Hollywood giảm sức hút với các nhà làm phim?
Đời thường - Ngày đăng : 06:59, 25/06/2017
2 năm gần đây, mặc dù thành phố Los Angeles (bang California, Mỹ) đã rất nỗ lực để trở lại thời hoàng kim với việc thu hút các nhà sản xuất phim, nhưng các xưởng phim vẫn tiếp tục quay những bộ phim có ngân sách lớn ở nơi khác.
Đọc E-paper
Bởi lẽ, bên cạnh yếu tố mới mẻ của địa điểm quay phim, các xưởng phim còn thu lợi rất nhiều từ sự hợp tác của chính quyền địa phương nhằm giảm chi phí sản xuất. Cho nên, mặc dù vẫn đóng mác phim Hollywood nhưng trong số phim có ngân sách lớn mùa hè này không có lấy một bộ phim nào thực sự của Hollywood, mà chúng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Chẳng hạn, Warner Bros đã quay Wonder Woman và King Arthur ở Anh - nơi phim trường Time Warner Inc sở hữu một không gian sản xuất rất lớn. 20th Century Fox đã chọn Úc cho phim Alien: Covenant. Marvel Studios của Walt Disney Co. đã lăn máy quay ở bang Georgia (Mỹ) cho Guardians of the Galaxy Vol 2.
"Sự hỗ trợ chúng tôi có được ở Georgia rất lớn", Kevin Feige - Chủ tịch Marvel Studios cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi chắc chắn sẽ sản xuất nhiều bộ phim lớn ở đó trong suốt năm nay và năm tới", ông bật mí thêm.
Trở lại 25 năm trước, hầu hết số phim có ngân sách lớn đều được quay chủ yếu ở Los Angeles. Để thu hút sản xuất phim với mục đích thu được lợi ích từ việc cho thuê đội ngũ nhân viên và thiết bị địa phương, sử dụng phòng khách sạn, xe cho thuê, dịch vụ ăn uống, hoặc hàng hóa và dịch vụ cung cấp tại địa điểm quay phim..., nhiều nơi trên khắp nước Mỹ và trên thế giới đã đưa ra trợ cấp tín dụng thuế, hoặc giảm tới 40% chi phí sản xuất ở địa phương.
Đây quả là một khoản tiết kiệm đáng kể cho các bộ phim hành động có ngân sách lên tới 250 triệu USD. Hiện có 32 tiểu bang của nước Mỹ và hàng chục địa phương ở nước ngoài đang cung cấp tín dụng thuế hoặc giảm giá, cộng với các lợi ích khác như miễn lệ phí giấy phép cho các đoàn phim.
Một quốc gia nhỏ bé thuộc Liên bang Xô viết cũ là Gruzia cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim. Sophio Bendiashvili - người đứng đầu chương trình giảm giá cho sản xuất phim của Hiệp hội Các ủy viên quốc tế (Association of Film Commissioners International) Gruzia cho biết: "Chúng tôi có nhiều làng mạc, nhà máy bị bỏ hoang, hầu hết là của các doanh nghiệp nhà nước, và đoàn phim có thể dễ dàng thổi tung chúng lên".
Trong hầu hết các trường hợp, cả xưởng phim lẫn địa điểm quay phim sẽ không tiết lộ chi tiết cụ thể về khoản giảm giá hay ưu đãi, nhưng các giám đốc điều hành thừa nhận chúng là nhân tố chính quyết định nơi quay phim.
>>Màu da - chuyện chưa kể ở Hollywood
Từ năm 2014, bang California đã quyết định nới lỏng chính sách trợ cấp trong nỗ lực thu hút sản xuất phim trở lại. Tuy có nhiều chương trình truyền hình đang được quay ở bang này, nhưng chính quyền vẫn phải nỗ lực rất nhiều để thu hút những bộ phim hành động có ngân sách lớn ra mắt vào mùa hè.
Một trong số ngôi sao, diễn viên và nhà sản xuất lớn của Hollywood là Dwayne Johnson đã chuyển phim truyền hình Ballers của HBO từ Miami về Los Angeles sau khi đạt được thỏa thuận ưu đãi về thuế. Trong một cuộc phỏng vấn, Dwayne Johnson nói rằng: "Về mặt truyền hình, những ưu đãi rất tuyệt vời. Còn về phía phim ảnh cũng đang có rất nhiều cơ hội được cải thiện".
Tuy nhiên, bộ phim điện ảnh mới ra mắt cuối tháng 5 vừa qua của Dwayne Johnson làm cho Paramount Pictures là phiên bản làm lại của chương trình truyền hình Baywatch nói về nhân viên cứu hộ California vẫn được quay ở Tybee Island của bang Georgia, với sự trợ giúp của tín dụng thuế.
Hollywood đã từng nắm giữ vị trí vững chắc về sản xuất phim vì có cơ sở hạ tầng rất tốt, bao gồm nhiều trường quay, hệ thống âm thanh, thiết bị chuyên dụng, đội ngũ đoàn làm phim, diễn viên và các dịch vụ khác. Nhưng ngày càng có nhiều nơi khác như tiểu bang Georgia cung cấp các cơ sở sản xuất tốt và nhân viên được đào tạo bài bản, mặc dù sản xuất ngoài Los Angeles vẫn thường đòi hỏi đoàn làm phim phải thuê mướn một số bộ phận chủ chốt đến từ Hollywood.
Hiện nay, California cung cấp tín dụng 20% áp dụng cho các bộ phim điện ảnh có mức chi tiêu (tức ngân sách sản xuất) 100 triệu USD, và một số chi phí khác được nhận thêm 5%. Tiểu bang không áp dụng khoản tín dụng đối với phần lớn ngân sách phim, đó là mức lương của các diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất như những địa phương khác.
Kể từ khi bang này nâng các khoản trợ cấp, đã có bộ phim ngân sách lớn của Disney là A Wrinkle in Time nhận được khoản tín dụng trị giá 18 triệu USD cho mức chi tiêu 85 triệu USD; một bộ phim chưa đặt tên của Paramount được nhận 22 triệu USD cho mức chi tiêu 102 triệu USD.
Một số quan chức ở California nói rằng, sự gia tăng sản xuất phim truyền hình và phim ngân sách trung bình là bằng chứng cho thấy trợ cấp cao hơn đã có hiệu quả. Trên thực tế, những ưu đãi đã đem 11 bộ phim truyền hình về sản xuất ở tiểu bang này từ năm 2015.