Chủ tịch TMT Group Tạ Minh Tuấn: Mong muốn có nhiều doanh nhân hạnh phúc

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:59, 28/06/2017

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm hai Đại học Bách khoa TP.HCM, đến nay, ở tuổi 29, Tạ Minh Tuấn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TMT Group.
Chủ tịch TMT Group Tạ Minh Tuấn: Mong muốn có nhiều doanh nhân hạnh phúc

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm hai Đại học Bách khoa TP.HCM, đến nay, ở tuổi 29, Tạ Minh Tuấn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TMT Group, gồm nhiều doanh nghiệp đi tiên phong trong một số lĩnh vực tại Việt Nam. Ông là người xây dựng hệ thống y tế tại nhà tư nhân đầu tiên của Việt Nam (tiền thân của mô hình bác sĩ gia đình sau này), và cũng là người làm về giáo dục khởi nghiệp đầu tiên của nước ta.

Ngoài công việc kinh doanh, Tạ Minh Tuấn còn giữ vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức kết nối kinh doanh và các chương trình cộng đồng: Nhà sáng lập, Chủ tịch Quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần chuyên hỗ trợ người khuyết tật đam mê kinh doanh, nghệ thuật; Nhà sáng lập Vietnam Leaders Toatsmasters thuộc Toastmaster International - hiệp hội diễn thuyết lớn nhất thế giới hiện nay, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh BNI Master Chapter thuộc Tổ chức Kết nối thương mại toàn cầu tại Việt Nam, Nguyên Giám đốc Đào tạo toàn quốc của JCI Việt Nam.

Năm 2011, nhờ sáng kiến phát triển hệ thống y tế tại nhà, Tạ Minh Tuấn được CSIP, British Council và World Bank chọn là một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam. Năm 2015, ông lọt vào danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi ảnh hưởng nhất Việt Nam của Tạp chí Forbes (Forbes 30 Under 30 Vietnam 2015) và tiếp tục lọt vào danh sách này ở phạm vi châu Á vào năm 2016 (Forbes 30 Under 30 Asia 2016).

* Ông từng chia sẻ, muốn thông qua kinh doanh để góp phần làm cho Việt Nam thành nơi đáng sống. Hiện ông đã hài lòng với những gì mình làm được?

- Năm ngoái tôi có dịp đến "Quốc gia khởi nghiệp" Israel. Ở thành cổ Jerusalem, có một địa danh nổi tiếng được gọi là "Bức tường than khóc" - nơi người Do Thái đến cầu nguyện hàng ngàn năm nay. Ai đến đây đều bày tỏ sự kính cẩn tuyệt đối, nhiều người vừa cầu nguyện vừa khóc. Họ tin rằng nếu viết ước mơ vào một mảnh giấy rồi nhét vào khe hở của bức tường, ước mơ đó sẽ thành hiện thực.

Tôi cũng làm như vậy, viết ra những mục tiêu cá nhân của mình. Nhưng khi áp má vào bức tường, tôi bỗng thấy mình như bị "chấn động" bởi năng lượng của nó, và bật khóc như một đứa trẻ. Tôi khóc vì sự vô lý và phi nghĩa của chiến tranh, vì nhiều người đã phải bỏ mạng vì chiến tranh.

Và lúc đó, tôi quyết định không nhét mảnh giấy ghi mục tiêu cá nhân vào bức tường nữa, mà lấy một mảnh giấy khác, viết một mong muốn khác, ước cho thế giới thành nơi hòa bình, Việt Nam thành nơi đáng sống hơn.

Trở về, tôi tập trung góp phần làm cho người Việt mình có cuộc sống tốt hơn. Tôi xem việc này như sứ mệnh cuộc đời, và đó là sứ mệnh lâu dài. Hiện tại chưa hài lòng với những gì đã làm, nhưng tôi vẫn hạnh phúc. Vì nếu hài lòng việc gì thì thường dừng lại, không có động lực để tiếp tục.

Tôi đang cố gắng để hoàn thiện cả ba mảng: góp phần phát triển thể lực, trí lực và tâm lực cho người Việt. Mảng chăm sóc sức khỏe là về thể lực, mảng giáo dục, đào tạo người khởi nghiệp là về trí lực, làm các chương trình xã hội, giúp được nhiều người rèn tâm, đó là về tâm lực.

* Để hỗ trợ người khởi nghiệp, tại sao ông lại chọn mảng đào tạo mà không phải là mở "vườn ươm", hay lập quỹ đầu tư chẳng hạn?

