Pasta bị "quay lưng" vì nỗi lo sức khỏe
Sống khỏe - Ngày đăng : 06:50, 27/05/2017
Từ Italia đến Mỹ, sự yêu thích đối với pasta (gọi chung cho các loại mì hoặc nui làm từ loại bột mì Semolina - loại lúa mì cứng nhất màu hổ phách, là thực phẩm thiết yếu của các món Ý truyền thống) đang dần “nguội” đi, vì nhiều người tiêu dùng đang muốn chuyển sang các lựa chọn khác được cho là tốt hơn cho sức khỏe, CNBC nhận định từ báo cáo được công bố hôm 25/5 của Mintel.
Cụ thể, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel, tỷ lệ tăng trưởng tổng hợp hằng năm của pasta từ năm 2011 - 2015 ở các nước Mỹ, Canada, Pháp và Úc đã có dấu hiệu sụt giảm. Ở Italia và Vương quốc Anh, tỷ lệ này đã giảm 2%.
“Carbophobia” - hội chứng sợ carb (viết tắt của Carbohydrates, là nguồn năng lượng chính cho sự hoạt động của cơ thể, được tìm thấy trong hầu hết các nguồn thực phẩm từ thực vật, như trái cây, rau, đậu và các loại hạt. Sữa và các sản phẩm từ sữa là thực phẩm duy nhất có nguồn gốc từ động vật mà có chứa carb) - đang tác động đến doanh thu của nhiều nhãn hàng thực phẩm, Mintel cho biết.
Nghiên cứu của Mintel còn cho thấy, khoảng 1/3 các hộ gia đình có ít nhất một người thực hiện chế độ ăn không có gluten - một hỗn hợp xuất hiện ở lúa mì, lúa mạch hoặc phụ gia thực phẩm cho các loại thức ăn chế biến sẵn. Chế độ ăn không có gluten được cho là cần thiết cho hầu hết những người bị dị ứng với gluten hoặc mắc bệnh celiac.
“Xu hướng ăn uống giảm carb (low-carb), không có gluten (gluten-free) và xem lúa mì như một trong những thủ phạm gây ra sự tăng cân và nhiều loại bệnh đã góp phần làm giảm doanh thu pasta tại nhiều thị trường trọng điểm”, Jodie Minotto – chuyên gia phân tích thực phẩm và đồ uống toàn cầu tại Mintel cho biết.
Ở Italia, sự tiêu thụ pasta bình quân đầu người trong ngành bán lẻ đã giảm khoảng 10,6% từ năm 2011 đến 2016, giữ mức 15,2kg vào năm 2016, theo Mintel. “Dù người Ý vẫn tiêu thụ lượng pasta lớn nhất thế giới tính trên đầu người, họ cũng đang cắt giảm sử dụng loại thực phẩm thiết yếu truyền thống này. Họ cho biết hạn chế pasta trong chế độ ăn uống của mình vì lý do sức khỏe”, báo cáo của Mintel cho hay.
Mì spaghetti được phục vụ tại một sự kiện từ thiện ở thành phố Turin, Italia. Nguồn: Getty Images |
Bên cạnh đó, Mintel cũng cho biết thêm rằng, sự phổ biến của chế độ ăn uống low-carb đang tạo ra một môi trường đầy thách thức cho pasta – loại thực phẩm đang bị nhiều người “xa lánh” để chuyển sang các loại thực phẩm khác được coi là tốt hơn cho sức khỏe và hỗ trợ hiệu quả hơn cho nỗ lực quản lý cân nặng. Trên thực tế, tại Mỹ, lượng tiêu thụ pasta bình quân đầu người năm 2017 được dự báo sẽ giảm 3,6% so với năm 2015, giữ mức 2,7kg. Trong khi đó, lượng tiêu thụ gạo lại được dự báo sẽ tăng 9%, đạt mức 2,5kg.
Theo Mintel, có 41% người tiêu dùng Mỹ xem pasta kém thân thiện với sức khỏe hơn thực phẩm từ gạo và các loại ngũ cốc khác.
Theo Hiệp hội Pasta Hoa Kỳ, dạng pasta phổ biến nhất ở Mỹ là mì spaghetti, sau đó là các dạng khác như elbows (pasta dạng ống, hình dáng hơi cong), rotelle (dạng xoắn tròn), penne (dạng ống tròn, vát chéo 2 đầu) và lasagna (mì phẳng, rộng, đôi khi có cạnh lượn sóng). Mỹ là nước sản xuất pasta lớn thứ 2 thế giới, sau Italia.
Pasta mang nhiều hình dạng, màu sắc và tên gọi khác nhau |
Mitel cho biết, các nhà sản xuất pasta đang bận rộn "cải cách công thức làm pasta truyền thống để giúp nó phù hợp hơn với người tiêu dùng hiện đại". Họ đang nỗ lực để làm ra những loại pasta hoàn toàn mới, bao gồm pasta không gluten, pasta hữu cơ và pasta hoàn toàn từ lúa mì nguyên chất.
Trên thực tế, 1/7 các sản phẩm pasta mới được tung ra thị trường toàn cầu năm 2016 không chứa gluten, so với chỉ có 5% các loại sản phẩm tương tự có trên thị trường vào năm 2012. Bên cạnh đó, 18% các sản phẩm pasta mới được giới thiệu ra toàn cầu vào năm ngoái có nguồn gốc hữu cơ, tăng từ con số chỉ 11% vào năm 2012. Báo cáo cũng cho thấy có nhiều sản phẩm pasta được làm hoàn toàn từ lúa mì nguyên chất được đưa ra thị trường trong những năm gần đây.