Sự chuyển mình của ngành thời trang Hồi giáo

Quốc tế - Ngày đăng : 06:29, 03/05/2017

Người Hồi giáo khắp thế giới chi khoảng 300 tỷ USD để mua quần áo và giày dép, ít hơn không nhiều so với Mỹ.
Sự chuyển mình của ngành thời trang Hồi giáo

“Không được hở hang” là “câu thần chú” trong ngành công nghiệp thời trang Hồi giáo trị giá 300 tỷ USD và được nhiều đơn vị ứng dụng một cách khéo léo để hốt bạc.

Đối với những người không theo Hồi giáo, các website kinh doanh thời trang chuyên biệt cho thế giới đạo Hồi có vẻ đơn điệu. Tuy nhiên, những thay đổi nhỏ đã diễn ra trong thời gian gần đây.

KhaleejiAbaya.com - một địa chỉ kinh doanh thời trang Hồi giáo có trụ sở tại Teesside (Anh) còn có hẳn câu slogan “Dễ dàng đoan trang” cho thương hiệu của mình và bắt đầu quan tâm hơn đến độ phong phú của kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.

Dù tỏ ra khá thận trọng nhưng các nhà thiết kế thời trang Hồi giáo hàng đầu cũng đã góp mặt vào Tuần lễ thời trang London vừa qua. Đây là đại diện của trường phái thời trang khiêm tốn, kín đáo, phù hợp với quy định của các tôn giáo, trong đó có Hồi giáo, được gọi là “Modest Fashion”.

Vẫn là những bộ trang phục che kín da trên toàn bộ cơ thể nhưng các nhà thiết kế đã phần nào đột phá hơn về kiểu dáng, chi tiết và chất liệu. Ăn theo các bộ sưu tập này, các công ty mỹ phẩm cũng tranh thủ quảng cáo những mẫu nước hoa không cồn và son môi không chiết xuất từ mỡ động vật để phù hợp với tiêu chuẩn Halal của đạo Hồi. Tất nhiên, đối với một số giáo sĩ, những loại mỹ phẩm thế này, dù đạt chuẩn Halal những vẫn là điều khó chấp nhận.

>>Mẹo digital marketing từ hãng thời trang Hồi giáo hàng đầu Singapore

Thời trang Hồi giáo đang là một ngành công nghiệp lớn. Trên toàn thế giới, người Hồi giáo chi khoảng 300 tỷ USD để mua quần áo và giày dép, chỉ ít hơn Mỹ một chút. Tại các nước phương Tây, những người phụ nữ Hồi giáo, Do thái giáo hay Cơ đốc giáo theo trường phái che đậy da thịt thường chỉ quan tâm đến sự khiêm tốn và giản dị của trang phục. Tuy nhiên, điều đó đang có phần thay đổi. Nhiều thương hiệu đã nhận ra điều này.

Đầu năm nay, Debenhams – thương hiệu trung tâm thương mại ở Anh đã có khu dành riêng cho thời trang Hồi giáo. Tommy Hilfiger và Mango cũng vừa tung ra bộ sưu tập Ramadan cho khách hàng Trung Đông. Under Wraps - công ty người mẫu thời trang Hồi giáo đầu tiên tại Mỹ cũng được thành lập cách đây chưa lâu.

Hàng loạt thành phố trên thế giới, từ Basra cho đến Auckland đều đã có những chương trình biểu diễn thời trang Hồi giáo. Saudi Arabia - nhà nước bảo thủ nhất trong thế giới Hồi giáo theo đánh giá của The Economist, cũng đã bắt đầu cho phép phụ nữ được sử dụng thêm các mảng màu mới trên trang phục vốn chỉ màu đen trước đây. Nhờ thế, ngành thiết kế thời trang đã nở rộ.

Tất nhiên, có những bất đồng quan điểm về việc phát triển của ngành công nghiệp thời trang trong chính thế giới Hồi giáo. Vì thế, các nhà thiết kế và sản xuất hiện vẫn rất thận trọng để dung hòa giữa nhu cầu làm đẹp, làm mới bản thân của khách hàng và giới luật của đạo Hồi. 

>>Làn sóng di dân Hồi giáo: Tại sao là nước Đức?