- Chọn và tập trung vào giáo dục khởi nghiệp (startup education) bởi tôi cho rằng, giúp được một người khởi nghiệp bài bản là đã làm thay đổi tương lai của họ, gia đình của họ, và hơn cả là giúp họ không trở thành một "doanh nhân nguy hiểm". Một "doanh nhân nguy hiểm" sẽ gây ra... nguy hiểm cho nhiều người.

Bởi nếu thất bại, nợ nần, người thân, con cái họ cũng khốn khổ. Nếu "thành công", họ tạo ra những sản phẩm gây hại cho người dùng, vì lợi nhuận, muốn mình giàu lên mà khiến xã hội đi xuống. Tôi muốn góp phần ngăn chặn điều đó từ trong nhận thức của người khởi nghiệp ngay từ khi mới bắt đầu hành trình kinh doanh. Tôi muốn họ trở thành những "doanh nhân hạnh phúc".

* Không những điều hành kinh doanh tại TMT Group, ông còn giữ vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức và các chương trình về cộng đồng. Với ông, những hoạt động ấy có ý nghĩa ra sao?

- Tiến sĩ Muhammad Yunus (Bangladesh) là người tạo ra Grameen Bank - ngân hàng đầu tiên chuyên cho người nghèo vay tiền mà không cần điều kiện đảm bảo. Có một điều thú vị là sau vài năm vận hành, Tiến sĩ Yunus nhận thấy tỷ lệ người nghèo trả nợ cho Grameen Bank còn cao hơn tỷ lệ người giàu trả nợ cho các ngân hàng khác.

Gần như những người nghèo vay tiền đều trả lại đầy đủ. Nghĩa là khi được đặt niềm tin, đôi khi người nghèo còn uy tín hơn cả người giàu. Tiến sĩ Muhammad Yunus đã được trao giải Nobel Hòa bình 2006 cho phát kiến này, và ông chính là một trong những doanh nhân xã hội đầu tiên được thế giới công nhận.

Muốn tạo ra những tác động xã hội tích cực như vậy, tôi chọn con đường làm doanh nhân xã hội. Khi lựa chọn các dự án kinh doanh, điều quan trọng nhất tôi tìm kiếm là giá trị cốt lõi của nó có đem lại lợi ích cho xã hội hay không, có tạo ra nhiều tác động tích cực hay không. Tôi không thực hiện những ý tưởng có thể kiếm nhiều tiền nhưng gây hại cho xã hội. Khi lựa chọn như vậy, tôi cảm thấy rất thanh thản.

Nếu xem các hoạt động cộng đồng có bốn cấp độ: cho người khác con cá, cho họ cần câu, dạy họ câu cá, cho họ động lực để đi câu (vì nhiều khi có cần câu, biết câu cá, mà không có động lực câu thì vẫn lười nhác và không thể thoát nghèo được), thì chúng tôi luôn muốn thực hiện các chương trình ở cấp độ thứ hai trở lên. Chẳng hạn như một trong những chương trình gần đây của chúng tôi là Hành trình sách (Journey Of Books - JOB, hanhtrinhsach.com).

doanh nhan xa hoi ta minh tuan doanhnhansaigon

* Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về "Hành trình sách"? Vì sao sách lại trở thành một lựa chọn của ông trong hoạt động cộng đồng?

- Tôi đã có ý tưởng chia sẻ sách trong cộng đồng từ năm 2009, khi viết một bài note trên Facebook cá nhân có tên "Hành trình những quyển sách" . Năm ngoái, cũng trong chuyến đi đến Israel, có dịp ghé thăm ngôi nhà của David Ben-Gurion - vị thủ tướng đầu tiên của "Quốc gia khởi nghiệp", tôi rất bất ngờ khi không gian sống của một nhà lãnh đạo quốc gia lại không trưng bày những thứ như... rượu quý, sừng tê giác, ngà voi mà toàn sách là sách.

Ông để lại một tài sản khoảng 20.000 cuốn sách và để lại tâm nguyện biến ngôi nhà của mình thành một thư viện, nhưng vì nhiều lý do mà tâm nguyện này chưa được thực hiện. Sau chuyến đi, tôi càng nung nấu ý tưởng từ nhiều năm trước, và muốn biến tâm nguyện của vị thủ tướng Israel ấy thành hiện thực tại Việt Nam. Cuối năm 2016, Hanhtrinhsach.com ra đời. Đây là chương trình phi lợi nhuận, là cầu nối chia sẻ và tạo cơ hội đọc sách miễn phí cho thanh niên.

