Thất bại là khi thành công nhờ thất bại của người khác
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:51, 19/07/2017
Thành lập năm 2005, Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico) được biết đến là nhà phân phối gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào loại lớn nhất Việt Nam. Chiến lược kinh doanh của Tavico là tạo ra nguồn gỗ hợp pháp, ổn định, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp gỗ tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Đọc E-paper
* Tavico từng gây ngạc nhiên không chỉ với người trong ngành gỗ. Vì sao, thưa ông?
- Ngay từ đầu Tavico đã hợp tác với các tập đoàn chuyên khai thác gỗ có uy tín ở một số nước châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada, Úc. Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, hiện Tavico được đánh giá là nhà phân phối nguyên liệu gỗ ngoại nhập lớn nhất Việt Nam.
Chúng tôi có trung tâm phân phối gỗ và kho ngoại quan với cơ sở hạ tầng rộng rãi chứa trữ lượng gỗ dồi dào, đa dạng chủng loại. Kho ngoại quan của Tavico đặt tại ICD Long Bình, Tân Cảng, Đồng Nai, có diện tích 38.000 mét vuông. Các loại gỗ như sồi, tần bì, dẻ gai, anh đào, dương... được nhập khẩu từ nhiều nơi trên thế giới, được niêm yết thông tin chi tiết về xuất xứ, kích thước, độ ẩm, giá.
* Ngành gỗ có phải là lựa chọn nghề nghiệp ngay từ đầu của ông?
- Tôi từng là sinh viên Khoa Chế tạo máy Đại học Bách khoa Hà Nội trước khi sang Nga du học. Sau khi học xong và kinh doanh vài năm ở Nga, tôi về nước. Khi về nước tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là sẽ kiếm việc gì đó để làm.
Tôi đến với nghề gỗ là vì thời ở Nga từng làm việc liên quan đến ngành này. Thấy các doanh nghiệp chế biến gỗ thường than thiếu nguyên liệu nên tôi lập nhà máy cưa xẻ và sấy nguyên liệu gỗ tròn nhập khẩu để bán cho họ. Sau đó thì thành lập Công ty Tavico chuyên cung cấp gỗ nguyên liệu cho các nhà sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam.
* Năm 2010, Tavico khai trương siêu thị gỗ nguyên liệu đầu tiên tại Việt Nam rồi tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành gỗ thế giới. Theo ông đâu là nguyên nhân để có những đột phá ấy?
- Do coi trọng chữ tín và triết lý hợp tác đôi bên cùng có lợi nên Tavico ghi dấu ấn tốt đẹp với khách hàng cũng như đối tác. Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra, nhiều doanh nghiệp bỏ gỗ đã nhập tại bến cảng vì sợ lỗ nên gỗ chất đầy kho bãi, thiệt hại rất lớn, đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài.
Tôi đã không làm thế, mặc dù theo cách nghĩ thông thường thì tôi phải bỏ để hạn chế thiệt hại. Tôi nhận hàng và thanh toán cho nhà cung cấp gỗ sòng phẳng. Cách hành xử luôn lấy lợi ích của đối tác, khách hàng làm trọng của tôi được các đối tác nước ngoài đánh giá cao nên họ tin cậy khi làm việc với tôi. Để xây dựng uy tín trong kinh doanh, điều quan trọng là phải nói đi đôi với làm.
Ai cũng biết chữ tín trong kinh doanh là quan trọng nhưng không phải ai cũng kiên trì theo đuổi nó. Uy tín trong kinh doanh phải được xây dựng trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi và biết chia sẻ quyền lợi khi gặp khó khăn, và có lúc, có thời điểm người kinh doanh buộc phải hy sinh lợi nhuận, chấp nhận phần thiệt về mình. Cái được sau đó sẽ là sự tín nhiệm, tin cậy của khách hàng và đối tác mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mơ ước.
* Như thế nào là thành công trong kinh doanh theo quan điểm của ông?
- Tôi chưa từng nghĩ về việc mình đã thành công hay chưa, nhưng biết rõ về thất bại. Đối với tôi, thất bại của người làm kinh doanh là khi thành công có được nhờ vào sự thất bại của người khác.
* Có vẻ ông là người luôn chọn cách làm khó?
- Vì không có gì dễ, nhất là môi trường kinh doanh luôn có nhiều biến động và rủi ro. Nếu muốn dễ dàng và an nhàn thì không thể chọn kinh doanh.
>>Bí quyết "vượt bão" của IBM, Google, Microsoft
* Vì sao ông lại chọn làm nhà phân phối gỗ nguyên liệu - một lĩnh vực rất nhiều rủi ro như ông chia sẻ?
