Máy in phun liên tục: Hết thời công nghệ "truyền nước biển"

Công nghệ - Ngày đăng : 03:46, 20/07/2017

Máy in phun màu là sản phẩm tương đối phổ biến bởi đáp ứng tốt nhu cầu in ảnh thiết kế hoặc ảnh kỷ niệm của doanh nghiệp.
Máy in phun liên tục: Hết thời công nghệ

Máy in phun màu là sản phẩm tương đối phổ biến bởi đáp ứng tốt nhu cầu in ảnh thiết kế hoặc ảnh kỷ niệm của doanh nghiệp.

Đọc E-paper

Mười năm qua, tại thị trường Việt Nam, máy in phun màu thường gắn liền với hệ thống bình mực in phun liên tục rời và kết nối với máy in bằng các dây truyền nối vào đầu phun mực mà dân kỹ thuật thường ví von là "truyền nước biển", và với mực in được đổ từ bên ngoài vào sẽ giúp tiết kiệm chi phí in ấn khá nhiều. Chẳng hạn, nhờ hệ thống bình mực in phun liên tục, giá một bản in màu có thể giảm từ 10.000 đồng xuống còn khoảng 3.000 đồng. Doanh thu của các doanh nghiệp làm dịch vụ mực in màu tăng trưởng không ngừng nhờ nhu cầu in ấn cao.

Tuy nhiên, bất tiện của hệ thống này chính là dùng các dây truyền đưa mực vào máy in nên người dùng phải khoan, đục để nối đầu phun mực với bình mực rời đặt bên ngoài. Và các hãng sản xuất máy in từ chối bảo hành đối với những máy đã lắp thêm hệ thống mực in phun liên tục.

Ngoài ra, hệ thống này hơi rườm rà khi vận chuyển, hoặc nếu đặt không đúng vị trí (cao hơn hoặc thấp hơn máy in) thì theo nguyên lý "bình thông nhau", mực in hoặc sẽ đổ đầy tràn vào máy in, hoặc không chảy vào đầu phun mực. Chất lượng bản in chỉ ở mức trung bình do các doanh nghiệp sản xuất mực in sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, sau vài tuần màu mực sẽ phai hoặc dễ bị lem, tan mực.

Epson và Canon giới thiệu các mẫu máy in mới ghép thêm bình mực lớn vào trong máy được bảo hành và thiết kế bắt mắt hơn, tiết kiệm chi phí

Trước nguồn lợi nhuận khổng lồ từ máy in và mực in đang bị bên thứ ba thâu tóm trong nhiều năm liền, các hãng sản xuất máy in phun màu nổi tiếng như Epson, Canon, HP, Brother... đã không khoanh tay đứng nhìn. Từ năm 2015 - 2017, tại thị trường Việt Nam, các hãng này đã tung ra những thế hệ máy in phun màu mới vay mượn ý tưởng "truyền nước biển" ghép thẳng trực tiếp vào máy in của họ, cụ thể như Epson dòng L series, Brother T series, Canon G series... Và nguồn thu từ mực in và máy in chính hãng đang dần được khôi phục.

Ông Nguyễn Huy - đại diện ngành máy in của một trong số các hãng trên cho biết: "Các hãng máy in tốn nhiều thời gian để nghiên cứu làm sao tích hợp hệ thống bình mực lớn hơn và ghép vào bên cạnh máy in, đặc biệt là thiết kế phải bắt mắt, giấu được các dây truyền đưa mực vào máy, tránh rườm rà, dễ dàng di chuyển. Hệ thống ống thải mực dư thừa (máy in phun màu bắt buộc phải có), tương tự đường thải nước của máy lạnh, cũng phải được thiết kế sao cho hài hòa, không làm mất vẻ đẹp của máy.

Xét về mặt kỹ thuật, với chất lượng mực in và đầu phun mực in chính hãng hợp nhất thì bản in màu sẽ có chất lượng tốt hơn, tránh được các hiện tượng thường xảy ra khi dùng sản phẩm "trôi nổi" như kẹt mực, nghẽn đầu phun hoặc màu sắc không đồng nhất... Điều đáng tiếc là các hãng máy in hơi chậm trễ (mất hơn 5 năm) trong việc thay đổi tư duy để sản xuất sản phẩm có lợi cho người dùng".

Máy in chính hãng nhưng ghép thêm hệ thống mực in phun liên tục không được bảo hành

Ông Duy Tín - trưởng nhóm kỹ thuật của một siêu thị Co.opmart cho biết: "Trước đây, siêu thị thường dùng các máy in phun có hệ thống "truyền nước biển" để in bảng giá màu, các mẫu thiết kế treo ở siêu thị. Từ khi chuyển qua dùng máy in của Hãng Epson đã ghép sẵn bình mực thì việc in ấn đỡ vất vả hơn, bản in ít bị sai màu hoặc kẹt mực, cũng đỡ phải dọn dẹp mực dư thừa thải ra. Hiện giờ, hầu như toàn bộ siêu thị trong hệ thống Co.opmart đều chuyển sang sử dụng máy in dạng này".

Nhìn chung, thị trường máy in phun liên tục đang có sự chuyển hướng khi sản phẩm chính hãng được người dùng ưa chuộng vì đáp ứng được nhu cầu tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được chất lượng bản in. Dự báo trong 2 năm tới, doanh thu của các hãng sản xuất mực in sẽ tăng trưởng chậm lại bởi nguồn thu đang bị thu hẹp dần.

>Máy in ảnh di động: Nhỏ tí teo, in tức thì

>Máy in 3D "made in Vietnam"

VIỄN DU