Chưa dễ thoát bẫy thu nhập trung bình

Du lịch - Ngày đăng : 06:39, 26/04/2017

Dù đã vươn lên nhóm nước có thu nhập trung bình, nhưng những cải cách thể chế dù đã được bổ sung vẫn còn là nút thắt khiến Việt Nam có nguy cơ chìm sâu hơn vào "bẫy thu nhập trung bình".
Chưa dễ thoát bẫy thu nhập trung bình

Dù đã vươn lên nhóm nước có thu nhập trung bình, nhưng những cải cách thể chế dù đã được bổ sung vẫn còn là nút thắt khiến Việt Nam có nguy cơ chìm sâu hơn vào "bẫy thu nhập trung bình".  

Đọc E-paper

"Bẫy thu nhập trung bình" là khi nền kinh tế tuy có tăng trưởng nhưng chưa thể bứt phá để vượt lên mức cao hơn. Việt Nam mới tham gia nhóm thu nhập trung bình từ năm 2009, khi tổng thu nhập bình quân đầu người vượt 1.000 USD. Nhóm thu nhập trung bình trên thế giới có mức bình quân thu nhập năm 2010 khoảng 1.000 - 12.000 USD/người.

Trong 50 năm, từ 1960 - 2010, chỉ có 13 nền kinh tế từ nhóm thu nhập trung bình vượt lên nhóm thu nhập cao, trong đó có Nhật Bản đã "thần kỳ” đạt thu nhập cao khá sớm, chỉ trong vòng 25 năm, tiếp sau là Hong Kong (năm 1990), Singapore (năm 1990) và Hàn Quốc (năm 1995). Trong khi đó, hầu hết các nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vẫn trong tình trạng tăng trưởng trì trệ, không kể Philippines hay Indonesia còn khó khăn vì những bất ổn về chính trị - xã hội.

Malaysia từng là nước thu nhập trung bình cao thứ 3 trong khối ASEAN, năm 1975 đạt mức thu nhập bình quân cao hơn cả Hàn Quốc, nhưng nay vẫn chưa đứng trong nhóm thu nhập cao, dù nước này hy vọng năm 2020 có thể đạt được mục tiêu (theo thời giá năm 2020, thu nhập bình quân khoảng trên 15.000 USD/người).

Thái Lan đã chuyển lên nhóm thu nhập trung bình trước năm 1975, Trung Quốc chuyển lên nhóm thu nhập trung bình từ năm 1995, dù đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 6.000 - 8.000 USD, cao gấp 3- 4 lần Việt Nam, nhưng vẫn chưa có khả năng vượt lên nhóm thu nhập trung bình cao do các nhân tố "tăng trưởng theo chiều rộng" đã cạn kiệt, nay phải chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Như vậy, thời gian nằm trong nhóm thu nhập trung bình của Trung Quốc có thể nhiều năm, "thần kỳ" như Nhật bản cũng phải mất 25 năm.

Nếu 25 - 30 năm nữa, khoảng năm 2045, Việt Nam có thể gia nhập nhóm thu nhập cao, cũng sẽ là nước thuộc loại "thần kỳ mới", do đó không nên "lạc quan tếu". Theo báo cáo "Việt Nam 2035", tình hình phát triển kinh tế từ năm 2000 trở lại đây đã có xu hướng giảm sút cả về tốc độ lẫn chất lượng tăng trưởng. Cho nên khả năng vượt lên ngày càng khó khăn nếu không đẩy mạnh cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất chính là gỡ nút thắt về thể chế theo nghĩa rộng nhất trên cơ sở tư duy phát triển hiện đại. Cần xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại, trong đó có hệ thống luật pháp theo thông lệ quốc tế, quy tắc ứng xử công khai, minh bạch và bộ máy công quyền có trách nhiệm giải trình, có sự tham gia kiểm soát rộng rãi của người dân và các tổ chức xã hội.

>>Nỗi khổ của các nền kinh tế mắc "bẫy thu nhập cao"

Chậm đổi mới thể chế đang là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lún sâu vào sút giảm cả tốc độ lẫn chất lượng tăng trưởng ở nước ta thời gian gần đây, khi các động lực tăng trưởng của thời kỳ đầu "tháo bỏ quy chế" và những cải tiến, sửa đổi từng mặt đang mất dần hiệu lực. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang làm cho các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững nổi lên ngày càng gay gắt.

Việc sửa đổi thể chế thiếu đồng bộ, có phần hình thức và bộ máy hành chính quá cồng kềnh, trùng lắp trở thành rào cản cho phát triển, thậm chí là "đất lành" cho tình trạng tham nhũng, lãng phí.

Tình trạng luật chưa có hiệu lực đã phải sửa, luật mới sửa vài năm lại sửa, do đó nhiều quyết định "đúng quy trình" nhưng không hợp lý, thiếu hiệu quả phổ biến trong phát triển kinh tế, lựa chọn cán bộ các cấp... Nếu không gỡ được nút thắt thể chế, phát triển nền kinh tế hiện đại, tiến nhanh sang sáng tạo, bình đẳng và dân chủ thì ngay mức thu nhập trung bình cao cũng khó bứt lên chứ chưa nói tới gia nhập nhóm thu nhập cao.

Tình trạng hơn 40% lao động làm việc trong ngành nông nghiệp nhưng quá ít trang trại nông nghiệp công nghệ cao để tạo đột phá về năng suất, về bảo vệ môi trường, tình trạng khá phổ biến là nông dân bỏ ruộng để chuyển thành thị dân nghèo ở vùng ven đô trong tình trạng đô thị hóa không bền vững là những phác họa "xám" về "bẫy thu nhập trung bình", cần phải thoát ra.

Đô thị hóa chật cứng người nhưng hạ tầng đô thị không phát triển kịp cũng là một thực tế khác, đòi hỏi tầm nhìn xa rộng về quy hoạch khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đổi mới tư duy phát triển, cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa là giải pháp then chốt để gỡ được "nút thắt" phát triền kinh tế. Chỉ có trên cơ sở đó nền kinh tế mới bứt phá nhanh.

Nhưng dường như chính những khó khăn hiện nay là thời cơ cho "đổi mới lần hai".

>>Đổi việc, tăng lương và những chiếc “bẫy” tài chính

GS-TS. NGUYỄN QUANG THÁI