Chủ tịch CVI và mục tiêu "định danh" cho dược liệu Việt
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 09:55, 31/05/2017
Khởi nghiệp với CVI, ông Phan Văn Hiệu ghi dấu ấn đầu tiên trong việc ứng dụng công nghệ nano vào chiết xuất, làm giàu Nano Curcumin từ củ nghệ để sản xuất CumarGold có tác dụng trong phòng và điều trị ung thư, giảm tác dụng phụ của xạ trị, hóa trị, tăng sức đề kháng cho người bệnh. Đến nay, CVI đã sản xuất khoảng 20 triệu viên thuốc nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
CumarGold đang là sản phẩm duy nhất do Việt Nam sản xuất ứng dụng thành công công nghệ Nano, đạt tiêu chuẩn quốc tế, được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chọn là sản phẩm tiêu biểu của năm 2014. Sản phẩm này đã mang về doanh thu 100 tỷ đồng/năm cho CVI, đồng thời mang lại nguồn lợi không nhỏ cho người trồng dược liệu.
Phan Văn Hiệu nói cơ duyên dẫn ông đến quyết định xây dựng CVI là do trăn trở vì sao cây dược liệu Việt Nam như nghệ, địa liên, đương quy chứa nhiều hoạt chất quý nhưng lại "vô danh" trên thị trường dược thế giới. Ngành dược đã không khai thác hết tiềm năng này, bỏ lỡ việc dùng chính dược liệu quý trong nước để phòng và chữa bệnh cho người dân với giá hợp lý.
Lội ngược dòng
* Sau nhiều năm làm việc trong ngành dược, thêm ba năm khởi nghiệp với CVI, ông nhận thấy ngành dược của Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
- Trải qua nhiều công việc trong ngành dược, từ sản xuất đến kinh doanh, tôi nhận thấy một điều rất đáng tiếc là nhiều loại dược phẩm của Việt Nam không tương xứng với tiềm năng, dù đã có nhiều nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao nhưng hầu hết không được ứng dụng vào thực tế.
Nguồn dược liệu quý của đất nước phần nhiều chỉ được sử dụng trong những bài thuốc dân gian, hoặc chỉ dừng lại ở dạng bào chế quy ước với hình thức thuận tiện hơn để uống mà không được làm giàu hoạt chất nên không đạt hiệu quả cao trong phòng chống và điều trị bệnh, trong khi phải nhập khẩu nhiều loại hoạt chất với giá rất cao.
* Nhưng nhiều loại thuốc từ dược liệu trong nước vẫn được tiêu thụ mạnh...
- Trên thị trường không thiếu những sản phẩm từ dược liệu là cây thuốc nam. Ví dụ, riêng sản phẩm từ nghệ đã có khá nhiều, nhưng như đã nói, do chưa có công nghệ làm giàu hoạt chất nên giá trị không cao. Từ đó mới có quan niệm uống thuốc nam không tốt bằng tân dược, người tiêu dùng mất niềm tin vào cây thuốc truyền thống. Để thay đổi, nhà sản xuất cần ứng dụng khoa học công nghệ, làm giàu hoạt chất, tăng hàm lượng lên mức cao nhất mới nâng được giá trị và chất lượng từng viên thuốc.
* Có phải từ lý do ấy mà CVI lựa chọn cách sản xuất dược phẩm riêng biệt?
- Hưng Yên quê tôi có rất nhiều cây dược liệu quý được trồng, đặc biệt là củ nghệ vàng, nhưng không được khai thác hết. Tôi biết có những công trình nghiên cứu khoa học về cây dược liệu thành công nhưng không được mang ra ứng dụng do không có người "kết nối". Có một thực tế đáng buồn là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà khoa học đã có những tiền lệ không tốt do một số công trình nghiên cứu công phu đã đưa vào sản xuất nhưng doanh nghiệp không trả chi phí xứng đáng cho nhà khoa học.
