Những rủi ro khi đa dạng hóa ngành hàng
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:58, 14/05/2017
Để chiến lược đa dạng hóa ngành nghề hay "phát triển hàng ngang" thành công, bên cạnh các nguồn lực cần thiết, doanh nghiệp cần lưu ý 2 yếu tố lõi quan trọng: thấu hiểu thị trường - khách hàng mục tiêu và rành rẽ về sản phẩm, sản xuất.
Đọc E-paper
Để tránh rủi ro và rút ngắn thời gian, chi phí đầu tư khi chuyển sang một "lối rẽ mới", xu hướng các doanh nghiệp đang chọn hiện nay là M&A, nghĩa là mua năng lực cốt lõi của các doanh nghiệp khác trong ngành nghề tương ứng. Tuy nhiên, thực tế thành công của mỗi doanh nghiệp lại phụ thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể mà họ chọn.
Đơn cử, với Công ty Thế giới số và Thế giới Di dộng, mặc dù cả 2 đều có thương hiệu tốt, công nghệ tốt để hỗ trợ quản lý hay marketing, phân phối nhưng khi chuyển sang phân phối dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng thì DN cần cân nhắc kỹ cấu trúc thương hiệu tương ứng với chiến lược đa dạng hóa ở trên kèm theo chiến lược đa thương hiệu với vai trò và vị trí thương hiệu mẹ, nhánh rõ ràng và phù hợp tương ứng với các đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) khác nhau.
Rõ ràng, nói đến Thế giới Di động hay Thế giới số với tư cách là các chuyên gia công nghệ sẽ không có nhiều giá trị đối với cảm nhận và liên tưởng của khách hàng, hệ thống phân phối khi mở rộng kinh doanh sang dược phẩm hay thực phẩm chức năng. 2 thương hiệu này có thể có tác dụng bảo trợ uy tín từ xa trong khi chuỗi cửa hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng tương lai cần có thương hiệu riêng.
Riêng câu chuyện Vinasun bán bưởi thì đó là một cách gia tăng giá trị cho khách hàng chứ chưa phải là một chiến lược "lối rẽ mới" bài bản.
>>Đa dạng hóa: Kiểu gì cũng tốt?
Cũng cần nói thêm, ở Việt Nam, chiến lược đa dạng hóa ngành hàng có một đặc thù riêng không giống như các nước khác vì Việt Nam có "luật chơi" riêng, thậm chí có những doanh nghiệp kinh doanh dựa vào những quan hệ, đặc quyền nào đó.
Trong khi đó, mảng phân phối dược phẩm đòi hỏi chuyên môn rất sâu về chuyên ngành. Nếu không hiểu sản phẩm, xác suất rủi ro trong kinh doanh rất cao. Chưa kể, trong kinh doanh dược phẩm, kênh bán lẻ vốn là khâu khó nhất, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang lỗ vì kênh phân phối bán lẻ này.
Riêng mảng thực phẩm chức năng với phân khúc thu nhập khá trở lên có thể hứa hẹn lợi nhuận cao hơn so với mảng dược phẩm. Hiện chỉ có khoảng 10 - 20% người dùng thực phẩm chức năng khi có nhu cầu, trong khi thực phẩm chức năng có đến 80 - 90% dân số có thể sử dụng.
Tuy nhiên, khác với các nước, người dân sử dụng thực phẩm chức năng và vitamin hằng ngày thì tại Việt Nam, thị trường này chỉ mới manh nha, người Việt Nam chỉ sử dụng hạn chế ở một vài sản phẩm nên để mở rộng chuỗi phân phối là một thách thức, thậm chí phải chấp nhận lỗ ít nhất 3 - 5 năm mới phát triển được.
Thời điểm này, doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực này có thể sẽ phải trực tiếp cạnh tranh với các chuỗi thực phẩm chức năng ở nước ngoài vào Việt Nam. Vì vậy, bài toán lợi nhuận khả quan hơn chỉ có thể là mở chuỗi để thu hút đầu tư rồi bán chuỗi qua đầu tư tài chính, còn mở chuỗi để bán thuốc là rất khó.