Bí mật của hạnh phúc: Sở hữu nhiều tài sản hơn chưa chắc đã tốt hơn

Du lịch - Ngày đăng : 03:38, 18/05/2017

Nếu như con người thường xuyên bị ràng buộc với vật chất, tại sao việc giũ bỏ chúng lại khiến ta cảm thấy hạnh phúc hơn?
Bí mật của hạnh phúc: Sở hữu nhiều tài sản hơn chưa chắc đã tốt hơn

Cảm giác sở hữu, chứ không phải bản thân việc sở hữu, mới là thứ gắn liền với hạnh phúc.

Trong nhiều năm qua, quan niệm con đường đi đến hạnh phúc thông qua lối sống mộc mạc, giải thoát con người khỏi lệ thuộc vật chất đã trở thành "cơn sốt" của hàng triệu người trên thế giới. 

Các phong trào như “Minimalism” (Sống đơn sơ), “Tiny House” (Nhà nhỏ giản dị) của Mỹ hay “Danshari” từ Nhật Bản (Dan - Từ chối, Sha - Vứt bỏ và Ri - Tránh xa) dần len lỏi vào nhịp sống của một bộ phận không nhỏ tầng lớp phố thị. Vậy, có thật bí mật của hạnh phúc nằm ở chỗ “ít hơn" chứ chẳng phải “nhiều hơn" hay không?

Thoạt tiên, điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn. Bất cứ ai từng thu vén đồ dùng trong phòng hay dọn dẹp tủ quần áo đều có thể thấy điều đó. Trên thực tế, phần lớn chúng ta đều cảm thấy khó khăn khi phải nói lời chia tay với những đồ vật đã từng thuộc về mình, thậm chí khi chúng chẳng còn hữu dụng.

Trên phương diện tâm lý, nếu như "ít hơn" đồng nghĩa với "hạnh phúc hơn" thì tại sao việc rũ bỏ những đồ vật không còn cần thiết lại khó khăn đến vậy? Đồng thời, tại sao chúng ta lại mong muốn bấu víu vào những thứ như thế ngay từ ban đầu?

TS. Sarah Newcomb - chuyên gia kinh tế học hành vi tại Viện khoa học Morning Star - đã đưa ra câu trả lời chi tiết và súc tích cho các câu hỏi trên thông qua báo cáo mới của mình.

“Ý thức về bản thân của mỗi người nằm trong những thứ mà họ kiểm soát”, bà nói. Sợi dây liên kết giữa đồ vật và chủ nhân có thể cực kỳ bền chắc, đặc biệt khi có sự can thiệp của kỉ niệm. Chiếc ghế bỏ đi của bà ngoại, món quà cưới từ người cô hay con búp bê thuở nhỏ... Tất cả mọi thứ ta sở hữu đều gắn liền với ký ức. Vứt bỏ những kỷ vật đầy hoài niệm này tựa như cắt đứt từng khúc ruột, vì chúng luôn song hành với những khoảnh khắc về người thân mà ta yêu mến.

Link bài viết

Cảm xúc lưu luyến này không chỉ có ở “của gia bảo” hay kỷ vật, TS. Newcomb còn cho biết: “Tâm lý chiếm hữu có trong cả những vật ta chỉ vừa mới chạm vào”.

Bạn có thể trở nên "cáu kỉnh" bất thường khi người phục vụ nhà hàng đột nhiên lấy mất ly nước trên bàn vì trong mắt bạn, ly nước đó là vật sở hữu của mình. Tương tự, bạn có coi nội thất phòng làm việc như bàn hay ghế là của riêng mình không?

TS. Newcomb cho hay điều này cũng giúp giải thích cho hiện tượng "nghiện mua sắm" và "liệu pháp bán lẻ" mà các chuyên gia sales thường xuyên sử dụng. Bà nói rằng việc sở hữu một món đồ mới sẽ nâng cao ý thức về bản thân cũng như đẩy mạnh cái tôi của mỗi người trong khoảnh khắc, đặc biệt khi con người cảm thấy mệt mỏi và suy kiệt tinh thần.

Vậy, nếu như con người thường xuyên bị ràng buộc với vật chất, tại sao việc giũ bỏ chúng lại khiến ta cảm thấy hạnh phúc hơn?

Để tìm ra câu trả lời, vị nữ tiến sĩ đã khảo sát hàng loạt người dân Mỹ với mức độ giàu có khác nhau và xem họ cảm giác bản thân đang “kiểm soát” tình trạng chi tiêu của mình được bao nhiêu cũng như những cảm xúc tiêu cực và tích cực phát sinh từ nó. Báo cáo tập trung vào "cảm giác sở hữu" tài sản của đối tượng nghiên cứu chứ không phải "sự sở hữu" trên thực tế.

