Xu hướng đào tạo nhóm nhạc toàn năng
Đời thường - Ngày đăng : 06:49, 08/07/2017
Thời nở rộ các loại hình giải trí khác nhau nên các nhóm nhạc cũng được xây dựng theo mô hình toàn năng, mỗi thành viên phải vừa biết ca hát, nhảy múa, diễn xuất, vừa biết chơi nhạc cụ và đôi khi biết cả sáng tác để ngoài biểu diễn cùng với nhóm còn có thể tách ra hoạt động riêng lẻ.
Đọc E-paper
Mới đây, nhóm P336 với sản phẩm âm nhạc đầu tay Đừng ngại ngùng đã chính thức ra mắt với 10 thành viên ở độ tuổi 12 - 17. Không chỉ đông thành viên, nhóm P336 được đào tạo toàn diện ở nhiều lĩnh vực như ca hát, vũ đạo, chơi nhạc cụ, diễn xuất và biểu diễn..., theo tiết lộ của ca - nhạc sĩ Hoàng Bách, người huấn luyện nhóm P336 về ca hát.
Còn theo Công ty MCV Corporation - đơn vị quản lý nhóm hát này, P336 có nghĩa là dự án (project) mô hình hoạt động 3-3-6 (3 thành viên đơn thuần nam hoặc nữ, 3 thành viên nam và nữ, cuối cùng là 6 thành viên).
Khi dựng chương trình, tùy thuộc vào yêu cầu, những tiết mục cụ thể, nhóm sẽ chọn ra số lượng thành viên phù hợp, chứ không phải như cách của các nhóm hát lâu nay là cả nhóm phải lên sân khấu biểu diễn. Theo đó, các thành viên của nhóm có thể hoạt động riêng lẻ như đóng phim, đóng kịch, tham gia trò chơi truyền hình, chứ không chỉ mỗi ca hát.
Đây cũng là mô hình đang được Soul Club của Trường Âm nhạc Soul Academy (do ca - nhạc sĩ Thanh Bùi điều hành) áp dụng. 25 thành viên của nhóm Soul Club đều được đào tạo để có thể hoạt động độc lập, hoặc tham gia với tư cách thành viên của một nhóm 3, 10 hay 6 giọng ca.
Không đông như 2 nhóm trên, The Air gồm 5 thành viên cũng được Công ty Mowo Entertainment đào tạo trở thành những nghệ sĩ đa năng, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của thị trường giải trí, ngoài ca hát và nhảy múa còn được yêu cầu phải biết diễn xuất, làm VJ...
>>Thị trường giải trí ở TP.HCM: "Muốn gì có nấy"
Thời trước, đa số các ban nhạc như Mây Trắng, 1088, AC&M, Mắt Ngọc... được thành lập chỉ bởi vài ba người yêu ca hát, hay "ông, bà bầu" là ca sĩ, nhạc sĩ nào đó bỏ tiền ra lăng xê, và chỉ tập trung vào ca hát là chủ yếu. Các ban nhạc hiện nay ra đời với công nghệ đào tạo, tuyển chọn của các công ty quản lý chuyên nghiệp.
Ví như P336 được tuyển chọn từ mục tiêu phát hiện, đào tạo và phát triển tài năng nghệ thuật của Công ty MBC, MCV cùng Đài Truyền hình ABC Nhật Bản hợp tác thực hiện. Trong đó, MCV và MBC là 2 đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình thực tế, phim điện ảnh và truyền hình khá đình đám ở Việt Nam. Nhờ công ty quản lý có nhiều lĩnh vực đầu tư nên P336 sẽ được tạo điều kiện để phát triển khả năng toàn diện chứ không chỉ có ca hát.
Thực ra, mô hình đào tạo nhóm nhạc toàn năng này không mới ở Việt Nam, chưa kể là rất phổ biến ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Chẳng hạn như Công ty VAA - Academy của ca sĩ - diễn viên - đạo diễn Ngô Thanh Vân từng thành lập nhóm 365 có 4 thành viên theo mô hình này, nhưng sau 5 năm tồn tại đã "rã đám" vào giữa năm ngoái. Hiện các thành viên của nhóm hoạt động riêng lẻ ở nhiều lĩnh vực như ca hát, đóng phim, viết sách, sáng tác, làm VJ..., và đều gặt hái được ít nhiều thành công.
Theo các thành viên của nhóm 365 cũ, tham gia và phát triển riêng lẻ là con đường hợp lý, bởi ở thị trường nhạc Việt đang gặp khó khăn như hiện nay, mô hình nhóm nhạc thuần túy không mấy được ưa chuộng. Hơn nữa, mô hình nhóm nhạc toàn năng sẽ thu hút được nhiều đối tượng công chúng khác nhau ở các lĩnh vực giải trí, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi ca hát.
Nhìn chung, với các nhóm nhạc đào tạo theo mô hình toàn năng, khi được ra mắt phải hội tụ đủ các yếu tố về tài năng, ngoại hình và đạo đức nghề nghiệp, để xứng đáng với số tiền đầu tư rất lớn mà công ty quản lý bỏ ra...
>>Nghệ thuật độc lập thu hút nghệ sĩ trẻ
Trở lại với các nhóm nhạc P336, Soul Club, The Air hiện tại và 365 trước đây, quá trình đào tạo và rèn luyện cũng rất khắt khe. Nhóm P336 được tuyển chọn từ nhiều cuộc sát hạch bởi các nghệ sĩ, nhạc sĩ như NSND Thanh Hoa, nhạc sĩ Lê Quang, ca sĩ Hoàng Bách, diễn viên Cát Tường..., và đã trải qua một năm được đào tạo tại Việt Nam lẫn Nhật Bản trước khi chính thức ra mắt vào giữa tháng 6 vừa qua.
Công ty MCV có kế hoạch đào tạo và quản lý nhóm lâu dài trong vòng 10 năm, không chỉ hoạt động trong nước mà còn muốn đưa nhóm tấn công ra thị trường châu Á...
Tất nhiên, ở thời điểm này, chưa thể nói MCV, Soul Academy và Mowo Entertainment sẽ thành công với mô hình nhóm nhạc toàn năng về lâu dài, nhưng như VAA trước đây, sự đầu tư của họ sẽ giúp xây dựng nên một thế hệ nghệ sĩ trẻ có đầy đủ năng lực và lòng yêu nghề, đáp ứng nhiều lĩnh vực của thị trường giải trí Việt Nam.