- Năm 2007, khi Tavico đang là doanh nghiệp nhỏ, tôi may mắn nhận được lời mời từ Bộ Nông nghiệp Mỹ sang tham quan một doanh nghiệp gỗ của họ. Tôi cũng không rõ vì sao họ lại mời mình. Công ty mà tôi được tham quan là một trong 3 công ty gỗ lớn nhất nước Mỹ. Họ đưa tôi tham quan bằng trực thăng.
Từ trên không nhìn xuống, lần đầu tiên tôi được thấy những cánh rừng trồng bạt ngàn, xanh mướt nên vừa ngỡ ngàng vừa ngưỡng mộ. Tôi thán phục cách người Mỹ trồng rừng, cách họ làm gỗ và bảo quản rừng. Họ có tầm nhìn rất xa. Các công ty của họ tinh gọn mà hoạt động rất hiệu quả. Ngay lúc đó tôi đã tự hỏi tại sao mình không làm như họ.
Năm 2009, tôi có một chuyến đi khác. Sang Pháp, nhìn những khu rừng sồi trồng từ 70 - 100 năm mới khai thác, "tự ái dân tộc" trong tôi trỗi dậy. Lúc đó tôi nghĩ, tại sao các công ty nước ngoài lại sang Việt Nam đặt chúng ta làm đồ gỗ? Chắc hẳn là vì họ nhìn thấy giá trị tay nghề của người thợ Việt Nam cộng với sự chăm chỉ và chịu khó.
Nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm gia công và phụ thuộc quá nhiều vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu thì giá trị gia tăng không được bao nhiêu. Đó là lúc tôi nhận thức rõ con đường mình đi cũng như giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình và bắt đầu kinh doanh gỗ bài bản.
* Thách thức lớn nhất mà ông và Tavico phải vượt qua là gì?
- Thách thức thì nhiều nhưng thách thức phổ biến đối với doanh nghiệp gỗ, trong đó có Tavico chính là những rào cản pháp luật còn nặng tính cấm đoán thay vì khuyến khích. Chẳng hạn cấm nhập khẩu một số loại gỗ để bảo vệ nguồn nguyên liệu trong nước. Quy định này đã làm khó nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, trong đó có Tavico.
Một thách thức nữa đối với Tavico là tư duy, thói quen làm ăn ngắn hạn của một số doanh nghiệp là đối tác, khách hàng.
* Theo ông phẩm chất nào là cần thiết nhất đối với một nhà nhập khẩu gỗ nguyên liệu?
- Tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu là yêu cầu cao nhất. Sứ mệnh của Tavico là tạo ra nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp, ổn định cho thị trường. Chúng tôi còn mở rộng phân phối sản phẩm liên quan đến ngành gỗ như plywood, MDF, ván ghép, veneer, keo, sơn, đinh ốc, phụ kiện khác.
Ngoài cung cấp gỗ cho các tập đoàn sản xuất đồ gỗ lớn trong nước, chúng tôi từng bước thâm nhập thị trường nước ngoài, cung cấp gỗ cho khách hàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Lào, Campuchia, Myanmar.
* Năm 2016, xuất khẩu đồ gỗ và gỗ đạt gần 7 tỷ USD và kỳ vọng năm 2017 là 10 tỷ USD. Ông có nhận định gì về con số này?
- Tôi không để ý đến các con số. Vì các con số có lẽ cần cho các nhà quản lý và làm chính sách hơn. Điều tôi quan tâm là doanh nghiệp trong nước được bao nhiêu phần lợi nhuận. Nông dân trồng rừng được bao nhiêu tiền. Đất nước được bao nhiêu từ kết quả ấy.
*Mặc dù kim ngạch xuất khẩu rất lớn và vẫn tiếp tục tăng, ngành gỗ hiện vẫn tồn tại một số vấn đề như giá trị gia tăng thấp do chủ yếu làm gia công, công nghệ chưa theo kịp các nước tiên tiến. Quan điểm của ông trong vấn đề này?
- Theo tôi, nguyên nhân của ngành gỗ Việt Nam phát triển chưa hiệu quả là do sự thiếu liên kết chuỗi. Các doanh nghiệp gỗ hoạt động đơn lẻ, mạnh ai nấy làm sẽ dẫn tới dàn trải trong đầu tư, công nghệ không đồng bộ, không chủ động được nguyên liệu, không đảm bảo đơn hàng theo hợp đồng, gây lãng phí nguồn lực trong đầu tư, đặc biệt trong khâu dự trữ nguyên liệu.
