10 cách hữu hiệu giúp nhà khởi nghiệp tìm mentor
Start up - Ngày đăng : 09:55, 03/05/2017
Kinh doanh, với hầu hết mọi người, chưa bao giờ là con đường bằng phẳng. Với những nhà khởi nghiệp, đoạn đường đầu tiên này lại càng gập ghềnh.
Dù trong “ba lô hành trang” đã chứa cả kho kiến thức, những nhà khởi nghiệp vẫn thiếu một thứ vô cùng quan trọng, đó là kinh nghiệm. Nếu không chọn cách tích lũy kinh nghiệm bằng những sai lầm - đôi khi là ngớ ngẩn, nhưng có lúc phải trả giá đắt, giải pháp tối ưu là tìm nhà tư vấn (mentor).
Nhà tư vấn khởi nghiệp vừa có con mắt của người đã từng trải nghiệm, lại có sự khách quan của người ngoài cuộc. Họ có thể giúp đưa ra những định hướng, giới thiệu cơ hội, và hỗ trợ cho người khởi nghiệp thành công. Hơn thế nữa, họ còn lắng nghe những băn khoăn của người khởi nghiệp, cho lời khuyên từ những kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của họ.
Vậy làm thế nào để tìm được mentor có đầy đủ những yếu tố trên? Dưới đây là những điều các nhà khởi nghiệp có thể tham khảo:
1. Phác hoạ chân dung mentor
Những tính cách và sở trường của mentor bạn yêu thích và muốn học hỏi là gì? Nếu đã biết về người đó rồi thì hãy liệt kê những điểm mà họ làm bạn "rụng tim".
Việc phác hoạ chân dung cũng giống như việc xác định đúng phân khúc khách hàng - cực kỳ quan trọng.
2. Xác định giá trị bản thân của chính mình
Mentor cần có dữ kiện để đưa ra lời tư vấn phù hợp cho bạn. Họ cũng cần phải nhìn thấy tiềm năng trong bạn nữa. Do đó, bạn cần phải biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để chia sẻ trung thực với họ.
3. Xác định nơi có thể tìm được mentor
Bạn cần biết nơi mà mentor thường xuất hiện (nếu trên mạng thì ở nhóm nào, ở ngoài đời thì trong cộng đồng nào), rồi tìm cách tham gia vào các tổ chức đó, cố gắng thể hiện bản thân theo hướng tích cực để mentor có thể nhớ được bạn nếu có cơ hội gặp gỡ trực tiếp.
4. Theo dõi trang Facebook cá nhân của mentor
Việc theo dõi hoạt động trên mạng xã hội của mentor giúp bạn luôn nắm được các thông tin mà mentor chia sẻ. Việc cài chế độ "bạn thân" hoặc "xem trước" với mentor sẽ giúp bạn luôn có thông báo khi anh/chị ấy chia sẻ bất kỳ thông tin gì. Bạn sẽ có cơ hội được comment đầu tiên, like đầu tiên nhằm tạo thiện cảm với mentor.
5. Tương tác nhiều nhất có thể
Hãy mạnh dạn bước đến chào hỏi và thổ lộ sự mến mộ thật sự với mentor khi có cơ hội. Tuy nhiên, hãy làm điều đó thật ý tứ, và đừng xuất hiện khi họ chưa sẵn sàng.
6. Xin lời khuyên
Tất cả những lúc có thể, nhưng đừng dồn dập quá, hãy xin mentor lời khuyên về những vấn đề thuộc sở trường của họ. Mưa dầm thấm lâu, sẽ có ngày mentor nhận ra bạn thực sự yêu quý họ và sẽ đáp trả bằng cách giúp bạn những vấn đề nằm trong tầm tay.
7. Ủng hộ mentor nhiệt tình
Hãy thể hiện sự trung thành của mình bằng những hành động thiết thực, và chân thành. Nên nhớ, “một sự bất tín, vạn sự không tin”. Một lần mất lòng tin thì bao nhiêu công sức của bạn sẽ đổ sông cả.
8. Luôn chân thật
Hãy luôn chân thật, với Mentor và với chính mình. Không ai thích việc bạn vừa mới nói họ là số một sau đó lại nghe bạn nói người khác là duy nhất! Và hãy nhớ câu: "Nhân vô thập toàn", nên đừng bao giờ so sánh mentor của mình với bất kỳ ai khác.
9. Bày tỏ quan điểm cá nhân
Để trở thành người được tín nhiệm, các mentor sẽ không thích kẻ xu nịnh hay người không có chính kiến. Yêu quý, kính trọng là một chuyện, nhưng bạn cần có quan điểm riêng và phải biết phản biện, góp ý xây dựng. Mentor muốn có một người để chia sẻ và truyền dạy hơn là một người chỉ biết lắng nghe một chiều và “sao y bản chính”.
10. Tự tin
Những mentor càng được tín nhiệm thì càng thương yêu những người chưa thành công. Trước khi trở thành người được tín nhiệm, mentor cũng từng được người khác tư vấn và đỡ đầu, nên họ sẵn sàng sẽ truyền lại kinh nghiệm và kiến thức cho hậu nhân.
Mentor là một “món quà” của cuộc sống. Giá trị và ý nghĩa của món quà này tùy thuộc vào thái độ đón nhận và cách “sử dụng” của chính bạn.
(Nội dung này đã được đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp, do Doanh Nhân Sài Gòn Online biên tập)