Đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài - hướng đi phù hợp với Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 06:42, 03/05/2017
Đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài, hướng tiếp cận kinh tế tri thức mới phù hợp với Việt Nam.
TS. Hoàng Ngọc Giang - Giảng viên Đại học Tổng hợp Utrecht (Hà Lan), từng là tư vấn viên độc lập làm việc ở một số Quỹ đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thụy Sĩ, đã nhận định như vậy tại buổi tọa đàm “Trí thức trẻ Việt Nam tại Thụy Sĩ với đất nước” ở Geneva trong tháng 4 vừa qua.
Trước khi đi vào phân tích nhận định trên, TS. Hoàng Ngọc Giang đã chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam đang thực hiện các hướng tiếp cận truyền thống hướng nội, gồm thu hút đầu tư nước ngoài để nhận chuyển giao công nghệ, cử chuyên gia học tập ở nước ngoài, và mới đây là chủ trương phát triển thành quốc gia khởi nghiệp.
Tuy nhiên, ông Giang nhận định hướng tiếp cận này khó khả thi trong bối cảnh nền kinh tế tri thức là nền tảng tạo giá trị gia tăng cao nhất, do 4 trụ cột cơ bản của kinh tế tri thức (giáo dục đào tạo; hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo; hạ tầng cơ sở thông tin; môi trường kinh tế và thể chế xã hội) ở Việt Nam đều thiếu và yếu. Bởi vậy, ông cho rằng Việt Nam có thể chọn hướng tiếp cận mới là đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài với đặc trưng hướng ngoại, thay vì chờ đợi phát triển kinh tế tri thức trong nước.
Đầu tư mạo hiểm hướng đến các lĩnh vực tiên phong về công nghệ, là nguồn giá trị gia tăng lớn trong tương lai, đặc biệt, quy mô đầu tư trên mỗi dự án khởi nghiệp trong giai đoạn đầu thường thấp, phù hợp với năng lực tích lũy vốn của Việt Nam.
Tuy hình thức này đòi hỏi nguồn vốn dài hạn (5 - 10 năm), tính thanh khoản thấp (khó thoái vốn), và rủi ro mất vốn đặc biệt cao (trên 90% công ty khởi nghiệp thất bại), nhưng việc sớm tiếp cận kinh tế tri thức qua kênh đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài giúp gia tăng tích lũy, là tiền đề để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế tri thức trong nước và rút ngắn khoảng cách tụt hậu. Bên cạnh đó, nó còn mang lại các lợi ích chiến lược khó đo đếm về kỹ năng quản trị và năng lực cạnh tranh học hỏi được từ các nền kinh tế phát triển nhất.
>>Đầu tư ra nước ngoài: Xem cách làm của nhà đầu tư ngoại
Để tiếp cận đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài, TS. Giang cho rằng Việt Nam có thể đầu tư trực tiếp bằng cách thành lập các doanh nghiệp và cơ sở kinh tế ngay tại các nền kinh tế tri thức phát triển nhất dựa trên 3 nhóm giải pháp:
Một là cử các cá nhân xuất sắc ra nước ngoài học tập với định hướng tạo ra các phát minh, sáng chế và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu ngay tại các quốc gia tu nghiệp.
Hai là tuyển chọn, bồi dưỡng và hỗ trợ tài chính để các cá nhân khởi nghiệp xuất sắc của Việt Nam tham gia các chương trình khởi nghiệp ở nước ngoài.
Ba là tiếp cận, khuyến khích, tuyển chọn và đầu tư vốn cho lực lượng du học sinh và người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài có ý tưởng và khả năng để khởi nghiệp tại các nước sở tại.
Ngoài ra có thể đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bằng cách góp vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm hay công ty khởi nghiệp tại nước ngoài để sở hữu cổ phần và tham gia chia lợi nhuận tạo ra.
Để phát huy tối đa mối liên kết giữa đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài và dịch chuyển nền sản xuất trong nước, tiGiang cho rằng cần duy trì mối liên hệ kinh tế chặt chẽ giữa chiến lược phát triển nền sản xuất trong nước với lĩnh vực, phương thức đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài. Bên cạnh đó cần có cơ chế khuyến khích gắn kết các kết quả đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài với việc dịch chuyển nền sản xuất trong nước.
Từ đó, ông đề xuất một số hướng triển khai như nghiên cứu và soạn thảo đề án chi tiết về hướng đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài; chuẩn bị nguồn nhân lực, nguồn vốn để xây dựng mạng lưới, thiết lập cơ chế để tăng cường đối thoại và hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp có liên kết trong và ngoài nước...
Nguồn vốn đầu tư có thể đến từ Quỹ đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, Quỹ bảo hiểm xã hội, các Quỹ phúc lợi tư nhân và một phần nguồn vốn xã hội hóa. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế thông tin, cung cấp kiến thức và từng bước thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến lĩnh vực đầu tư này.
Kế đến, thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam hoạt động ở nước ngoài song song với việc lựa chọn một vài lĩnh vực ưu tiên trọng điểm như công nghệ nông nghiệp, công nghệ chế biến, tìm kiếm và sàng lọc các công ty khởi nghiệp liên quan, tiếp cận đề nghị đầu tư vốn; từng bước đánh giá và tổng kết kinh nghiệm.