Chủ tịch Công ty Lữ hành HG: Phải hiểu xu hướng du lịch của thế giới
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:28, 20/05/2017
Nhiều năm liền được Tổng cục Du lịch vinh danh là một trong 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam nhưng khi được hỏi về điều này, ông Ngô Minh Đức - người sáng lập Công ty CP Lữ hành HG (sau đây gọi tắt là HG) chia sẻ: "Vẫn còn quá sớm để nói về mình".
Đọc E-paper
* Ông bắt đầu làm việc trong ngành du lịch từ khi nào?
- Tôi làm nghề đúng với ngành đã học. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi vào làm việc tại bộ phận phát triển thị trường của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Hàng không không chỉ vận chuyển mà còn có những công việc khác liên quan, trong đó có du lịch. Làm việc tại Vietnam Airlines, có nhiều cơ hội đi đây đi đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu xu hướng du lịch của thế giới, từ đó định hình mục tiêu công việc sau này.
* Sau 20 năm thành lập, HG đã trở thành một trong những công ty lữ hành nhiều lần được xướng tên một trong 10 doanh nghiệp du lịch thành công với doanh thu vài chục triệu USD mỗi năm. Cá nhân ông cũng được biết đến như là một trong những người đầu tiên đưa du lịch Việt Nam ra thế giới qua các tour do chính ông thiết kế, như Việt Nam điểm đến thiên niên kỷ, Du lịch qua màn ảnh nhỏ. Như vậy là không quá sớm để nói về sự nghiệp...
- Hai mươi năm không ngừng phát triển nên có thể khẳng định HG đã có vị trí nhất định trên thị trường, nhưng vẫn là quá sớm để nói đến mục tiêu xây dựng một công ty du lịch của người Việt có khả năng cạnh tranh với những công ty du lịch lớn nhất của các nước. Trong thời đại công nghệ số, người ta hầu như chỉ còn nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thường gọi là 4.0.
Ở góc độ nào đó thì ngành du lịch là ngành chịu ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 sớm nhất. Khách hàng, nhất là những người trẻ với thói quen sử dụng smartphone để kết nối ngày càng tăng, nên một phần tư công việc kinh doanh du lịch đang diễn ra trên online. Nhiều doanh nghiệp, đại lý du lịch đã và đang ưu tiên kinh doanh online để gia tăng doanh thu. OTA (Online Travel Agency - đại lý du lịch trực tuyến thanh toán giao dịch thông qua online) vì thế trở thành xu thế tất yếu.
Chúng tôi cũng không đứng ngoài xu thế đó. Năm ngoái trang web du lịch Gotadi của HG đã được xây dựng, là trang web OTA đầu tiên của Việt Nam, giúp khách hàng chọn giá đúng thông qua kết nối trực tuyến với ba hãng hàng không nội địa. Hiện nay khi mua vé máy bay offline, trên 90% khách hàng đã mua sai giá. Chúng tôi đang hoàn thiện tour online nước ngoài để sớm đưa vào phục vụ trong năm nay.
* Ông đã trang bị những gì để Gotadi có thể cạnh tranh với các đối thủ như Booking, Agoda...?
- Mô hình OTA đã rất phát triển trên thế giới với những tên tuổi lớn như Agoda.com, Expedia.com, Booking.com... Các trang booking này hơn chúng ta rất nhiều mặt, hơn về công nghệ, về kinh nghiệm, về tài chính, về việc không phải đóng thuế. Chính vì thế mà chúng tôi quyết tâm tổ chức kinh doanh online, nếu không thì thua ngay trên sân nhà.
Hiện HG có 850 nhân viên, trong đó có gần 20 nhân viên là người nước ngoài. Phần mềm chúng tôi đang sử dụng là của Ấn Độ nhưng trong tương lai Gotadi sẽ được viết bởi chính người Việt, sẽ do một nhóm kỹ sư công nghệ người Việt viết và vận hành. Công nghệ đúng là "cuộc chơi lâu dài" và tốn kém, ngay cả những trang web như tiki, sendo cũng đang phải chịu lỗ, Gotadi cũng vậy, nhưng nếu nhìn lâu dài thì đây là danh mục đầu tư tiềm năng.
* Mục tiêu ngắn hạn của ông đối với Gotadi cũng như HG là gì?
- Chúng tôi đặt mục tiêu năm 2017 tăng doanh thu từ 15 đến 20%. Vừa qua, trung bình mỗi năm HG đón 60.000 lượt khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.
* Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW trong đó chỉ rõ mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Theo ông, thách thức nào mà ngành du lịch nói chung và những công ty du lịch nói riêng phải vượt qua để có thể hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết 08 đề ra?
- Ngành du lịch vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, như môi trường du lịch hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, thủ tục visa, nhập cảnh, hải quan, sân bay, điểm đến tham quan, giao thông, an toàn thực phẩm, an toàn đường phố, nguồn nhân lực... Bên cạnh việc thay đổi chính sách như cung cấp dịch vụ visa qua mạng, trả lời khách nước ngoài về visa trong vài ba ngày, cần đầu tư quảng bá du lịch ra thế giới phù hợp với mục tiêu đã đề ra.
* Là thành viên của Hội đồng Tư vấn du lịch, ông đề xuất gì với Tổng cục Du lịch để góp phần cải thiện môi trường du lịch?
- Thứ nhất, tôi nhận thấy chưa có sự phân biệt rạch ròi khái niệm doanh nghiệp lữ hành inbound và outbound. Quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới, thu hút khách du lịch nước ngoài đến với Việt Nam thì những công ty lữ hành chuyên tổ chức tour inbound là có đóng góp nhiều hơn cả. Cần có chính sách thuế ưu đãi để khuyến khích phát triển những doanh nghiệp này. Không biết các doanh nghiệp khác như thế nào nhưng HG mỗi năm đầu tư khoảng 1 triệu USD cho quảng bá du lịch Việt Nam để thu hút khách nước ngoài.
Thứ hai, trong xu thế OTA, những trang web nước ngoài như Agoda, Booking, Expedia thu lợi nhiều tỷ đồng tại Việt Nam nhưng lại không phải đóng bất cứ khoản thuế nào. Lợi thế này giúp doanh nghiệp OTA nước ngoài tại Việt Nam có thể đầu tư vào quảng cáo, xây dựng thương hiệu, khả năng thành công trong đàm phán khi đưa ra chiết khấu cao với đối tác. Đó chính là bất lợi, tác động xấu đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lữ hành Việt Nam.
Chính phủ cần xây dựng hàng rào kỹ thuật, qua đó khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát huy lợi thế sân nhà, tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới. Một số quốc gia trong khu vực làm rất tốt điều này. Ví dụ trong 5 công ty OTA hàng đầu tại Hàn Quốc phải là công ty của người Hàn Quốc, công ty OTA hàng đầu tại Trung Quốc phải là công ty của người Trung Quốc.
* Ông có thể chia sẻ nguyên nhân nào khiến HG được chọn làm đại diện của American Airlines - hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ, hay các hãng hàng không uy tín của châu Âu như Turkish Airlines và Hãng Hàng không Cambodia Angkor Air? Lợi thế của việc trở thành đại điện của họ tại Việt Nam?
- Tôi nghĩ có hai lý do. Thứ nhất mình là người có nghề. Thứ hai đó là sự nghiêm túc. Sự nghiêm túc thể hiện trong việc thực thi những cam kết. Đối tác làm ăn rất cần có sự nghiêm túc bởi nếu thiếu sự nghiêm túc thì không thể đi đường dài cùng nhau. Một lợi thế khác của HG, đó là đi nhiều nên biết được xu thế du lịch của thế giới, từ đó có những thay đổi kịp thời để thích ứng với những thay đổi ấy.
Ví dụ khi làm đại diện cho hãng hàng không lớn nhất của Mỹ, và vì là hãng hàng không lớn nhất thế giới nên nó đại diện cho xu thế đi lại của thế giới, nhờ đó mình cũng biết được xu thế đi lại của thế giới. Hãng hàng không lớn thường sở hữu những công nghệ hàng đầu, nhờ làm việc cùng nên có thể học hỏi để áp dụng vào quản trị cũng như công nghệ của công ty mình.
* Có ý kiến cho rằng ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội.Ông nghĩ thế nào về điều này?
- Cần phải nhìn nhận thế nào là tiềm năng, thế mạnh. Có một nguyên tắc của người du lịch là lựa chọn điểm mới. Năm nay họ đến điểm này thì năm sau sẽ tìm điểm khác. Chẳng hạn khách du lịch người da trắng thường có kế hoạch du lịch theo chuyên đề. Năm nay họ đi thăm bảy kỳ quan của thế giới rồi thì năm sau họ sẽ đi châu Phi, năm sau nữa đi châu Âu, rồi châu Á...
Danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá phi vật thể, ẩm thực của Việt Nam rất phong phú. Chúng ta lại có những điểm đến được thế giới xếp hạng "sao" như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc..., vậy nhưng Thái Lan, Malaysia, Singapore năm 2016 mỗi nước thu hút 20 triệu khách du lịch thì Việt Nam chỉ có 10 triệu. Điều này cho thấy việc quảng bá du lịch chưa tốt. Hiện nay mỗi năm Việt Nam đầu tư khoảng 2 triệu USD để giới thiệu du lịch ra nước ngoài trong khi Hồng Kông, Singapore, Thái Lan là 50 - 80 triệu USD.
Chưa kể lượng khách nước ngoài quay trở lại lần hai là rất ít. Đây cũng là một điểm quan trọng trong kế hoạch phát triển lượng khách mỗi năm. Nếu tạo được ấn tượng tốt thì sẽ có nhiều du khách quay trở lại, và như vậy sẽ giảm chi phí quảng bá du lịch, đồng thời giảm áp lực tìm kiếm khách hàng mới. Nói thế để thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để có thể đạt mục tiêu ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
* Nguồn nhân lực ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu cũng là một trong những vấn đề được nói đến nhiều năm qua. Theo ông,phẩm chất nào là quan trọng nhất mà một nhân viên cần có để thành công với ngành du lịch?
- Là chăm chỉ. Không chỉ ngành du lịch mà bất cứ ai muốn thành công ở bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào thì cũng cần phải chăm chỉ. Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng người Việt Nam ta chăm chỉ. Nếu người Việt Nam chăm chỉ, đất nước đã giàu có rồi.
* Ông có phải là một người chăm chỉ?
- Tôi làm một người chăm chỉ. Khi ở Vietnam Airlines, tôi làm việc từ 10 đến 13 tiếng đồng hồ mỗi ngày là bình thường. Với nhân viên của HG cũng vậy, tôi rất mong là họ sẽ luôn làm việc chăm chỉ với mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và cái tâm trong sáng. Nếu làm được như vậy, không có lý do gì để không thành công! Như bạn biết, ai cũng có thể lấy lại những gì mình mất, nếu quyết tâm, trừ thời gian. Thời gian càng quý giá đối với tuổi trẻ.
* Cá nhân nào, cuốn sách hay bộ phim nào được cho là có ảnh hưởng lớn nhất đối với ông?
- Về cá nhân ảnh hưởng thì tôi nghĩ là không. Tôi không xem phim mà chỉ đọc sách kinh doanh. Có hai cuốn sách rất hữu dụng đối với tôi là 7 thói quen của người thành đạt và Từ tốt đến vĩ đại. Theo tôi các bạn trẻ cũng nên đọc cuốn 7 thói quen của người thành đạt. Các bậc cha mẹ cũng nên đọc cuốn sách này để có thể áp dụng vào việc dạy con. Ở góc độ một người quản lý, tôi rất thích thói quen thứ 6 được viết trong cuốn sách: Sự hợp tác cộng sinh. Theo đó hợp tác trong công việc sẽ tạo ra nguồn sức mạnh giúp tập thể sớm đạt mục tiêu.
Cũng giống với chuyện về một đoàn quân bước đều qua một cây cầu, tần số nhịp bước trùng với tần số dao động của cây cầu đã tạo ra sức mạnh cộng hưởng làm sập cả cây cầu. Trong một doanh nghiệp, một tổ chức, nếu ai cũng có chung suy nghĩ cái tôi nhỏ hơn cái chung, ai cũng có tinh thần hợp tác và cùng tần số với mục tiêu chung thì sẽ tạo ra sức mạnh to lớn.
Quan điểm về quản trị và sự thành công trong tác phẩm Từ tốt đến vĩ đại tác động sâu sắc đến tôi. Nó là lý do tôi đưa ra câu trả lời khi bạn hỏi tôi rằng, vì sao bây giờ nói về mình vẫn còn là quá sớm. Như cuốn sách đã nêu, nguyên nhân không có nhiều cá nhân tạo ra được những điều vĩ đại vì ai cũng rất dễ hài lòng với chính mình, dễ thỏa mãn, thỏa hiệp và dễ bằng lòng.
Cuốn sách nói ràng tốt là kẻ thù của sự vĩ đại. Bởi vậy, nếu để nói về sự thành công, bạn hãy quay lại gặp tôi sau 20, 30 năm nữa. Vì tôi muốn xây dựng một công ty "trăm tuổi" thay vì một công ty chỉ vừa tồn tại được một ít năm.
* Cám ơn ông về những chia sẻ cởi mở!