Diệt muỗi bằng… biến đổi gien
Sống khỏe - Ngày đăng : 06:42, 19/07/2017
Muỗi là sinh vật bé nhỏ nhưng gây nguy hiểm chết người nhất thế giới thời nay. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm cách hữu hiệu để loại trừ hay hạn chế dịch bệnh do muỗi lây lan (sốt rét, sốt xuất huyết, zika..) hằng năm, gây tử vong cho hàng trăm ngàn người.
Đọc E-paper
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2015, sốt rét làm chết 430.000 người.
Cách đây 6 năm, lần đầu tiên truyền thông đề cập khả năng muỗi biến đổi gien trong phim tài liệu trên kênh Discovery lúc 20h45 ngày 6/7/2011, làm xao động cả thế giới.
Muỗi – kẻ thù nhỏ bé tinh quái cứ theo chỉ dấu dioxyde carbon trong hơi thở của người mà chích, truyền bệnh. Một nguyên nhân khiến sốt xuất huyết lan truyền rất nhanh thành dịch là muỗi hút máu người gấp 3 lần trọng lượng bản thân. Mỗi năm, có từ 50 - 100 triệu ca lây nhiễm mới.
TS. Bart Knols - nhà khoa học người Mỹ đi đầu trong việc nghiên cứu muỗi cho rằng, biến đổi gien là phương thức khả dĩ nhất để ngăn chặn sự lây lan các virus gây bệnh: “Biến đổi bộ gien đơn bội của muỗi là cách tiếp cận ưu việt nhất hiện nay. Đây là cách để triệt tiêu khả năng sinh sản và phát tán siêu vi của muỗi. Công nghệ CRISP phát triển 4 năm nay cho phép can thiệp, chỉnh sửa gien của muỗi theo ý muốn. Ở California đã biển đổi gien thành công khiến muỗi không còn khả năng tác oai tác quái truyền bệnh sốt rét. Chỉ cần biến đổi gien muỗi đực (muỗi đực không chích người), muỗi cái giao phối với muỗi đực biến đổi gien liền mất khả năng di truyền sinh sản, phát tán siêu vi gây dịch bệnh”.
Đây còn là tương lai, trước mắt, TS. Bart Knols khuyến cáo tích cực diệt muỗi bằng cách cổ điển là không để nước đọng quá một tuần, vệ sinh phát quang môi trường sống, dùng thuốc diệt muỗi sinh học, không dùng hóa chất bởi muỗi nhanh chóng thích nghi, kháng thuốc, khó bị trừ diệt.