Những "đứa trẻ không nhỏ" trong doanh nghiệp gia đình
Chân dung - Ngày đăng : 09:45, 10/07/2017
Nhiều nhà lãnh đạo kế thừa thuộc thế hệ Millennials (những người sinh trong khoảng năm 1980 - 2000, lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội) trong các doanh nghiệp gia đình giàu có nhất ở châu Á đang dần bác bỏ quan niệm cho rằng họ chỉ là những “đứa trẻ” quen được cưng chiều, CNBC nhận định.
1. Nararya Ciputra Sastrawinata
Là cháu trai của tỷ phú Ciputra (Indonesia) và là Giám đốc của Ciputra Group, Naraya Ciputra Sastrawinata chịu trách nhiệm về các dự án bất động sản ở Jakarta của doanh nghiệp gia đình.
Thừa hưởng tinh thần doanh nhân từ người ông, Nararya Ciputra Sastrawinata cũng tự khởi nghiệp bằng cách lập quỹ đầu tư mạo hiểm Indogen Capital cùng một số người bạn, đồng thời đã trải qua 8 năm gánh vác một phần công việc kinh doanh gia đình.
Naraya Ciputra Sastrawinata (thứ 2 từ phải sang) cùng các nhà đồng sáng lập Indogen Capital |
“Tôi nghĩ mình đang dần ổn định hơn, tôi thấy cũng đã đến lúc cần sáng tạo, mạo hiểm hơn… Nếu bạn nhìn tài sản một cách đơn giản giống như một khối bất động sản có thể nhìn thấy, sờ thấy được, bạn sẽ thấy điều mình cần làm là xây dựng, phát triển nó lớn hơn nữa… Cùng với một nhóm bạn mở quỹ đầu tư mạo hiểm nằm ngoài phạm vi kinh doanh gia đình chính là cách để ít nhất tôi có thể góp thêm tiếng nói riêng trong doanh giới”, Nararya Ciputra Sastrawinata nói.
2. Lionel Leong
Cha Lionel Leong - đại gia bất động sản Leong Hoy Kum - thuộc thế hệ thứ hai làm chủ doanh nghiệp gia đình, phụ trách điều hành các hoạt động của Mah Sing Group. Lionel là nhà đồng sáng lập quỹ RHL Ventures cùng với Rachel Lau và Raja Hamzah Abidin - hai người trẻ cũng xuất thân từ gia đình sở hữu những công ty lớn.
Kế hoạch của họ là thu hút vốn từ bên ngoài và phát triển RHL Ventures thành tập đoàn đầu tư độc lập hàng đầu Đông Nam Á. Gia đình Leong rất ủng hộ quá trình phát triển sự nghiệp độc lập của Lionel, vì vị doanh nhân trẻ vẫn đảm đương cùng lúc sự nghiệp riêng lẫn công việc kinh doanh hỗ trợ gia đình.
“Hãy nhìn vào các startup hiện nay, họ biết cách triển khai vốn rất hiệu quả. Vì thế, tôi muốn đóng góp một phần thế mạnh đó vào trong thế giới kinh doanh, dù chỉ là một phần nhỏ thôi, để cùng mọi người tiết kiệm được nhiều tiền hơn”, Lionel Leong cho biết.
3. Richie Eu
Richie Eu là Giám đốc phát triển chiến lược của Eu Yan Sang International, thuộc thế hệ thứ 5 trong doanh nghiệp gia đình mình. Mặc dù nhìn thấy sự hấp dẫn của việc tự kinh doanh ngoài công ty nhà, Richie Eu vẫn nghĩ rằng mình có thể “tạo ra một sự khác biệt thực sự” ngay tại công ty 138 tuổi này. Richie Eu gia nhập doanh nghiệp gia đình sau 4 năm rưỡi bước chân vào thương trường thông qua hình thức đầu tư.
Richie Eu trong chương trình Đối thoại doanh nghiệp gia đình (Family Business Conversation) của Trường Babson College |
Tôi đang tìm kiếm thế hệ thứ 6, và đó luôn là điều thúc đẩy tôi… Một điều tôi đã học được từ ông và bố là, chúng tôi sẽ luôn luôn là chủ công ty… Vì thế, tôi bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm thế hệ kế thừa xuất sắc. Bởi tôi muốn cuộc đời mình sẽ được “sống” mãi, Richie nói.
4. Yen Kuok
Một nhà lãnh đạo trẻ cũng thuộc thế hệ Millennials nhưng có cách nghĩ khá khác biệt là Yen Kuok. Cô là con út trong gia đình có 8 người con của Robert Kuok - ông chủ một đế chế kinh doanh bao gồm Shangri-La Hotels và Wilmar International. Hiện tại, Forbes đánh giá ông là người giàu nhất Malaysia với giá trị tài sản ròng 12 tỷ USD.
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, Yen quyết định không tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. “Nhiều anh chị tôi làm việc cho công ty nhà… Tôi thực sự biết ơn và thấy mình may mắn khi là em út, vì tôi được khá tự do làm điều mình thích. Nếu là con cả, tôi sẽ cảm thấy áp lực hơn nhiều”, Yen Kuok chia sẻ.
Yen là nhà sáng lập, CEO của Guiltless - trang thương mại điện tử chuyên cung cấp các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng, ra mắt vào tháng 5/2016. Dù từng cân nhắc khả năng vừa hỗ trợ công việc kinh doanh của gia đình vừa phát triển Guiltless, Yen quyết định chỉ tập trung vào kế hoạch kinh doanh riêng cho đến hiện nay.
“Hiện tôi tập trung toàn tâm toàn lực phát triển Guiltless, vì khó thể chu toàn cùng lúc hai việc. Tuy nhiên trong tương lai, cách sắp xếp công việc kinh doanh có thể thay đổi tùy theo tình hình”, CEO Guiltless cho biết.