Nút thắt trong đầu tư nông nghiệp

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:36, 05/06/2017

Đầu tư nông nghiệp không phải là lĩnh vực được "trải hoa hồng" và còn nhiều nút thắt cần được nhà nước sớm tháo gỡ.
Nút thắt trong đầu tư nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao, hướng tới sản phẩm sạch chính là giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững.

Đọc E-paper

Với sự hỗ trợ của Chính phủ về đất đai và tín dụng, nhất là gói tín dụng lên tới 100.000 tỷ đồng được công bố đầu năm 2017, nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục và sẽ đầu tư vào ngành kinh tế quan trọng này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây không phải là lĩnh vực được "trải hoa hồng" và còn nhiều nút thắt cần được nhà nước sớm tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên - TGĐ Công ty CP Vinamit: "Khi sản xuất nhiều, cái khó là đầu ra nên sản phẩm bị tồn kho. Như vậy, yếu tố quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp hữu cơ là thị trường. Muốn vậy, việc dự báo thị trường cần được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm để DN tính toán sản xuất, tránh tình trạng dư thừa, được mùa mất giá. Mặc dù hiện nay Chính phủ khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, song vẫn chưa có định hướng rõ ràng trong việc canh tác theo phương pháp hóa học hay hữu cơ. Sản xuất sạch không đồng nghĩa với canh tác hóa học hiện đại. Việc định hướng này rất quan trọng để triển khai những chính sách hỗ trợ cho nông dân cũng như hướng đến nền nông nghiệp bền vững".

Chia sẻ thêm về nút thắt trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đại diện của VinEco cho biết: "Nông dân chưa có ý thức về sản xuất nông sản theo công nghệ cao nên DN gặp khó khi hướng dẫn bà con sử dụng và kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật".

Bà Phạm Phương Thảo - Giám đốc Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Mùa - người làm chủ 4 cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ tại TP.HCM, một trang trại trồng rau sạch organic và một vườn rau ôn đới, bộc bạch: "Mặc dù hiện nay công ty có quỹ đất đủ để canh tác rau củ quả organic nhưng chúng tôi mới chỉ dám làm một nửa vì đầu ra không nhiều, nên phải đi từng bước chậm, vừa trồng, vừa bán, vừa cung cấp thông tin về rau củ quả an toàn cho người tiêu dùng".

Theo ông Phạm Minh Thiện - Giám đốc Công ty Cỏ May: "Nút thắt lớn nhất của nông nghiệp công nghệ cao là vốn. Đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, với lãi suất thấp hơn 0,5 - 1,5%/năm so với mức lãi vay thông thường, cùng tháo gỡ về hạn điền, nhưng đến nay, gói hỗ trợ này nằm ở đâu, tiếp cận ra sao vẫn chưa có nhiều DN biết đến, trong đó có Cỏ May. Cần minh bạch về gói vay này để DN tiếp cận".

>>Thị trường thực phẩm hữu cơ: Cờ vào tay ai?

Cũng vì khó khăn về vốn mà cách nay một năm, ông Võ Minh Khải - TGĐ Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú đã phải rao bán khu nông nghiệp hữu cơ 320ha ở Cà Mau sau 10 năm sở hữu thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa.

Chia sẻ trên báo Doanh Nhân Sài Gòn vào tháng 10/2016, ông Khải cho biết: "Dù thị trường rất tốt, song với nguồn vốn tự có chỉ khoảng 30 tỷ đồng nên Viễn Phú khó tiếp tục làm nông nghiệp hữu cơ. Suốt thời gian sản xuất gạo Hoa Sữa, Viễn Phú không tiếp cận được bất kỳ nguồn vốn vay nào của ngân hàng hay bất cứ khoản hỗ trợ nào từ Chính phủ".

Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH kiến nghị: "Hiện nay, giống cây con dược liệu bán với giá rất cao, chất lượng không ổn định, nguồn cung không có tính cạnh tranh, cụ thể là chỉ một vài đơn vị thuộc Viện Dược liệu Trung ương cung ứng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế cho các DN khác đủ điều kiện tham gia sản xuất giống dược liệu.

Chất lượng dược liệu cũng chưa đạt chuẩn và giá thành cao, không cạnh tranh được với nguồn dược liệu từ Ấn Độ, Trung Quốc, nên Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích DN lĩnh vực này, như vốn vay ưu đãi, giảm thuế nhập khẩu (tốt nhất là bằng 0) đối với máy móc chuyên dụng cho chế biến dược liệu. Nhiều vùng trồng dược liệu hiện không áp dụng hoặc tuân thủ tiêu chuẩn nào, chỉ chạy theo năng suất và giảm giá thành dẫn đến chất lượng không đảm bảo, không khuyến khích được các DN làm ăn nghiêm túc.

Cần có chính sách chế tài để phát triển vùng nuôi trồng dược liệu theo hướng chuẩn hoá như GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc), hữu cơ và có các chế tài xử phạt đối với các DN làm ăn gian dối để tăng tính minh bạch và công bằng trong cạnh tranh. Hiện, một số địa phương không có quy hoạch phát triển dược liệu nên khi DN nuôi trồng dược liệu thì bị gây khó dễ khi áp dụng chung chính sách cho cây dược liệu với cây nông nghiệp.

Thông tư số 14/2009/TT-BYT của Bộ Y tế Hướng dẫn triển khai áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc đang có nhiều bất cập, như quy trình nuôi trồng dược liệu chỉ do Viện Dược liệu Trung ương thẩm định làm cho DN mất thời gian đi lại và chi phí để được thẩm định nhưng quy trình lại không sát thực tế địa phương.

>>Thực phẩm organic - Hướng kinh doanh mới cho nông nghiệp Việt

LỮ Ý NHI