Đường tồn kho do nhập lậu?

Du lịch - Ngày đăng : 06:38, 12/06/2017

Chỉ có một cách là hạ giá thành sản phẩm, chí ít cũng làm cho giá đường của Việt Nam ngang bằng giá đường của Thái Lan thì mới chấm dứt được tình trạng buôn lậu đường.
Đường tồn kho do nhập lậu?

Chỉ có một cách là hạ giá thành sản phẩm, chí ít cũng làm cho giá đường của Việt Nam ngang bằng giá đường của Thái Lan thì mới chấm dứt được tình trạng buôn lậu đường.  

Đọc E-paper

Niên vụ mía đường 2016 - 2017 vừa kết thúc, 39 nhà máy đường ở các tỉnh - thành đã sản xuất trên 1,37 triệu tấn đường RS và RE. Do niên vụ 2015 - 2016, đường tồn kho đến gần nửa triệu tấn nên dự kiến niên vụ 2016 - 2017, lượng đường tồn kho sẽ ở mức cao nhất từ trước đến nay: gần 700.000 tấn.

Nếu mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 1,1 đến 1,2 triệu tấn đường thì với khoảng 250.000ha mía, lượng đường sản xuất hằng năm là vừa đủ, nếu có nhập thì nhập vài trăm nghìn tấn đường thô về tinh luyện.

Vậy do đâu mà có lượng đường tồn kho lớn đến vậy? Ý kiến chung của lãnh đạo các nhà máy đường và Hiệp hội Mía đường Việt Nam là do mấy nguyên nhân:

Một là, do lượng đường buôn lậu từ Thái Lan về Việt Nam quá nhiều. Hai là, do ảnh hưởng của thời tiết nên hầu hết các nhà máy đường vào vụ ép chậm hơn so với kế hoạch từ 15 ngày đến 1 tháng nên đường sản xuất ra dồn nhiều ở giai đoạn cuối vụ. Ba là, niên vụ 2015 - 2016 đường tồn kho ở mức rất cao, lên đến 470.000 tấn. Bốn là, các nhà máy đường chưa xây dựng được hệ thống phân phối và ký hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm cần lượng đường lớn hằng năm mà chủ yếu duy trì phương thức bán hàng thông qua đại lý, dịch vụ bán buôn, bán lẻ, nên đường tới tay người tiêu dùng cuối cùng bị đội giá ít nhất 30%.

Trong những nguyên nhân ấy, nguyên nhân chính là do đường nhập lậu. Nhập lậu đường từ Thái Lan khá dễ dàng bởi thương lái Thái Lan, Campuchia, Việt Nam từ lâu đã tổ chức nhiều đường dây vận chuyển, mua bán theo đường bộ, đường thủy rất hoàn chỉnh. Người buôn đường lậu nhỏ lẻ cũng không khó có được lượng đường đủ để kiếm lời năm bảy trăm ngàn đồng mỗi ngày.

Mấy năm trước, buôn lậu đường chỉ xảy ra ở các tỉnh từ Tây Ninh xuống An Giang, nay đã lan dọc biên giới Việt - Lào từ Gia Lai ra đến Nghệ An. Theo ước tính của ngành hải quan, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam hằng năm trên dưới 450.000 tấn.

Lượng đường nhập lậu nhiều như vậy là do giá bao giờ cũng rẻ hơn đường sản xuất trong nước vài ngàn đồng mỗi kilôgam, cụ thể như hiện nay giá bán buôn đường RS của Việt Nam là 16.000 - 17.800đ/kg, cao hơn đường RS của Thái Lan nhập lậu từ 2.000đ đến trên 2.000đ/kg.

Những đầu nậu lớn nhập đường lậu trót lọt mỗi năm lãi hàng chục tỷ đồng, nên buôn mươi chuyến mà có một chuyến bị bắt cũng chẳng sao. Còn người buôn bán nhỏ lẻ thì do thông thuộc địa hình và nắm được thời gian tuần tra, mật phục, vây ráp của lực lượng chống buôn lậu cộng với sự liều lĩnh nên không mấy khi "thất thu".

>>Triệu phú mía giữa rừng

Vậy thì chỉ có cách chống buôn lậu đường triệt để mới làm cho đường của Việt Nam không còn tồn kho?

Đó là nói theo cách phi kinh tế thị trường.

