Vốn ODA từ Nhật Bản sẽ giảm trong năm 2017
Trong nước - Ngày đăng : 05:07, 21/04/2017
Hôm 20/4, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã tổ chức họp báo thường niên thông báo các kết quả đạt được trong năm tài khóa 2016 của Nhật Bản cũng như định hướng và dự kiến hoạt động trong năm tài khóa 2017.
Trao đổi với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Fujita Yasuo - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, vốn ODA từ Nhật Bản trong năm tài khóa 2017 đang được xem xét, nhưng dự kiến giảm so với năm tài khóa 2016.
* Ông đánh giá thế nào về tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam?
Từ năm 2012 trở lại đây, chúng tôi duy trì giá trị khoản vay của các năm ở mức độ tương đương. Đối với Việt Nam thì tỷ lệ thực thi là khá cao. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như sự chậm trễ trong việc xử lý thủ tục hành chính, đặc biệt năm ngoái phát sinh vấn đề về mức trần giải ngân.
Cụ thể, ở dự án Đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 và dự án Cải tạo môi trường nước giai đoạn 2, từ tháng 9/2016, công tác giải ngân của dự án đã bị ngừng lại, khoản tiền chưa chi trả lên đến 10 tỷ yen.
Nếu nhìn tổng thể, có thể đánh giả thành tích là tương đối tốt, nhưng Việt Nam có khả năng cải thiện tốt hơn nữa.
Khi công tác giải ngân được thực hiện đúng tiến độ, người lao động Việt Nam sẽ được thanh toán tiền lương đúng hạn, doanh thu cũng như lợi nhuận của các công ty sẽ tăng lên, đem lại hiệu ứng tác động phát triển kinh tế tốt hơn.
Thế nhưng, chỉ vì một bộ phận bị chậm trễ khiến cho các công việc trên không được thực hiện thì theo tôi không tạo nên hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển kinh tế.
Ngoài ra, từ năm ngoái, giá trị giải ngân thực tế giảm là do mức trần giải ngân. Tổng giá trị khoản vay ODA mới đã cam kết có giảm đi một chút, tuy nhiên nó không gây ảnh hưởng nhiều đến tổng thể.
* Ông có thể nói thêm về khoản tiền 10 tỷ yen?
10 tỷ yen chỉ là phần chưa chi trả cho 2 dự án ở TP.HCM (dự án xây dựng Đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1, dự án Cải tạo môi trường nước Giai đoạn 2). Ngoài 2 dự án này còn nhiều dự án khác nữa, đặc biệt trong đó có nhiều dự án do Bộ Giao thông vận tải (MOT) quản lý.
Tính đến thời điểm tháng 2/2017, nếu bao gồm cả 2 dự trên ở TP.HCM, tổng số tiền chưa được chi trả lên đến 23 nghìn tỷ yen. Điều này gọi là Rủi ro thực thi hợp đồng. Nó thực ra là điểm không thuận lợi cho Chính phủ Việt Nam khi điều tiết nguồn vốn từ thị trường tài chính quốc tế hay thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.
>>JICA hỗ trợ Việt Nam hơn 166 tỷ yen vốn ODA
* Từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ phải vay vốn ODA với mức lãi suất cao hơn, ít ưu đãi về điều kiện vay và thời gian ân hạn. Vốn ODA dành cho Việt Nam từ Nhật Bản có thay đổi nào không ?
Việt Nam sẽ không còn được vay từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) từ tháng 7 này, bao gồm nhóm Ngân hàng Thế giới với mức lãi suất thấp nhất.
Tuy nhiên, trong năm 2017 không phải tất cả các nhà tài trợ đều thay đổi điều kiện vay cùng một lúc. Có thể vài năm nữa mới có việc Việt Nam không còn nhận được các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng phát triển châu Á.
JICA hàng năm cũng tiến hành xem xét lại các điều kiện vốn vay, tuy nhiên sẽ không xảy ra trường hợp các điều kiện bị thay đổi đột ngột theo chiều hướng xấu đi. Hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu các điều kiện cho vay vốn. Tôi nghĩ là thông tin sẽ sớm có thể được công bố, có thể là một tháng nữa.
* Phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường đang là vấn đề Việt Nam quan tâm. Phía Nhật Bản nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ngoài việc hỗ trợ thực hiện các dự án trực tiếp liên quan đến các giải pháp cải thiện môi trường, đối với tất cả các dự án của JICA, chúng tôi đều yêu cầu thực hiện đánh giá tác động môi trường xã hội một cách nghiêm ngặt.
Đối với các dự án trực tiếp liên quan đến môi trường, chúng tôi hỗ trợ các chương trình vay vốn phục vụ cho việc xây dựng các chính sách trong nhiều lĩnh vực như cải thiện môi trường nước, dự án trồng rừng, ứng phó biến đổi khí hậu...
Từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018, có 3 dự án đã được ký kết Hiệp định vốn vay L/A liên quan đến lĩnh vực môi trường là: Dự án các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai sử dụng thông tin vệ tinh quan sát trái đất, Giai đoạn 2 (30 tỷ yen); Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre (24,257 triệu yen) và Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại thành phố Biên Hòa, Giai đoạn 1 (24,7 tỷ yen).
Bên cạnh đó, vụ cá chết hàng loạt tại Formosa vào năm ngoái khiến cho mối quan tâm đối với các chính sách bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam ngày càng cao. Vì vậy, JICA đã soạn thảo “Hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường xã hội” dựa trên các tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới và yêu cầu tất cả các dự án do JICA hỗ trợ đều phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu này.
Ngoài việc phải thực hiện đánh giá tác động môi trường ở giai đoạn F/S (nghiên cứu tính khả thi), trước khi tiến hành lựa chọn phê duyệt dự án còn phải kiểm tra việc thực hiện đền bù cho người dân trong trường hợp phải di dân.
Các dự án của JICA đôi khi bị đánh giá là mất nhiều thời gian để có thể khởi động được dự án. Tuy nhiên quan điểm của chúng tôi là một khi dự án đã triển khai mà khiến cho môi trường bị phá hoại thì sẽ không thể phục hồi được. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng công tác đánh giá tác động môi trường cho dù mất thời gian thì cũng vẫn cần phải thực hiện.
Chẳng hạn, Dự án Đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1 lần đầu tiên ứng dụng phương pháp khiên đào hầm ngầm trong thi công ở Việt Nam. Phương pháp khiên đào hầm ngầm sử dụng máy đào hầm hình ống để đào đất và tạo ra vách tường của hầm. So với các phương pháp đào đất thông thường thì phương pháp này giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới giao thông và ít chiếm dụng diện tích xung quanh, cũng như gây ít ảnh hưởng tới các công trình xây dựng xung quanh.
Hơn nữa, do có thể gom và vận chuyển đất sau khi đào một cách dễ dàng, phương pháp này ít gây bụi, chấn động và ồn ào so với phương pháp đào kín khác. Không chỉ đánh giá tác động của môi trường, bằng việc sử dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất của Nhật Bản, vừa đảm bảo tính hiệu quả của việc thi công cũng như thân thiện với môi trường.
* Nhật Bản dự kiến khoản vốn vay ODA cho Việt Nam năm tài khóa 2017 là bao nhiêu?
Đối với các dự án đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua trước trong năm tài khóa 2016 là 5 dự án, 130 tỷ yen. Chúng tôi dự kiến sớm ký kết Hiệp định vốn vay và bắt đầu triển khai dự án.
Ngoài những dự án này, những dự án sẽ ký kết Hiệp định vốn vay trong năm tài khóa 2017 và những dự án từ năm tài khóa 2018 trở đi sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu vay vốn từ phía Chính phủ Việt Nam và tình trạng chuẩn bị của các dự án.
Về phía JICA, chúng tôi đang chuẩn bị cơ chế để có thể thực hiện các dự án vốn vay với quy mô tương tự các năm 2015, năm 2016. Khoản giải ngân trong năm tài khóa 2017 hiện đang được xem xét, tuy nhiên dự kiến sẽ giảm một chút so với năm tài khóa 2016.
Lý do chính là việc giải ngân cho dự án Xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình, dự án chiếm tỷ trọng lớn trong năm tài khóa 2016, đã qua giai đoạn giải ngân cao điểm, ngoài ra còn do sự hạn chế về ngân sách vay vốn của Chính phủ Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam hiện đang đặt ra nhiều hạn chế đối với việc vay vốn cho từng dự án. Chúng tôi hiện đang đề nghị Chính phủ Việt Nam không nên đặt hạn chế đối với từng dự án mà nên phân bổ nguồn vốn vay hợp lý theo tiến độ của mỗi dự án.
Đến nay, 5 dự án trị giá 130 tỷ yen đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua trong năm tài khóa 2016 nhưng vẫn chưa ký kết Hiệp định vốn vay là: Dự án nâng cao năng lực đảm bảo an ninh an toàn hàng hải Việt Nam (38,482 tỷ yen), Dự án các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai sử dụng thông tin vệ tinh quan sát trái đất, Giai đoạn 2 (30 tỷ yen), Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre (24,257 triệu yen), Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại thành phố Biên Hòa, Giai đoạn 1 (24,7 tỷ yen) và Dự án xây dựng thành phố khoa học công nghệ cao Hòa Lạc (12,865 tỷ yen).
* Cảm ơn ông!