Sách là công cụ truyền động lực rất tốt để "đi câu", và cũng cung cấp những kiến thức "câu cá”. Đọc sách là cách để học được kinh nghiệm của người khác, cả thành công lẫn thất bại. Lý thuyết xuất phát từ thực tế của một người và cần được áp dụng vào thực tế của nhiều người. Nhưng chỉ nên lấy sách làm nguồn tài liệu tham khảo để mở rộng góc nhìn. Khi có nhiều góc nhìn sẽ thấy toàn vẹn hơn về sự thật, chứ không như "thầy bói xem voi".

Đọc sách là cách để tìm sự thật, để tìm ra sự thật về thị trường, về sản phẩm, về khách hàng mục tiêu, về mô hình kinh doanh phù hợp. Doanh nhân càng cần đọc sách, bởi sẽ có thêm góc nhìn từ những người thành đạt khác, những học giả khác.

* Với YUP Education, ông đã trở thành người thầy, người truyền cảm hứng cho giới khởi nghiệp, và là người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, ông có nhận thấy "mẫu số chung" nào về điểm mạnh cũng như điểm yếu của người khởi nghiệp hiện nay?

- Điểm mạnh của giới khởi nghiệp hiện nay là tinh thần doanh nhân rất cao, đặc biệt là ở thành phố năng động như TP.HCM. Có lẽ thấy được điều đó nên trong lần đến TP.HCM, tỷ phú Richard Branson đã chụp một tấm ảnh đăng lên Twitter với lời chú "Đây là thành phố khởi nghiệp sôi động nhất hiện nay".

Tuy nhiên, giới khởi nghiệp lại có ba điểm yếu nổi bật. Thứ nhất là thiếu nhận thức về chính mình, không biết mình muốn gì. Thứ hai là không có tư duy của người làm chủ. Thứ ba là không có kiến thức, kỹ năng nền tảng về nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh, bán hàng, làm thương hiệu, huy động vốn, cấu trúc vốn, vâng vâng... Trong đó, yếu tố hiểu được bản thân rất quan trọng.

Nhiều người chỉ muốn kinh doanh cho "bằng chị bằng em", theo trào lưu hoặc vì lợi nhuận. Lợi nhuận không xấu, nhưng cách tạo ra lợi nhuận sẽ định nghĩa một người là doanh nhân hay chỉ là "con buôn". Doanh nhân chân chính không tạo ra lợi nhuận bằng cách gây hại cho xã hội. Kinh doanh chỉ là phương tiện để thực hiện mục tiêu cuộc đời. Nên mục tiêu cuộc đời phải có trước mục tiêu kinh doanh và thống trị mục tiêu kinh doanh. Nếu ngược lại, doanh nhân sẽ không thể làm chủ công ty, mà để công ty làm chủ họ.

* Theo ông, giá trị cá nhân của người lãnh đạo, người điều hành có ý nghĩa thế nào với công ty, tổ chức?

- Cái tâm của doanh nhân sẽ phản chiếu lên sản phẩm, dịch vụ họ tạo ra. Một người hời hợt sẽ tạo ra sản phẩm hời hợt, người tinh tế, cầu toàn sẽ tạo ra một sản phẩm hoàn mỹ. Không những vậy, họ còn thu hút được những người giống như mình vào đội ngũ. Đội ngũ đó tạo ra sản phẩm cho công ty, và cũng tạo ra văn hóa công ty. Nên có thể nói, văn hóa công ty xuất phát từ văn hóa của người lãnh đạo.

* Hướng phát triển các mảng kinh doanh của TMT Group có gì thay đổi?

- Việc kinh doanh lĩnh vực y tế vốn xuất phát từ một nỗi đau là khi tôi có người thân bị ung thư. Qua đó, tôi đã vận dụng tư duy hệ thống để thiết kế nên mô hình y tế tại nhà. Tôi xác định đây là việc mình cần làm và phải làm cho mô hình này trở nên phổ biến hơn nhằm chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, phòng bệnh hiệu quả trước khi phải chữa bệnh, góp phần giảm tải cho bệnh viện, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội.

Tuy nhiên, đây không phải là đam mê của tôi. Sau khi đạt được cột mốc chăm sóc sức khỏe cho hơn 10.000 gia đình Việt Nam, tôi cảm nhận HELP International đã hoàn thành được sứ mệnh của nó trong giai đoạn đầu. Nên sắp tới, lĩnh vực kinh doanh y tế với HELP International vẫn được duy trì nhưng sẽ phát triển theo hướng nhượng quyền. Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho mảng giáo dục, đào tạo, vì nhận ra ý nghĩa và tác động của nó quá lớn.

* Cám ơn ông và chúc việc kinh doanh cũng như những hoạt động cộng đồng của ông càng tác động tích cực đến xã hội!