Bà kết luận: “Cảm giác sở hữu, chứ không phải bản thân việc sở hữu, mới là thứ gắn liền với hạnh phúc”. Kết quả nghiên cứu của vị tiến sĩ kinh tế học hành vi này đã chỉ ra một điều khá thú vị: Khi sở hữu ít vật dụng, chúng ta sẽ cảm thấy hoàn toàn kiểm soát được chúng, nhờ đó gia tăng "cảm giác sung sướng và quyền lực" của bản thân. "Quyền lực" này có liên hệ trực tiếp đến niềm vui, sự yên bình, mãn nguyện cũng như lòng tự hào ở mỗi cá nhân.

Lượng tài sản không phải là yếu tố làm nên hạnh phúc. Những đối tượng có thu nhập cao được nghiên cứu lại thường không phải là những người hạnh phúc nhất. Theo báo cáo, những người không tìm thấy “cảm giác vui sướng và quyền lực” trên tài sản của mình thường phải kiếm tiền gấp đôi mới cảm thấy hạnh phúc và thoả mãn.

Trên thực tế, những cá nhân với thu nhập cao hơn thường xuyên cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi vì một lý do hết sức đơn giản: tài sản nhiều, nhu cầu tiêu dùng gia tăng đòi hỏi chi phí duy trì cũng cao.

Cuối cùng, vị nữ tiến sĩ này kết luận: Xác định cái gì thực sự quan trọng và cần thiết đối với bạn sẽ góp phần giải phóng những vướng bận trong cả suy nghĩ lẫn tinh thần, từ đó đem lại cảm giác hạnh phúc. Sở hữu ít nhưng toàn quyền quyết định mang lại cảm giác vui thích hơn cố gắng kiếm thật nhiều nhưng bị bó buộc bởi chúng.

Khuynh hướng của chúng ta là khao khát có thật nhiều và kiểm soát tất thảy cùng lúc mà quên mất sự hữu hạn trong nguồn lực bản thân. Quả thật, có quá nhiều yếu tố “ngoài tầm với" của chúng ta: sự biến chuyển của thị trường, lãi suất đầu tư, kế hoạch thuê mướn của sếp hay thậm chí cả nền kinh tế nói chung. Điều duy nhất chúng ta có thể "kiểm soát" được chỉ là lối sống của bản thân.

Dưới đây là 3 câu hỏi đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả trong việc tiết lộ mối liên hệ giữa tình hình tài chính và hạnh phúc của bạn:

Link bài viết

1. Trong 6 tháng qua, bạn có thường xuyên cảm thấy vui vẻ, yên bình, thoả mãn và tự hào mỗi khi nhắc đến tình hình chi tiêu của mình?

2. Trong 6 tháng qua, bạn có thường xuyên cảm thấy buồn phiền, tức tối, căng thẳng và vô vọng mỗi khi nhắc đến tình hình chi tiêu của mình?

3. Hãy chọn câu nói diễn tả rõ nhất tình trạng của bạn:

- Tôi tự viết nên vận mạng tài chính của mình.

- Tôi hiếm khi kiểm soát được tình trạng chi tiêu của mình.

Với 2 câu hỏi đầu, hãy tính điểm từ 1 đến 5 cho tần suất cảm giác của bạn, trong đó 1 điểm tương đương với “hoàn toàn không" và 5 điểm tương ứng "luôn luôn". Sau đó, hãy lấy số điểm của câu hỏi thứ nhất trừ đi số điểm từ câu số hai. Con số cuối cùng là số âm hay số dương?

Hãy so sánh nó với tình hình thu nhập của bạn. Nếu bạn kiếm được thật nhiều nhưng lại không hạnh phúc mấy thì quả thật, chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề tài chính của bản thân. Nghiên cứu của TS. Newcomb đã chỉ ra những cá nhân cảm giác hoàn toàn kiểm soát được chi tiêu trong cuộc sống thường có khuynh hướng hạnh phúc hơn và đồng thời có thói quen tiết kiệm tốt hơn.

Bà nói: “Một trong những lợi ích của việc từ bỏ chính là hạ thấp chi phí tu bổ. Có càng nhiều thứ thì chi phí bảo dưỡng và duy trì càng cao”. Bên cạnh đó, thói quen mua sắm quá độ, dù có thể khiến bạn cảm thấy khá hơn trong chốc lát, thực tế chỉ làm mọi thứ tệ hơn. Cảm giác sung sướng khi sở hữu nhiều thứ trong tay sẽ nhanh chóng tan biến và khiến bạn trở thành nô lệ của nó chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Vị nữ tiến sĩ nhấn mạnh rằng, chi phí mua sắm là thật và còn mãi, trong khi cảm giác vui thích chỉ diễn ra trong chốc lát mà thôi.

LÊ DUY