Hay nói cách khác, vị trí, vai trò của nhà khoa học bị xem nhẹ, dẫn đến nam dược thiếu sự tham gia của những trí thức chuyên ngành giỏi. Nhận thấy điều đó nên tôi và CVI đóng vai trò như một mắt xích còn thiếu trong chuỗi phòng thí nghiệm - sản xuất - thị trường. Cụ thể là CVI nắm bắt nhu cầu của người dùng rồi đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu dược liệu, tìm và nâng cao hoạt chất rồi đưa vào sản xuất. Như thế mỗi công trình nghiên cứu đều có giá trị ứng dụng cao.
Ảnh: Vy Khánh |
* Chưa có mấy doanh nghiệp dược thành công trong vai trò kết nối chuỗi giá trị như CVI đang làm. Ông có thấy mạo hiểm?
- Được đào tạo bài bản về ngành dược, tôi hiểu được giá trị các đề tài, công trình nghiên cứu dược liệu. Do đó, CVI tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà khoa học tập trung nghiên cứu, nông dân trồng dược liệu thật tốt và CVI với tư cách doanh nghiệp sẽ sản xuất, tìm đầu ra, làm thị trường, truyền thông cho sản phẩm. Sự phân công công việc như thế là hợp lý và cũng không quá mạo hiểm.
Về chất lượng sản phẩm thì tôi tự tin bởi CVI đề cao vai trò của nhà khoa học trong việc tạo ra viên thuốc tốt, thúc đẩy hơn quá trình nghiên cứu "trúng đích", đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, con đường mình đi vẫn có nhiều rủi ro, khi có thành phẩm thì bị làm nhái, khiến sau hai năm "đốt tiền", tôi mới đưa được sản phẩm ra thị trường. Từ đó tôi nhận ra, muốn đi hết con đường chông gai này không chỉ phải có chuyên môn giỏi mà còn phụ thuộc sự kiên trì và chấp nhận mạo hiểm. CVI đặt hàng các nhà khoa học, trả tiền bản quyền, đề cao tri thức bản địa, gợi mở đề tài nghiên cứu, từ đó cho ra sản phẩm đạt chuẩn cao nhất.
Kiến tạo niềm tin của chuỗi giá trị
* Bằng cách kết nối các tiềm năng có sẵn, ông có nghĩ mình giống như "Uber của ngành dược"?
- Ví von đó hay nhưng chưa đủ. Bởi không chỉ kết nối chuỗi giá trị, chúng tôi còn làm khoa học. Ba năm trước, khi CVI mới thành lập, chúng tôi "bê nguyên xi" các công trình nghiên cứu khoa học vào sản xuất, bây giờ đã tiến thêm một bước, đó là chủ động đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu để sản xuất các loại thuốc mà thị trường cần nhất.
Một tin vui là sau gần một năm tiếp cận, Quỹ Đầu tư phát triển Daiwa-SSIAM đã đầu tư 20% chi phí để chúng tôi có thêm nguồn lực xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao CVI Pharma. Nhà máy đang được xúc tiến để nhận giấy phép đầu tư trong Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc, Hà Nội. Nhà máy CVI Pharma là chuỗi khép kín tạo ra dược chất có độ tinh khiết rất cao làm nguyên liệu cho công nghệ sản xuất nano hóa đạt tiêu chuẩn GMP WHO.
Đồng thời với việc hợp tác với một quỹ đầu tư từ Nhật Bản, chúng tôi mở ra cơ hội giới thiệu các sản phẩm của Công ty sang thị trường Nhật Bản. CVI hy vọng cuối năm 2017 đầu 2018 sẽ là thời điểm ghi dấu sự xuất hiện của sản phẩm mang thương hiệu CVI tại thị trường một số nước trong khu vực và Đông Bắc Á.
* Điều ông tâm đắc nhất trong công việc hiện nay là gì?
- Khó nhất là thuyết phục các nhà khoa học tin và hợp tác. Vì thế, tôi phải chứng minh cho họ thấy mình luôn coi trọng và đề cao giá trị nghiên cứu và vị trí của họ. Đến thời điểm này, chúng tôi đã bước đầu làm được điều đó, tức kiến tạo niềm tin giữa doanh nghiệp và nhà khoa học để cùng nhau sáng tạo ra những loại dược phẩm mới cho xã hội. Tôi tin rằng, điều này không chỉ có ý nghĩa với CVI mà còn đối với ngành dược và cả những lĩnh vực đang cần sự kết nối, thấu hiểu sâu sắc giữa doanh nghiệp và nhà khoa học.
Nhưng có một điều làm tôi tiếc nuối là trong khi tiềm năng dược liệu ở Việt Nam quá lớn mà không có nhiều doanh nghiệp chung tay nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Mặt khác, một số công ty rất "sẵn lòng" sao chép thành quả của người khác với chất lượng kém hơn và truyền thông "quá tay" khiến người tiêu dùng dùng vài lần là mất niềm tin.
CVI áp dụng thành công công nghệ Nano - Micell tiên tiến trên thế giới để sản xuất Nano Curcumin, loại bỏ hoàn toàn tạp chất có hại cho sức khỏe, làm cơ thể hấp thụ tối đa dưỡng chất. Thế nhưng, sản phẩm lại không tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp khác nhìn thấy hướng đi mới trong việc đẩy mạnh hợp tác với các nhà khoa học để cùng sử dụng tốt nhất nguồn dược liệu Việt Nam, góp phần làm giàu cho người trồng dược liệu.
Thay vào đó, CumarGold ngay lập tức bị một công ty ăn cắp ý tưởng rồi sản xuất, quảng cáo, tiếp thị sai khiến người tiêu dùng hiểu nhầm. Việc bảo hộ trí tuệ chưa được xem trọng ở nước ta khiến các doanh nghiệp càng đầu tư, càng làm việc nghiêm túc càng dễ bị sao chép, càng gặp rủi ro. Đó là một nghịch lý khiến chúng tôi chọn đi con đường khó lại càng thêm vất vả khi mất quá nhiều công sức để đầu tư nhưng không dễ thu được lợi nhuận.
* Nhưng CVI vẫn mở rộng đầu tư...
- Ngoài CVI, tôi là sáng lập viên Công ty Newtech Pharm, chuyên nhập công nghệ dược phẩm mới nhất, ưu việt nhất. Định hướng này mất nhiều thời gian, công sức nhưng kết quả đến rất chậm, khiến một đồng sáng lập người Anh bỏ cuộc, hàng loạt dự định phải dừng lại. Công ty Newtech Pharm phải đóng cửa vài tháng, nhưng sau đó tôi quyết tâm mở lại và tìm kiếm kỹ lưỡng hơn những cộng sự. Đến nay, Công ty tăng trưởng mạnh, đưa những công nghệ tinh túy nhất về Việt Nam. Qua đó tôi hiểu nếu có thất bại chỉ là tạm thời và khi chưa thành công nghĩa là chưa đi đến đích. Để đi đến đích cần có thêm sự hiểu biết và quan trọng là những nhân sự chấp nhận đi cùng mình đến cùng.
* Một người vừa kinh doanh, vừa làm khoa học liệu có sự mâu thuẫn nào không, thưa ông?
- CVI có sự gắn bó đặc biệt với các nhà khoa học, am hiểu đề tài, nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường. Vì thế mà hai con người trong tôi không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau để khoa học và kinh doanh hòa hợp với nhau. Hơn nữa, sự am hiểu ở cả hai lĩnh vực khác nhau giúp tôi hiểu thêm giá trị của những việc mình theo đuổi.
* Như vậy là khó tránh khỏi mệt mỏi...
- Ra biển lớn thì gặp sóng to, là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực mới nghĩa là phải chấp nhận đối mặt với nhiều áp lực hơn, nhưng tôi luôn giữ năng lượng tích cực. Sản phẩm được đánh giá tốt cũng là một động lực để tôi tiếp tục nỗ lực. Quan trọng nhất là tôi hiểu được giá trị những điều mình làm, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Mỗi người đều có những sứ mệnh riêng, với tôi, miễn còn trên hành trình thực hiện sứ mệnh đó, dù khó khăn, vất vả cũng là được sống cho chính bản thân mình rồi.
* Cám ơn ông vì những chia sẻ cởi mở!