Nhật Bản qua góc nhìn của những chiếc máy bán hàng tự động
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 05/05/2017
Tại Nhật Bản, những chiếc máy bán hàng tự động (Vending Machine) đã quá thân thuộc với rất nhiều người. Chúng nằm ở mọi ngóc ngách, từ lề đường cho đến các ga tàu điện ngầm.
Tính bình quân, mỗi 25 người Nhật thì có 1 chiếc máy bán hàng tự động với đủ mọi sản phẩm, từ khoai tây đến ô đi mưa, từ bao cao su cho đến cà phê nóng.
Tất nhiên, lợi nhuận của ngành bán hàng tự động này cũng không hề nhỏ, đạt 42 tỷ USD trong năm 2015.
Trên toàn Nhật Bản, số máy bán hàng tự động đạt gần 5 triệu chiếc và đây là quốc gia có mật độ máy bán hàng tự động nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, ngoài những con số về doanh thu và lợi nhuận, những chiếc máy bán hàng này còn nói lên nhiều điều về nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
1. Chi phí lao động
Tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp và hạn chế người nhập cư khiến chi phí nhân công tại Nhật cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, nhờ những chiếc máy bán hàng tự động này mà các hãng phân phối tiết kiệm được đáng kể chi phí lao động.
Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II, chi phí nhân công tại Nhật tăng chóng mặt do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động cũng như sự bùng nổ của nền kinh tế. Dẫu vậy, sự ra đời của máy bán hàng tự động đã khiến các hãng sản xuất, phân phối tìm ra được hướng đi mới.
Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản bán đủ mọi loại hàng hóa, từ ô đi mưa đến mì gói qua máy bán hàng tự động. Chính chi phí lao động là yếu tố chính cho loại văn hóa đặc biệt này.
2. Mật độ tập trung dân số cao và giá bất động sản đắt đỏ
Nhật Bản có dân số tới hơn 127 triệu người nhưng quốc gia chỉ rộng tương đương bang California của Mỹ. Tồi tệ hơn, khoảng 75-80% lãnh thổ nước này là đồi núi khiến mật độ dân số ở đây thuộc hàng đông nhất thế giới. Hiện khoảng 93% dân số Nhật đang sống trong các thành phố.
Số liệu của Liên hiệp quốc (UN) năm 2005 cho thấy mỗi km2 tại Nhật có 336 người sinh sống, xếp thứ 37 thế giới về mật độ dân số và cao hơn cả Ấn Độ.
Tất nhiên, việc tập trung quá nhiều dân cư khiến giá nhà đất tại đây vô cùng đắt đỏ, đẩy người dân vào những khu chung cư tấp nập chật ních người ở. Dù giá nhà đã từng giảm vào thập niên 1990 do khủng hoảng kinh tế nhưng lại đang tăng trở lại thời gian gần đây. Hậu quả là chi phí thuê địa điểm bán hàng sẽ vô cùng tốn kém.
Bởi vậy, các công ty bán lẻ quyết định sử dụng máy bán hàng tự động hơn là tốn tiền thuê mặt bằng.
3. Tỷ lệ tội phạm thấp
Báo cáo năm 2010 của Liên hiệp quốc (UN) cho thấy Nhật Bản có tỷ lệ cướp giật thấp nhất thế giới. Theo hiệp hội du lịch quốc gia Nhật (JNTO), hàng chục nghìn Yên đựng trong những chiếc máy bán hàng tự động xếp trong các ngõ tối nhưng hầu như không có vụ mất cắp hay phá hoại nào tại đây.
Ngoài việc có các máy quay an ninh nối với đồn cảnh sát thì chính văn hóa tự tôn của người Nhật cũng góp phần bảo vệ các tài sản máy bán hàng tự động này. Điều này trái ngược với các quốc gia phát triển Phương Tây khác và làm nên một ngành bán hàng tự động màu mỡ tại Nhật.
Năm 2013, tỷ lệ phạm tội tại Nhật giảm năm thứ 11 liên tiếp trong khi số vụ giết người ở mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến II. Đến năm 2014, tỷ lệ tội phạm của Nhật gần như thấp nhất thế giới trong khi tỷ lệ dùng ma túy thuộc hàng thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
4. Tiền mặt vẫn là vua
Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng lượng sử dụng tiền mặt trong xã hội Nhật rất cao. Trong khi các nền kinh tế như Mỹ sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng rất nhiều cho thanh toán thì tại Nhật thậm chí người ta còn không thể quẹt thẻ để mua vé tàu điện ngầm.
Tính đến cuối tháng 10/2016, hơn 101 nghìn tỷ Yên (966 tỷ USD) đã được lưu thông trên thị trường Nhật. Trong khi đó số liệu năm 2014 cho thấy hơn 80% số giao dịch ở Nhật được dùng bằng tiền mặt.
Những cuộc khủng hoảng trong quá khứ khiến người Nhật rất lo sợ khi để tiền trong ngân hàng. Thêm vào đó, mức lãi suất thấp kỷ lục khiến người dân thích tích trữ tiền trong nhà hơn là để ở ngân hàng.
Đây là một trong những lý do khiến tiền xu ở Nhật rất phổ biến, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các máy bán hàng tự động tạo doanh thu.
5. Niềm đam mê với tự động hóa
Theo tờ Japan Times, người Nhật Bản có niềm đam mê lạ kỳ với tự động hóa và robot. Hầu như không có quốc gia nào trên thế giới có nhiều hệ thống tự động hóa cũng như có người dân tin tưởng cao vào hệ thống này như ở Nhật Bản.
Hiện Nhật Bản đã là cường quốc về tự động hóa và ngay từ năm 2015, chính quyền Tokyo đã thiết lập kế hoạch 5 năm nhằm mở rộng thị trường robot từ 600 tỷ Yên lên 2,4 nghìn tỷ Yên năm 2020. Chính phủ Nhật cũng ước tính robot sẽ giúp giảm 25% chi phí lao động cho nước này vào năm 2025.
Trong nhiều thập niên, Nhật Bản đã đi tiên phong trong mảng tự động hóa sản xuất xe hơi. Ngày nay, khi Trung Quốc và Hàn Quốc bắt đầu tự động hóa ngành ô tô của họ thì Nhật Bản đã chuyển qua mảng robot dịch vụ, tập trung vào các ngành y tế, chăm sóc sức khỏe... Chính quyền Tokyo thậm chí đã đặt kế hoạch mở rộng thị trường tự động hóa ngành dịch vụ lên 1,2 nghìn tỷ Yên vào năm 2020.
Với những kế hoạch như trên, không có gì là lạ khi Nhật Bản ưa chuộng những chiếc máy bán hàng tự động hơn các cửa hàng bán lẻ truyền thống hay thương mại điện tử. Đối với họ, máy bán hàng tự động không chỉ là một cuộc cách mạng mà còn là văn hóa đặc trưng của xứ sở này.
(Theo Thời Đại - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)