Kiếm lời trên thị trường ngoại hối
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:42, 08/07/2017
Đáng chú ý là tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do thậm chí còn giảm so với đầu năm, cụ thể tỷ giá mua vào và bán ra tại VCB lần lượt là 22.695đ và 22.765đ/USD, giảm 0,11% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND mua vào trên thị trường tự do cuối tuần qua là 22.730đ/USD, giảm khoảng 1,5% so với đầu năm.
Trong năm 2016, tỷ giá USD/VND cũng tương đối ổn định khi tỷ giá trung tâm vào cuối năm chỉ tăng 263 đồng, tương đương 1,2% so với đầu năm. Tỷ giá thị trường tự do dù có những thời điểm biến động đáng chú khi FED tăng lãi suất và ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhưng cũng trong tầm kiểm soát.
Nếu so với giai đoạn trước đây, rõ ràng đầu tư vào đồng USD giai đoạn qua thiếu hẳn sóng lớn, do đó không còn khả năng sinh lời cao như những năm trước đây. Điều này là nhờ vào những chính sách hạn chế đô la hóa của NHNN trong thời gian qua, như hạn chế dần đối tượng vay USD, giảm trần lãi suất huy động USD về 0% từ tháng 12/2015.
Chính vì thị trường thiếu sóng nên cũng không thu hút giới đầu tư và đầu cơ kiếm lời ở cặp tỷ giá USD/VND. Dù vậy, đối với các nhà đầu tư khôn ngoan thì vẫn có cách kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào các ngoại tệ khác. Về cơ bản, tỷ giá USD/VND của các ngân hàng sẽ được kiểm soát và điều hành theo định hướng của NHNN, mà tỷ giá trung tâm là một công cụ khá hữu hiệu kể từ đầu năm ngoái đến nay.
Tuy nhiên, đối với các ngoại tệ khác mua bán bằng VND thì các ngân hàng thương mại thường tính tỷ giá theo tỷ giá USD/VND đang niêm yết và tỷ giá của đồng USD đối với các ngoại tệ này trên thị trường quốc tế, để từ đó tính ra tỷ giá chéo của các loại ngoại tệ khác so với VND.
Vì vậy, dù tỷ giá USD/VND ổn định nhưng một khi các đồng ngoại tệ khác biến động mạnh so với USD, thì tỷ giá mua bán của các ngoại tệ này so với VND cũng vẫn biến động mạnh, thông qua cách tính tỷ giá chéo. Các đồng tiền EUR, JPY, GBP và AUD trong năm 2016 và cả những tháng đầu năm nay đã có sự biến động mạnh so với đồng USD nên những nhà đầu tư khôn ngoan có thể lợi dụng sự biến động này để kiếm lợi.
Cụ thể, đồng EUR trong năm 2016 giảm 3,3% so với USD nhưng 6 tháng đầu năm nay tăng trở lại 8,6%, hay như đồng bảng Anh năm 2016 mất giá đến 16,3% so với USD nhưng năm nay tăng giá trở lại 5,5%.
Nếu xét theo những mức cao nhất và thấp nhất trong năm thì độ biến động của cặp tỷ giá EUR/USD trong năm 2016 có thể mang lại suất sinh lời đến 12,5%, đồng bảng Anh là 31%, yên Nhật là 23% và đồng đô la Úc là 12,5%.
Riêng 6 tháng đầu năm nay, cặp tỷ giá EUR/USD có thể mang lại suất sinh lời 9,2%, bảng Anh là 8,8%, yên Nhật lên đến 9,7% và đô la Úc là 5,7%. Dựa trên cơ chế tính toán mua bán các loại ngoại tệ khác theo tỷ giá chéo và sự biến động mạnh của các loại ngoại tệ này so với USD trên thị trường quốc tế, giới đầu tư rõ ràng có thể kiếm lợi nhuận khi mua vào hoặc bán ra các đồng tiền này.
Theo dõi diễn biến mua bán các ngoại tệ trên theo tỷ giá niêm yết của Vietcombank sẽ cho thấy sự biến động tương tự. Cụ thể nếu như đồng bảng Anh giảm giá 16,3% so với USD trong năm 2016 thì đồng thời đồng tiền này giảm giá đến 16% so với VND trong cùng thời điểm.
Tương tự trong 6 tháng đầu năm nay, nếu như đồng EUR tăng giá 8,6% so với USD trên thị trường quốc tế thì tại Việt Nam đồng EUR cũng tăng đến 8,8% so với VND. Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở đồng bảng Anh lần lượt là 5,5% và 5,7%, đồng yên Nhật là 3,8% và 4,3% và đồng đô la Úc là 7,0% và 6,8%.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào các ngoại tệ khác yêu cầu nhà đầu tư phải có những hiểu biết nhất định về đặc điểm của các nền kinh tế đó, theo dõi các số liệu kinh tế của quốc gia đó cũng như xu hướng của các đồng tiền này so với đồng USD trên thị trường tài chính. Rủi ro lớn nhất là xu hướng có thể đảo chiều bất ngờ và với sự biến động mạnh của các đồng tiền trên thị trường quốc tế thì nhà đầu tư vẫn có thể lại thua lỗ.
Dù vậy, trong bối cảnh đồng USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trong 6 tháng đầu năm nay trên thị trường quốc tế, nhưng lại tăng giá ổn định so với VND tại Việt Nam, thì nhà đầu tư nào tăng mua và nắm giữ các loại ngoại tệ chủ chốt trên như EUR, bảng Anh, yên Nhật hay đô la Úc đều đã kiếm được lợi nhuận đáng kể thay vì đầu tư vào đồng USD như những năm qua.