Kinh doanh bảo hiểm: Cuộc đua mở rộng mạng lưới

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:45, 09/06/2017

Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất lớn và sự cạnh tranh về thị phần giữa các công ty ngày càng cao.
Kinh doanh bảo hiểm: Cuộc đua mở rộng mạng lưới

Mạng lưới của các công ty bảo hiểm hiện đã tăng gấp 2 lần so với 2 năm trước. Tổng quy mô thị trường bảo hiểm trong 5 năm đã tăng 2,3 lần, đưa tổng doanh thu phí bảo hiểm từ 36.336 tỷ đồng năm 2011 lên 86.049 tỷ đồng năm 2016.

Dự báo ngành bảo hiểm năm 2017 tăng khoảng 20% so với năm 2016. Năm 2016 tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 86.049 tỷ đồng. Quý I/2017, mức tăng trưởng tiếp tục khả quan với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 21.874 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ 2016. Trong đó bảo hiểm nhân thọ đạt 12.252 tỷ đồng với số hợp đồng có hiệu lực hơn 6,63 triệu, bảo hiểm phi nhân thọ đạt 9.622 tỷ đồng.

Mở rộng mạng lưới

Thị trường tiếp tục tăng trưởng khả quan, các doanh nghiệp bảo hiểm đang tăng cường mở rộng mạng lưới, nhất là về các vùng nông thôn.

Chia sẻ với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, ông Back Jong Kook - Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Hanwha Life Việt Nam cho biết, bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới thì mở rộng thị trường thông qua phát triển mạng lưới và các kênh phân phối là ưu tiên của các công ty bảo hiểm hiện nay.

"Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất lớn và sự cạnh tranh về thị phần giữa các công ty ngày càng cao", ông nói.

Biểu đồ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm

Năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm kênh tư vấn cá nhân của Sun Life Việt Nam tăng 70% so với năm 2015. Từ đầu năm 2017, Sun Life Việt Nam tăng trưởng mạnh mạng lưới kênh phân phối, nhất là bảo hiểm hưu trí và tư vấn tài chính cá nhân. Theo Sun Life Việt Nam, đây là 2 kênh phân phối làm nền tảng kinh doanh bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội phát triển các kênh thương mại điện tử (e-commerce) và hợp tác kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng.

Bảo Việt cũng liên tiếp tăng cường mạng lưới ở cả 2 mảng nhân thọ và phi nhân thọ. Ở mảng nhân thọ, có thể nói Bảo Việt là công ty sở hữu mạng lưới bền vững nhất với 70 công ty thành viên.

Theo Cục Quản lý bảo hiểm (Bộ Tài chính), kết thúc quý I/2017, Bảo Việt nhân thọ vươn lên nắm thị phần số 1 về doanh thu khai thác với 22%. Các doanh nghiệp có vị trí kế tiếp trong top 5 gồm Prudential xấp xỉ 19,7%, Manulife gần 14%, Dai-ichi Life 13,4% và AIA 10,6%.

Ở mảng phi nhân thọ, top 5 doanh nghiệp dẫn đầu nắm giữ gần 60% thị phần. Bảo hiểm Bảo Việt dẫn đầu với doanh thu phí bảo hiểm gốc 1.870 tỷ đồng, tương đương 19,5% thị phần, bảo hiểm PVI với 17,6%, Bảo Minh 8,9%, PTI với 7,77% và PJICO gần 6,2%.

Bước vào năm 2017, Dai-ichi Life công bố tăng vốn điều lệ thêm 17 triệu USD để mở rộng hệ thống phân phối. Năm 2016, hãng này mở 30 văn phòng giao dịch, trong 5 tháng đầu năm nay đã mở thêm 17 điểm, đưa tổng mạng lưới lên xấp xỉ 220 văn phòng giao dịch.

Đến tháng 5/2017, Prudential đã thiết lập mạng lưới hơn 300 trung tâm dịch vụ và văn phòng chi nhánh ở 63 tỉnh - thành. AIA với gần 240 văn phòng ở 50 tỉnh - thành. Chubb Life Việt Nam sở hữu 46 văn phòng tại 37 tỉnh - thành.

Thúc đẩy tăng trưởng

Theo ông Back Jong Kook, chiến lược mở rộng mạng lưới đã giúp Hanwha Life Việt Nam phát huy hiệu quả kinh doanh khi kết thúc 2016 tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng đến 48%, trong đó doanh thu từ khách hàng mới tăng 41% so với năm trước. Năm 2016 cũng là năm đầu tiên Hanwha Life Việt Nam có lãi sau 8 năm hoạt động tại Việt Nam.

Đà tăng trưởng tiếp tục khả quan khi kết thúc quý I/2017, Hanwha Life đạt doanh thu 137 tỷ đồng, tăng 75%, phí tái tục đạt hơn 172 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước.

"Mức tăng trưởng cao như vậy là nhờ chúng tôi mở rộng nhanh mạng lưới phân phối, tập trung nâng cao dịch vụ khách hàng và chuyên nghiệp hóa đội ngũ tư vấn tài chính", ông Back Jong Kook chia sẻ.

Năm 2016, Bảo Việt vươn lên dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ với tổng doanh thu phí 13.456 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí khai thác mới đạt 3.666 tỷ đồng.

Dai-ichi Life Việt Nam công bố tổng doanh thu phí năm 2016 hơn 5.300 tỷ đồng. Chubb Life có doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới và tổng doanh thu trong quý đầu năm đều tăng trên 30% so với cùng kỳ 2016.

AIA Việt Nam công bố tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2016 đạt 4.760 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2015, trong đó phí bảo hiểm khai thác mới tăng 21%, đạt 1.836 tỷ đồng. Đồng thời tổng tài sản của công ty cũng tăng 21% so với năm 2015, đạt 10.063 tỷ đồng. Năm 2016, Cathay đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu phí gần 307 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ 2016.

Các công ty bảo hiểm đều mở rộng mạng lưới đến tuyến huyện, xã nhằm tạo cơ hội tăng trưởng dài hạn khi thị trường được đánh giá còn nhiều tiềm năng. Cũng nhờ mạng lưới mở rộng, kênh bảo hiểm nhân thọ đã tăng trưởng bứt phá trong 5 năm qua, từ doanh thu phí 15.613 tỷ đồng năm 2011 lên gần 50.000 tỷ đồng năm 2016 và vượt qua kênh bảo hiểm phi nhân thọ kể từ năm 2015.

Trong vòng 5 năm, bảo hiểm phi nhân thọ tăng 1,5 lần, từ 20.723 tỷ đồng năm 2011 lên 36.372 tỷ đồng năm 2016, trong khi kênh bảo hiểm nhân thọ tăng hơn 3 lần.

Các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho rằng việc xây dựng mạng lưới rộng khắp là cách thức bền vững để đưa dịch vụ bảo hiểm tiếp cận rộng rãi các phân khúc khách hàng. Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống đang mở rộng còn là cuộc đua trong xu hướng số hóa và mở rộng dịch vụ mới trên kênh trực tuyến. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cũng cho biết, ở các thành phố lớn, nhận thức về bảo hiểm nhân thọ của người dân luôn cao hơn vùng nông thôn là lý do khu vực này luôn được chú trọng khai thác.

TUYẾT ÂN