Nhật Bản: 98% số người được nhận làm con nuôi là đàn ông
Quốc tế - Ngày đăng : 06:55, 01/06/2017
Tại Nhật Bản, 98% số người được nhận nuôi đều là nam giới trong độ tuổi từ 20-30 chứ không phải trẻ con.
Đây là số liệu của chính phủ được chuyên gia kinh tế Steven Levitt và nhà báo Stephen J. Dubner dẫn ra trong cuốn sách Freakonomics (Kinh tế học hài hước) cũng như một số tờ báo có uy tín khác.
Ngược dòng lịch sử
Mọi chuyện bắt đầu từ hàng trăm năm trước khi luật dân sự của Nhật Bản quy định tài sản của một gia đình sẽ được truyền lại như thế nào sau khi người chủ gia đình qua đời.
Tiền và tài sản theo truyền thống được truyền lại cho con trai trong gia đình, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất. Tuy nhiên, nếu một gia đình không có con trai, luật nói rằng con trai nuôi cũng có thể nối dõi và tiếp quản gia sản sau khi người chủ gia đình qua đời
Ở những nhà chỉ có con gái, họ sẽ nhận nuôi một đứa con trai, để người này đóng vai trò tiếp quản việc làm ăn của gia đình cũng như tiếp nhận quyền trông coi tiền và tài sản của gia đình.
Ngày nay, việc nhận con nuôi hợp pháp còn được kết hợp cùng với một cuộc hôn nhân được sắp đặt, gọi là “omiai”, với một người con gái của gia chủ, nghĩa là người được nhận nuôi vừa là con trai và vừa là con rể vì đã đổi tên thành tên của gia đình nhà vợ (họ được gọi là “mukoyoshi”).
>>Đàn ông Nhật dần bỏ thói quen uống rượu để nâng cao uy tín
Tại sao trong văn hóa kinh doanh ở Nhật Bản điều này lại quan trọng?
Ở Nhật, thậm chí các công ty mai mối còn tiến hành chọn con nuôi cho các công ty.
Một số công ty nổi tiếng nhất ở Nhật Bản cho tới nay vẫn duy trì hình thức gia đình trị nhờ có mukoyoshi, chẳng hạn như công ty Toyota, được thành lập năm 1937 bởi Kiichiro Toyoda.
Một công ty xe hơi khác là Suzuki cũng được điều hành bởi những người con trai nuôi. Trên thực tế, CEO kiêm chủ tịch hiện nay Osamu Suzuki chính là con trai nuôi thứ 4 liên tiếp nắm giữ vai trò này.
Các công ty đa quốc gia không phải là những đối tượng duy nhất tìm kiếm mukoyoshi. Công ty gia đình lâu đời nhất thế giới Hoshi là một khách sạn nhỏ ở Nhật Bản, được thành lập vào năm 781. Nó đã được truyền lại qua 46 thế hệ bằng cách này khi chỉ có con gái trong gia đình.
>>Nhật Bản và "cơn khủng hoảng" thiếu người thừa kế
Tại sao truyền thống này sẽ còn tiếp tục tồn tại?
Mặc dù luật dân sự Nhật Bản đã thay đổi kể từ Thế chiến thứ 2, nhưng truyền thống này vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số già. Tỷ lệ sinh liên tục giảm từ năm 1950 và dân số nước này gồm khá nhiều người già.
Trong số 127 triệu người, có 25% là trên 65 tuổi. Theo tính toán đến năm 2060, tỷ lệ những người hơn 65 tuổi ở Nhật Bản có thể lên tới 40%.
Các nước cần có tỷ lệ sinh 2,1 con trên mỗi phụ nữ để giữ cho dân số không bị giảm đi. Hiện tại con số này ở Nhật Bản là 1,4, do phụ nữ tập trung hơn vào sự nghiệp và dành quá nhiều thời gian ở văn phòng làm việc. Kết quả là, nền kinh tế nước này đã trì trệ trong hàng chục năm nay.
Để giải quyết vấn đề hôn nhân và "nối dõi tông đường", có vẻ như việc nhận con nuôi trưởng thành là một trong những giải pháp khả thi đối với họ.