Thuyết âm mưu và cuộc chiến thông tin trên internet
Quốc tế - Ngày đăng : 06:55, 04/07/2017
Hồi tháng 6 năm ngoái, khi vụ xả súng tại hộp đêm Pulse (thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ) vừa xảy ra, nhiều thông tin xuất hiện tràn lan trên internet đã vẽ nên những “câu chuyện thay thế” khác xa thực tế, trước khi những tờ báo buổi sáng kịp “ra lò” với những thông tin chính thức được công bố.
Vì các tiêu chuẩn thông thường để nắm bắt tin tức đang dần mờ nhạt, việc xác định độ tin cậy của thông tin ngày càng khó khăn. Và mảnh đất internet rất dễ bị xâm chiếm bởi những thông tin sai lệch, theo Forbes.
Bạo lực - miếng mồi ngon
Việc giải thích vấn đề, sự kiện theo thuyết âm mưu không phải là điều gì quá mới mẻ. Tuy nhiên, tốc độ phổ biến nhanh chóng của các phương tiện truyền thông xã hội khác đã cung cấp mảnh đất màu mỡ cho các câu chuyện thay thế nảy mầm và phát triển, đặc biệt là đối với các sự kiện có liên quan đến bạo lực.
Các câu chuyện được thêu dệt trong những “mạng lưới thuyết âm mưu” có thể kể đến: vụ thảm sát ở Trường tiểu học Sandy Hook (năm 2012) “chưa bao giờ xảy ra”, vụ xả súng ở hộp đêm Pulse là một “âm mưu của CIA”, vụ đánh bom tại cuộc thi Boston Marathon (2013) là một “âm mưu của người Do Thái”…
GS. Kate Starbird (thuộc Đại học Washington) đang nghiên cứu về cách mà các thuyết âm mưu lan truyền trên kênh trực tuyến. Nghiên cứu gần đây nhất của bà tập trung vào Twitter và sự nổi lên của các thuyết âm mưu sau những vụ nổ súng hàng loạt. Điều bà tìm thấy trên các trang truyền thông xã hội là một “hệ sinh thái truyền thông thay thế” chuyên sản sinh, sắp xếp và thúc đẩy các thuyết âm mưu, làm suy giảm niềm tin của người đọc vào thông tin.
Thuyết âm mưu (hay thuyết ngờ vực) là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đằng sau.
Mặc dù các thuyết âm mưu đã xuất hiện trong nhiều thế kỷ, hiện tại, Twitter lại là “quê hương” của nhiều “câu chuyện thay thế”. GS. Starbird đã trình bày những phát hiện của mình tại Hội nghị Trí tuệ tập thể (Collective Intelligence Conference, nhằm thúc đẩy cuộc thảo luận của các chuyên gia vì lợi ích cộng đồng) hồi tháng 6 vừa qua, để tìm hiểu về những “cơn bão” gây phổ biến nhiều thuyết âm mưu vô lý trên kênh trực tuyến.
Tác động đến chính trị và hơn thế nữa
Ở khía cạnh chính trị, khi những mạng lưới thuyết âm mưu phát triển lớn mạnh, nó còn gây tác động đến “số phận” của các ứng viên trong một cuộc bầu cử.
Một trong những ví dụ điển hình là thuyết âm mưu “Pizzagate”, nổi lên hồi năm ngoái, khi cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra. Thuyết âm mưu này cho rằng các thành viên của Đảng Dân chủ cùng một số nhà hàng có liên quan đến một đường dây mại dâm trẻ em. Câu chuyện bắt nguồn từ một tài khoản Twitter, sau đó lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội và được “hỗ trợ quảng bá” bởi trang web InfoWars của nhà lý luận Alex Jones – người nổi tiếng là ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
InfoWars được cho là đã khuyến khích người đọc "đi ra ngoài để điều tra". Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi hồi tháng 12 năm ngoái, một người đàn ông đã đến nhà hàng Comet Ping Pong (Washington, D.C.) để nổ súng “điều tra”. Thậm chí cho đến sau khi vụ nổ súng xảy ra, nhiều người vẫn tin vào “Pizzagate”.