Ai cũng biết, nhất là lực lượng liên ngành chống buôn lậu của các tỉnh, kể cả Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không thể chống đường lậu triệt để một khi có quá nhiều nông dân nghèo làm công cho các đường dây buôn lậu, thậm chí tự buôn lậu.

Vì thế mà ngay phía sau các cửa khẩu biên giới từ Tịnh Biên (An Giang) đến Lao Bảo (Quảng Trị), việc vận chuyển, sang bao, đóng gói đường lậu công khai cả ban ngày; các chợ ở Đà Nẵng, Huế, Đông Hà, Vinh... đường lậu bày bán nguyên bao nhãn mác Thái Lan.

Chỉ có một cách là hạ giá thành sản phẩm, chí ít cũng làm cho giá đường của Việt Nam ngang bằng giá đường của Thái Lan thì mới chấm dứt được tình trạng buôn lậu đường.

Năm 1995, Chính phủ khởi động chương trình quốc gia "Một triệu tấn đường" tạo nhiều chính sách, thúc đẩy ngành phát triển, đã dấy lên phong trào "mỗi tỉnh một nhà máy đường", kéo theo nhiều hệ lụy tồn tại mãi đến nay: vùng nguyên liệu phát triển manh mún, mía không đủ để ép, xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán căng thẳng năm này qua năm khác, dây chuyền sản xuất lạc hậu, chắp vá.

Nhờ kinh tế thị trường, những nhà máy "yếu thế" phải đóng cửa, bán phế liệu, 39 nhà máy còn trụ được, dù đã cổ phần nhưng hầu hết sử dụng công nghệ xưa cũ của Trung Quốc nên năng suất thấp, chất lượng đường khó đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Năng suất mía của Việt Nam cũng thấp, chỉ đạt khoảng 65 tấn/ha, trong khi bình quân trên thế giới đạt trên 100 tấn/ha, chữ đường (lượng đường thương phẩm lấy ra từ cây mía, ký hiệu CCS - Commercial Cane Sugar) trong cây mía của Việt Nam cũng kém hơn các nước khi chỉ ở mức 5,4 tấn/ha, cách khá xa Thái Lan (hơn 8 tấn/ha), Úc (gần 12 tấn/ha), chi phí sản xuất mỗi tấn đường của Việt Nam vào khoảng 55 USD trong khi Brazil dưới 20 USD, Thái Lan 35 USD, Úc 16 USD.

Qua những dẫn chứng ấy, có thể thấy trước mắt, giá đường của Việt Nam không thể bằng hoặc thấp hơn giá đường của Thái Lan.

>>Vẽ lại bức tranh ngành đường

Tháng 1/2012, Viện Nghiên cứu mía đường (SRI) thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam được thành lập tại tỉnh Bình Dương trên cơ sở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mía đường. SRI có nhiệm vụ nhanh chóng hình thành trung tâm lai tạo giống mía tại Lâm Đồng để đưa các giống mía mới với năng suất ít nhất 70 tấn/ha vào trồng đại trà; nghiên cứu kỹ thuật trồng, sản xuất đường tiên tiến để chuyên giao đến người trồng mía và doanh nghiệp chế biến đường.

Muốn "độc lập", tháng 4/2013, Tập đoàn Thành Thành Công thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng mía đường Thành Thành Công. Đây là nơi nghiên cứu, chọn tạo giống mía mới chất lượng cao phù hợp với 10 vùng nguyên liệu để cung cấp cho các công ty đường thuộc Tập đoàn cũng như trong khu vực, tập trung nghiên cứu về nông hóa thổ nhưỡng nhằm tư vấn phân bón, nước tưới cho người trồng mía với chi phí thấp, hiệu quả cao.

Nhưng dù 2 cơ sở nghiên cứu về cây mía, chế biến mía ấy đem lại kết quả khả quan mà vùng nguyên liệu mía không được quy hoạch theo cánh đồng lớn, ít nhất 20ha (vùng nguyên liệu mía liên kết với nông dân của Thành Thành Công hiện nay là 50.000ha), không đầu tư công nghệ sản xuất đường tiên tiến nhất thì giá đường của Việt Nam không thể hạ bằng giá đường Thái Lan và tình trạng buôn lậu đường vẫn tiếp diễn, đó là chưa nói chẳng bao lâu nữa khi thuế suất nông sản về % theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) thì ngành đường Việt Nam có thể "lâm nguy".

THIÊN THẢO