Ông Trump và bài toán thâm hụt thương mại của Mỹ

Quốc tế - Ngày đăng : 00:12, 17/04/2017

Hai vấn đề nổi bật trên bàn nghị sự thượng đỉnh Donald Trump – Tập Cận Bình vừa qua là các hoạt động về hạt nhân của Triều Tiên và sự mất cân bằng của cán cân thương mại Mỹ – Trung Quốc.
Ông Trump và bài toán thâm hụt thương mại của Mỹ

Hai vấn đề nổi bật trên bàn nghị sự thượng đỉnh Donald Trump – Tập Cận Bình vừa qua là các hoạt động về hạt nhân của Triều Tiên và sự mất cân bằng của cán cân thương mại Mỹ – Trung Quốc.

Đọc E-paper

Các chuyên gia nhận định, thực tế, những vấn đề trên không mới. Những khoản nhập siêu khổng lồ kéo dài nhiều năm trong quan hệ thương mại giữa hai nước đã và đang tiếp tục làm điên đầu các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ. Nhưng ít có chính khách Mỹ nào quan tâm đến vấn đề này bằng tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay trong cuộc vận động tranh cử, ứng viên Trump đã nói về Trung Quốc như sau: “Họ sử dụng đất nước chúng ta như một con heo bỏ ống để tái thiết Trung Quốc”. 

Các con số thực tế trong cán cân thương mại những năm qua ủng hộ quan điểm của ông Trump và nhiều chính khách Mỹ khác. Chỉ riêng năm 2016, Mỹ nhập từ Trung Quốc lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 480 tỷ USD, phần lớn là hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, tivi, điện thoại di động, laptop và máy tính bảng.

Hàng xuất khẩu của Mỹ cho Trung Quốc trị giá 170 tỷ USD gồm máy bay, đậu tương cùng nhiều nông phẩm khác. Trong những dịch vụ Mỹ cung cấp cho Trung Quốc, có dịch vụ về giáo dục với khoảng 350.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học ở Mỹ.

Làm con toán đơn giản, đã có thể thấy khoản nhập siêu của Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc năm 2016 lên đến 310 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 60% trong tổng nhập siêu toàn cầu của Mỹ là 500 tỷ USD. Một trong những hệ quả lớn nhất của tình trạng nhập siêu này là bộ máy sản xuất không thu hút được hết lực lượng lao động đang cần có việc làm.

Giữa những năm 2000 và 2007, số việc làm trong các cơ sở sản xuất ở Mỹ sụt giảm nghiêm trọng, từ 16,9 triệu lao động chỉ còn 13,6 triệu lao động. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đẩy con số đó xuống thấp hơn nữa, chỉ còn 11,2 triệu lao động. Các lao động làm việc trong ngành sản xuất quần áo và hàng điện tử chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Tuy nhiên, việc nhập ồ ạt hàng của Trung Quốc cũng có khía cạnh tích cực, đó là người tiêu dùng ở Mỹ được mua hàng giá rẻ, để dành được nhiều tiền hơn cho các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, giải trí, du lịch.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là Donald Trump sẽ làm gì trong tình trạng thâm hụt thương mại triền miên như thế, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc? Khi còn là ứng viên, ông đã đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, chẳng hạn đánh thuế suất 45% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng lịch sử cho thấy chính sách bảo hộ không làm giảm được khiếm hụt thương mại.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, con đường hay nhất mà ông Trump có thể theo là thương thảo để tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc một cách hữu hiệu hơn. Trung Quốc hiện có nhiều hạn chế về nhập khẩu, trong đó có thuế suất 25% đánh trên ô tô; họ nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, trong đó có đậu tương, nhưng lại rất hạn chế thịt heo và thịt bò.

Để giảm thiểu mức nhập siêu, nước Mỹ sẽ cấm đoán hay hạn chế nghiêm ngặt việc nhập khẩu hoặc đầu tư từ nước ngoài các loại dịch vụ như tài chính, truyền thông xã hội, viễn thông, chăm sóc sức khỏe, vận chuyển.

>>Tổng thống Mỹ lần đầu gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc

LÊ NGUYỄN tổng hợp/DNSGCT