Công nghiệp ô tô - ngành kinh tế "mũi nhọn" của nhiều quốc gia
Quốc tế - Ngày đăng : 09:29, 17/04/2017
Thái Lan hay Hàn Quốc đều là những quốc gia chú trọng phát triển công nghiệp ô tô nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, qua đó giúp nền kinh tế sở tại đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Thực tế cho thấy công nghiệp ô tô là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia. Minh chứng rõ nét cho nhận định này là các nền kinh tế hàng đầu đều có ngành công nghiệp ô tô rất phát triển phục vụ giao thông vận tải trong nước và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Điển hình thành công
Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan bắt đầu từ thập niên 1960, phát triển nhanh chóng và đến nay đã trở thành một trong những nước sản xuất ôtô nhiều nhất thế giới. Hiện Thái Lan trở thành nơi đặt nhà máy của nhiều công ty và doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất ô tô .
Thái Lan đã có những bước tiến lớn và tham gia vào mạng lưới sản xuất ô tô của khu vực và thế giới. Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan phát triển qua năm giai đoạn chính gồm sửa chữa xe nhập khẩu, lắp ráp xe, sản xuất phụ tùng xe, nghiên cứu và phát triển (R&D).
Thái Lan đã dồn các nguồn lực cũng như lợi thế cho sự phát triển công nghiệp ô tô trong từng giai đoạn. Sự thành công của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan là kinh nghiệm quý cho bất kỳ quốc gia trên thế giới. Tin tức cho hay đến năm 2012, Thái Lan đã trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á, đóng góp đáng kể cho Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của đất nước này. Số liệu về ngành công nghiệp ô tô Thái Lan cho thấy Xứ chùa Vàng thuộc tốp 20 thế giới về sản lượng ô tô và có hàng nghìn nhà cung cấp linh phụ kiện trên thị trường.
Một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vào công nghiệp ô tô Thái Lan chính là chính sách ổn định, tạo điều kiện gia nhập thị trường như ưu đãi thuế, miễn thuế không chỉ với ngành sản xuất mà còn đối với hoạt động R&D.
Chính phủ Thái Lan còn cho phép nhà đầu tư nước ngoài mang những chuyên gia, kỹ sư và nhân viên vào nước này với chính sách thị thực linh hoạt. Nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp ô tô Thái Lan cũng có kỹ năng cao nhất so với các nước khác trong khu vực.
Mới đây, Ủy ban Đầu tư Thái Lan đã thông qua kế hoạch hỗ trợ toàn diện đối với những công ty sản xuất phụ tùng xe ô tô chạy bằng điện và pin sạc.Thuộc phạm vi hỗ trợ là ba loại xe điện gồm ô tô điện hybrid (HEV), xe ôtô điện hybrid sử dụng pin sạc (PHEV) và ô tô điện sử dụng pin sạc (BEV). Các loại xe này có thể là xe khách, xe tải hoặc xe buýt, với ưu đãi đầu tư sẽ dựa trên công nghệ sản xuất.
Cụ thể, đối với loại xe HEV, doanh nghiệp được xét duyệt ưu đãi sẽ được miễn thuế nhập khẩu máy móc. Đối với loại xe PHEV, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn ba năm. Ngoài ra, nếu sản xuất nhiều hơn một bộ phận quan trọng của xe, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế thêm đối với mỗi bộ phận nhưng không được vượt quá thời hạn sáu năm.
>>Phát triển ngành công nghiệp ô tô: Lời khuyên từ giáo sư Nhật
Kinh nghiệm phát triển
Một quốc gia khác cũng có nền công nghiệp ô tô phát triển đáng được học hỏi là Hàn Quốc, hiện trong top 10 thế giới cả về sản xuất và xuất khẩu ô tô. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà chế tạo ô tô Hàn Quốc, năm 2016, nước này đứng thứ sáu thế giới về sản lượng ô tô với 4,22 triệu chiếc.
Ngành công nghiệp Hàn Quốc có sự thuận lợi khi không “đụng” ô tô của Nhật Bản với công nghệ và giá thành đều cao vì họ mạnh về các dòng ô tô giá thấp. Một trong những ưu điểm của ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc là có sự cân bằng giữa chi phí và chất lượng .
Tuy vậy, điều này không thể mang đến thành công nếu Hàn Quốc không có chuỗi cung ứng hoàn hảo. Các nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc gắn kết rất chặt chẽ với các nhà cung cấp thông qua những hợp đồng dài hạn. Qua đó, nhà cung cấp linh kiện sẽ tham gia toàn bộ quá trình phát triển một chiếc ô tô, chia sẻ những thông tin quan trọng như mục tiêu chi phí, lợi nhuận dự kiến...
Các doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc có được sự hợp tác, hỗ trợ từ các nhà cung cấp trên cơ sở lợi ích chung, nhờ đó giảm thời gian và chi phí cho hoạt động thiết kế, nghiên cứu kỹ thuật...
Nhờ sự liên kết chặt chẽ trên, các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đã tích cực đầu tư ra nước ngoài, kéo theo các đối tác sản xuất linh kiện, phụ tùng. Nhờ đó, họ cắt giảm được những chi phí không cần thiết, rút ngắn thời gian sản xuất đáng kể và tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa các bên, giúp giảm thời gian cho ra đời một mẫu xe mới xuống còn ba năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây.
Sự liên kết chặt chẽ với các nhà cung ứng đã giúp những doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc tiết kiệm được chi phí và giảm đáng kể những rủi ro trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản xuất. Để các nhà sản xuất trong nước nhanh chóng nắm bắt được công nghệ của nước ngoài, khi ngành sản xuất ôtô bắt đầu hình thành tại Hàn Quốc, chính phủ nước này không cho phép các nhà sản xuất nước ngoài tham gia thị trường nếu không liên doanh với các nhà sản xuất trong nước.
Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước này đã từng bước nắm được công nghệ cao từ các đối tác nước ngoài có nền công nghiệp ô tô hàng đầu như Nhật Bản, Mỹ .
Bên cạnh đó, ngoài chiến lược thu hút công nghệ nước ngoài, Hàn Quốc cũng rất chú trọng đến hoạt động nghiên cứu và phát triển để đảm bảo sự phát triển bền vững. Chi tiêu cho hoạt động R&D của Hàn Quốc thậm chí còn cao hơn so với Liên minh châu Âu (EU).
Tất cả những yếu tố trên đã giúp ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc có những bước phát triển thần kỳ, nhanh chóng vươn lên top đầu thế giới.
>>Vụ bê bối của Volkswagen - Cú shock với ngành công nghiệp ô tô Đức