Ngay từ khi tham gia vào ngành gỗ Việt Nam, tôi đã nhận thấy tầm quan trọng của việc chủ động gỗ nguyên liệu đầu vào vì đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất để doanh nghiệp chế biến gỗ thành công. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ hiện nay vẫn đang tự dự trữ gỗ nguyên liệu đầu vào. Việc chôn 70, 80% vốn vào khâu này làm tăng áp lực tài chính lên doanh nghiệp. Chưa kể, đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả còn làm mất cơ hội thị trường.
* Theo ông, doanh nghiệp ngành gỗ nên làm gì để khắc phục hạn chế này?
- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần liên kết lại thành chuỗi dựa trên nhu cầu hợp tác thực tế, đôi bên cùng có lợi. Niềm tin vào đối tác, quyền lợi trong mối liên kết phải dựa trên sự bình đẳng, chuyên môn hóa toàn chuỗi bằng cách phân chia từng khâu cho từng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp, như vậy hạng mục đầu tư của từng doanh nghiệp sẽ ít đi, mức độ đầu tư giảm, lợi nhuận sẽ tăng.
Các doanh nghiệp có vốn thì chủ động đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng để tiếp cận được những đơn hàng lớn. Đây chính là lý do tôi luôn muốn phát triển chuỗi liên kết giữa Tavico và người trồng rừng, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp kinh doanh gỗ.
Nếu xây dựng thành công mô hình liên kết công ty và hộ gia đình, doanh nghiệp nghề gỗ sẽ góp phần làm tăng giá trị sản phẩm và người trồng rừng có thu nhập cao. Chuỗi liên kết sẽ chỉ mạnh nếu có nguyên liệu nhập khẩu hợp pháp, có sản phẩm giá trị gia tăng cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu, có ngành công nghiệp chế biến gỗ tiên tiến, có rừng gỗ nguyên liệu bền vững liên kết chặt với nông dân.
>>Xuất khẩu đồ gỗ: Giá rẻ không thể là lợi thế
* Tavico đã có những hoạt động cụ thể gì để xây dựng liên kết chuỗi trong ngành gỗ?
- Chúng tôi có vài chục hộ sản xuất truyền thống hợp tác. Họ đang sản xuất và có thể mua nguyên liệu, sử dụng dịch vụ cắt xẻ gỗ ngay tại chỗ, dịch vụ bảo quản gỗ tại kho ngoại quan của chúng tôi và thậm chí chúng tôi đang hướng tới việc sẽ tìm thị trường nước ngoài, đại diện cho nhà sản xuất và phân phối hàng hóa sản phẩm.
Với mục đích tạo ra chuỗi liên kết trong ngành gỗ nội thất Việt Nam, bước đầu Tavico đã tổ chức các chương trình giao lưu kết nối, gần đây nhất là "tham quan siêu thị gỗ Tây", tạo cơ hội cho các nhà cung cấp nguyên phụ liệu ngành gỗ, các nhà sản xuất đồ nội thất giao lưu và trao đổi thông tin, được trưng bày hàng hóa tại showroom Tavico.
Chúng tôi cũng đang tiếp tục phát triển và tổ chức các buổi họp mặt định kỳ hằng tuần, hằng tháng tại Hội quán gỗ Tây của Tavico để các doanh nghiệp, nhà sản xuất gặp mặt, tạo cơ hội tìm ra những giải pháp hợp tác phát triển bền vững. Hiện nay chúng tôi đang tập trung giải quyết các khó khăn trong quá trình liên kết.
Đây sẽ là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Tavico. Thách thức lớn nhất trong quá trình liên kết với các doanh nghiệp, hộ gia đình tại Tavico là tập hợp được những người hiểu tầm nhìn của Tavico và chấp nhận cách thức chia sẻ lợi ích.
* Phẩm chất nào của đối tác mà ông đánh giá cao?
- Chân thành và có chung mục tiêu, chí hướng. Nếu không có chung chí hướng, rất khó để đi đường dài cùng nhau.
* Nhân viên của Tavico phải lấy phẩm chất gì làm đầu trong công việc?
- Nhân viên của tôi phải hiểu mục tiêu lớn của Công ty và trung thực với điều họ làm được và chưa làm được. Để tìm được những nhân viên như thế, trong điều hành, tôi luôn lấy sự chân thành làm đầu, không phán xét hay phân biệt. Tôi không thể chấp nhận sự thiếu trung thực.
* Môn thể thao nào mà ông thích chơi khi rảnh rỗi?
- Bóng đá. Tavico có sân bóng đá khá tốt. Trước đây khi rảnh rỗi tôi cũng hay chơi bóng. Bây giờ thì ít hơn, do công việc và đôi khi là do sức khoẻ.
* Theo ông thế nào là hạnh phúc?
- Hạnh phúc là được sống và làm điều mình thích, và có được sự thừa nhận từ cộng đồng, người thân.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!