8 thủ thuật ngôn ngữ cơ thể khó rèn nhưng giá trị

Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 06:34, 27/06/2017

Các cử chỉ ngôn ngữ cơ thể tích cực như mỉm cười rất dễ thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Cạnh đó vẫn có một số thủ thuật khác khó nắm bắt hơn nhưng có thể tạo ra nhiều hiệu quả bất ngờ.
8 thủ thuật ngôn ngữ cơ thể khó rèn nhưng giá trị

Các cử chỉ ngôn ngữ cơ thể tích cực như mỉm cười rất dễ thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số thủ thuật khác khó nắm bắt hơn, nhưng có thể tạo ra nhiều hiệu quả bất ngờ.

Business Insider đã tổng hợp 8 thủ thuật ngôn ngữ cơ thể có tính chất như vậy:

1. “Đồng bộ hóa” với người đối diện

Theo Giám đốc nhân sự của CareerBuilder Rosemary Haefner, “đồng bộ hóa” cơ thể cho phù hợp với vai trò của người mình đang giao tiếp có thể là một kỹ năng khó làm chủ nhưng lại thể hiện được sự cam kết của bạn đối với họ.

Không dễ áp dụng kỹ năng này một cách tinh tế để không trông giống như đang “bắt chước” người đối diện, nhưng đó là một mẹo hay khi bạn muốn tạo ấn tượng tốt.

2. Bước đi tự tin và tràn đầy năng lượng

Không phải ai cũng có dáng đi tự tin. Nhiều người thường đi theo kiểu kéo lê chân hoặc với dáng người còm xuống.

Có thể hơi khó để thay đổi dáng đi, nhưng theo Scientific American, nếu cố gắng cải thiện, bạn sẽ giúp người khác không đưa ra những nhận định vội vàng về sự tự tin, hấp dẫn và độ đáng tin cậy của mình.

3. Duy trì tốt tương tác bằng mắt

Ánh mắt có thể chứa đựng tất cả. Những người có ánh mắt hay dao động thường xuyên bị đánh giá là đang lo lắng, căng thẳng hoặc không trung thực. Không dễ nắm vững kỹ năng duy trì tốt tương tác bằng mắt, vì với nhiều người, nó có thể là một việc không thoải mái, không tự nhiên. Nhưng nó là một “bài tập” rất hữu dụng trong cuộc sống.

Trong cuốn How to talk to anyone (Nghệ thuật giao tiếp để thành công), tác giả, chuyên gia giao tiếp Leil Lowndes khuyên chúng ta nên “giả vờ như mắt bạn bị dán chặt vào ánh mắt người đối diện bằng kẹo bơ”.

Khi làm chủ được kỹ năng này, bạn sẽ lập tức thấy sự cải thiện trong giao tiếp mặt đối mặt với người khác.

>>10 cử chỉ tay cần tránh khi du lịch nước ngoài

4. Đừng giấu đôi tay

Đôi khi thật khó để biết phải làm gì với đôi tay, đặc biệt khi bạn đang lo lắng. Kết quả là, bạn thường nhét tay vào túi hoặc khoanh tay lại, nhưng những hình ảnh đó lại khá tiêu cực.

Hãy giữ cho đôi tay bạn có thể nhìn thấy, để không trông như đang giấu diếm thứ gì đó. Hãy để mọi người tin tưởng bạn bằng cách sử dụng nhiều cử chỉ cơ thể cởi mở hơn. Tránh tỏ ra như đang… phòng thủ, dù đó có thực sự là cảm giác của bạn.

5. Đừng chuyển động quá nhiều, cũng đừng cứng nhắc quá

Nhiều người thường có thói quen gõ ngón tay, nhịp chân hoặc xoắn tóc. Nhiều người không thực hiện những hành động đó nhưng trông vẫn không tự nhiên. Vấn đề là người khác có thể nghĩ rằng họ không trung thực hoặc đang sợ hãi. Chuyên gia phân tích hành vi và ngôn ngữ cơ thể Lillian Glass – người từng làm việc với FBI để tìm ra các dấu hiệu giả dối – cho rằng, ngược lại, những người có biểu hiện cứng đờ cũng vậy.

“Khi bạn trò chuyện bình thường, cơ thể bạn sẽ di chuyển một cách tự nhiên, thoải mái. Do đó, khi một người không hề chuyển động trong quá trình giao tiếp, nó thường là dấu hiệu tiêu cực”, Lillian Glass nói.

Hãy cân bằng giữa sự vững chắc và sự chuyển động thoải mái, bạn sẽ tạo ra một ấn tượng tốt hơn.

6. Ngồi thẳng

Amanda Augustine – chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cho TopResume cho rằng: “Khi phỏng vấn, nếu bạn tựa hoàn toàn cơ thể vào lưng ghế, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ rằng bạn không quan tâm đến vị trí công việc, hoặc bạn không tham gia phỏng vấn một cách nghiêm túc. Cả 2 suy nghĩ đó đều không thể giúp bạn trúng tuyển. Bên cạnh đó, tư thế trượt dài trên ghế cũng cho thấy bạn đang không tự tin”.

Theo Augustine, chúng ta nên ngồi như thể có một sợi dây đang buộc từ trần nhà đến đỉnh đầu mình. Ngồi thẳng được xem là dấu hiệu của sự thông minh, tự tin và đáng tin cậy.

7. Bắt tay đúng cách

Ashish Arora – nhà sáng lập InfoShore cho biết, “một cái bắt tay yếu ớt đồng nghĩa với một con người yếu ớt” chính là cách nghĩ thông thường của mọi người.

Arora gợi ý, khi bắt tay, bạn nên cảm nhận được xương tay của người đối diện nhẹ nhàng ép vào tay mình, sau đó tác động một lực tương tự như vậy lên tay họ đồng thời lắc nhẹ vừa phải theo phương thẳng đứng 2 – 3 lần. Duy trì tương tác mắt và nụ cười tươi trong suốt quá trình đó.

8. Chậm lại

Khi lo lắng, bạn sẽ dễ “tăng tốc” mọi thứ, cả lời nói lẫn hành động. Tuy nhiên, theo chuyên gia về lãnh đạo Peter Economy, tốt hơn hết, hãy cố gắng làm mọi thứ chậm lại.

Hãy hít một hơi thật sâu, làm mọi thứ chậm rãi và thận trọng, trông bạn sẽ thật tự tin và tràn đầy năng lượng.

>>6 ngôn ngữ cử chỉ của các doanh nhân nổi tiếng

BÍCH TRÂM