với họ rằng phải trực tiếp giải quyết vấn đề với chủ thuê của họ.

Nhiều lao động kể rằng nếu họ báo cáo việc bị lợi dụng hoặc ngược đãi, họ sẽ không nhận được tiền lương. Những người bỏ việc thường bị chủ lao động báo cáo là đã bỏ trốn. Điều này có thể khiến họ bị đưa vào một trong 3 trung tâm giam giữ người nhập cư của nước này, nơi được quyền bắt giữ mà không cần phải có lệnh bắt.

Rai cho biết vấn đề lớn nhất là ở chỗ Hàn Quốc vẫn coi việc tuyển dụng lao động nước ngoài là một hình thức từ thiện, chứ không phải là mang lại lợi ích cho nền kinh tế nước này. Hiệp hội lao động nhập cư do ông đứng đầu đã mất một thập kỷ để được tòa án tối cao của Hàn Quốc công nhận chính thức vào năm 2015. Hội này cũng đại diện những người nhập cư không giấy tờ, vốn chiếm hơn 1/10 lao động nước ngoài ở Hàn. Nhiều người trong số họ đã quá hạn thị thực khi cố gắng đòi tiền lương chưa được chi trả.

Một người quản giáo tại Cheonan cho rằng, ông hy vọng những phạm nhân sẽ rời khỏi nhà tù với "một cái nhìn tích cực hơn về xã hội Hàn Quốc". Tuy nhiên, có lẽ một số người lao động nhập cư chỉ thấy được những điểm tích cực này khi ở sau song sắt. 

>>Bí quyết "vượt bão" của các "ông lớn" Hàn Quốc