Cuối tháng 3 vừa qua, Alex Jones đã phải lên tiếng xin lỗi chủ nhà hàng pizza Comet Ping Pong vì đã “tin vào những lập luận vô căn cứ về hoạt động của nhà hàng”.
Nhà hàng Comet Ping Pong - nơi xảy ra vụ "nổ súng điều tra" hồi năm ngoái |
Thuyết âm mưu còn tác động đến chính trị theo nhiều cách khác. Chẳng hạn như một ứng viên có thể quảng bá những câu chuyện đó để giành lấy lợi thế cho mình.
Tuy nhiên, có một xu hướng mới là, những nhà lý luận theo thuyết âm mưu đang dần rời bỏ các ranh giới chính trị truyền thống như cánh tả - cánh hữu. Thay vào đó, họ lại có xu hướng chống toàn cầu hóa (anti- globalist), chẳng hạn như chống doanh nghiệp (anti-corporation), chống Liên minh Châu Âu (anti-European Union), hay chống chính phủ Mỹ (anti-U.S. government)…
Niềm tin đến từ… sự mất niềm tin
Sự ra đời các thuyết âm mưu xuất phát từ sự sụt giảm niềm tin vào các phương tiện truyền thông chính thống, dẫn đến cách nghĩ rằng “nhiều sự kiện không xảy ra theo cách mà chúng ta nghĩ”. Do đó, những người dùng mạng xã hội ở cách xa nơi một sự kiện xảy ra thường có xu hướng biết được các câu chuyện không đúng với thực tế.
Các mạng lưới thuyết âm mưu sẽ thúc đẩy các thuyết âm mưu mới theo nhiều cách. Muốn tối đa hóa khả năng được tin tưởng, một thuyết âm mưu mới thường nhắm vào nhóm đối tượng có “tiền sử” từng tin vào thuyết âm mưu.
Do đó, bằng cách tận dụng mạng xã hội để thúc đẩy “tư duy âm mưu”, những người muốn phổ biến các thuyết này có thể dễ dàng gây lúng túng cho nhiều người dùng trong quá trình tìm hiểu sự thật về một vấn đề hoặc sự kiện.
“Những người từng tin vào một thuyết âm mưu nhiều khả năng sẽ tin vào một thuyết âm mưu khác”, theo GS. Starbirtd. Theo một nghiên cứu, những người này thậm chí còn tin vào nhiều thuyết âm mưu có chiều hướng mâu thuẫn trực tiếp lẫn nhau.
Và những niềm tin này thường có điểm chung cơ bản là không tin vào các thể chế chính thống, chẳng hạn như chính phủ và các phương tiện truyền thông truyền thống.
Lợi dụng tâm lý này, “hệ sinh thái” các phương tiện truyền thông thay thế thường kêu gọi chống lại “tin tức giả mạo”, khuyến khích mọi người “tiếp nhận thông tin thông minh hơn”, để độc giả của họ cảm thấy hoài nghi về các phương tiện truyền thông chính thống.
Thừa nhận chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nhất ngay lúc này nhằm chống lại thuyết âm mưu và giúp công chúng có thể tin tưởng vào chính mình, nhưng GS. Kate Starbird khẳng định, điều quan trọng là các nhà nghiên cứu truyền thông cần phải nắm bắt sát sao vấn đề này, vì họ dường như đang bị bỏ lại phía sau.
“Cách đây 3 năm, tôi và các cộng sự tin rằng các thuyết âm mưu này quá tầm thường, không đáng để quan tâm và nghiên cứu. Nhưng tìm hiểu sâu về nội dung của các trang web “truyền thông thay thế”, tôi nhận thấy thực sự có một cuộc chiến thông tin đang diễn ra”, GS. Starbird cho biết.