Trung Đông - điểm nóng đầu tư mới của Mỹ và Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 06:34, 07/06/2017
Biến động về giá dầu khiến Trung Đông chuyển mình và trở thành thị trường đầy hứa hẹn cho hai nền kinh tế lớn Mỹ và Trung Quốc.
Những cuộc chiến tranh, khủng hoảng chính trị và ngoại giao ở khu vực Trung Đông vẫn chưa dứt, bên cạnh sự tồn tại của chủ nghĩa khủng bố. Song song với những biến động như thác lũ xung quanh các hội nghị, cuộc họp bàn thảo tìm cách duy trì hòa bình và ổn định, dòng sông kinh tế cũng lặng lẽ chảy qua những khúc cua.
Cuộc khủng hoảng giá dầu từ năm 2014 vẫn đang ám ảnh các nước xuất khẩu dầu mỏ, và cả Trung Đông nói chung. Một thập kỷ thịnh vượng của nguồn năng lượng thiên nhiên này, khi giá dầu lên mức cao, đã trôi qua. Và giờ là năm thứ ba các nước Trung Đông đối diện với thách thức về tài chính, khi giá dầu nhìn chung đã giảm khoảng 50% và ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực xuất khẩu. Lấy ví dụ ở các quốc gia vùng Vịnh, tăng trưởng dự kiến sẽ chỉ ở mức 0,9% năm nay, thấp hơn so với 2% trong năm 2016.
Tuy nhiên xét về mặt kinh tế, các chuyên gia lại có cái nhìn lạc quan hơn. Theo đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế ở các lĩnh vực khác ngoài dầu mỏ của vùng Vịnh có thể tăng 3% trong năm 2017, cao hơn mốc 2% của năm ngoái. Arab Saudivà Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) xét riêng, đang nhắm tới việc thúc đẩy tăng trưởng bằng việc chú trọng mối quan hệ thương mại với Mỹ và Trung Quốc, theo Financial Times.
Thay đổi cấu trúc kinh tế là điều các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ yếu ở Trung Đông hướng tới. Arab Saudi, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, đã nỗ lực phục hồi sau hai năm cắt giảm chi tiêu để bù đắp thâm hụt ngân sách. Khu vực kinh tế tư nhân đã quá lệ thuộc vào chi tiêu nhà nước, và vương quốc này đang muốn mở ra con đường mới cho đầu tư và thương mại.
>>Các nước Trung Đông “khóc trên biển dầu”
Nỗ lực của Arab Saudi được thể hiện qua cuộc đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước. Việc ông Trump chọn Arab Saudi cũng như khu vực Trung Đông làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên cho thấy Tổng thống Mỹ đã nhìn ra tiềm năng thực sự của nơi đây. Và thực tế, chuyến đi của ông Trump đã có kết quả: những hợp đồng trị giá 380 tỷ USD, bao gồm cả 110 tỷ USD ở lĩnh vực vũ khí.
Theo các thỏa thuận ấy, Arab Saudi sẽ mua hàng hóa của Mỹ, kể cả mặt hàng dầu mỏ, và đầu tư 20 tỷ USD vào một quỹ đầu tư hạ tầng được công ty cổ phần tư nhân Blackstone (tại New York) quản lý. Ngoài ra, vương quốc này cũng tìm kiếm dòng vốn chảy vào nền kinh tế của họ với những hợp đồng như 6 tỷ USD để lắp ráp trong nước 150 chiếc trực thăng Blackhawk của hãng Lockheed Martin.
Bộ trưởng năng lượng Khalid al-Falih của Arab Saudi khẳng định cả hai chính phủ đều hướng tới việc mở cửa, riêng Arab Saudi gấp rút thực hiện kế hoạch Tầm nhìn 2030, đẩy mạnh vốn đầu tư vào trong nước và cải cách để giúp công ty nước ngoài đầu tư dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, họ cũng tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế về mặt đối tác, tức không chỉ theo truyền thống làm ăn với phương Tây. Điều này thể hiện qua chuyến thăm của Vua Salman tới Trung Quốc hồi tháng 3 năm nay. Khi ấy Arab Saudi đã ký kết những hợp đồng trị giá 65 tỷ USD, gồm việc phát triển các nhà máy lọc dầu và hóa dầu.
Bên cạnh đó, chuyến đi của Vua Salman cũng chọn Nhật Bản và Indonesia làm điểm đến. Có thể thấy, các lợi ích kinh tế đã được đặt song song với căng thẳng chính trị. Bản thân Trung Quốc cũng vừa giữ quan hệ hợp tác với Arab Saudi, vừa không "bỏ quên" Iran - đối thủ của Riyadh.
Ngược lại, các quốc gia vùng Vịnh cũng rất quan tâm tới chuyến đi của Vua Salman, vì họ đang muốn đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc. Chẳng hạn, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đang xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm 13% tổng giá trị thương mại, so với 7,4% từ Ấn Độ và 6,7% từ Mỹ.
Bản thân Trung Quốc cũng cho thấy thái độ tích cực với Trung Đông nói chung, thể hiện qua chiến lược Một vành đai - Một con đường vừa được giới thiệu tháng trước. Đó cũng là khu vực mậu dịch tự do, kết hợp các hỗ trợ từ vốn cơ sở hạ tầng để hình thành "con đường tơ lụa" mà chính Trung Đông cũng đang trông chờ với tham vọng là thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ.