Ngành CNTT: Thường trực nỗi lo mất nhân tài
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:36, 21/07/2017
Theo dự báo của Vụ Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) trên cả nước sẽ hơn 600.000 người (chưa tính ngành viễn thông), trong khi khả năng đào tạo chỉ khoảng 400.000. Số lượng việc làm trong ngành CNTT tăng trung bình 47%/năm, nhưng nhân lực chỉ tăng 8%. Dự báo đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt hơn 100.000 nhân lực CNTT chất lượng cao, nên cung cầu sẽ ngày càng mất cân đối.
Chỉ số ngành CNTT Việt Nam nhiều năm luôn nằm trong top 10 toàn cầu về điểm đến hấp dẫn. Ở trong nước, ngành CNTT luôn ở top có nhu cầu tuyển dụng và trả lương cao nhưng có một nghịch lý là xã hội lại đánh giá "ngành không giàu", khiến nó không còn sức hút lớn đối với những người xuất sắc.
Một nghịch lý khác là cả nước có 142 trường đại học và 112 trường cao đẳng có đào tạo ngành CNTT nhưng sinh viên ra trường không đáp ứng công việc vẫn cao. Trong lúc nhiều trường không tuyển đủ sinh viên CNTT thì những trường có uy tín bị hạn chế "quota", mỗi năm chỉ đào tạo vài trăm sinh viên; một số trường đào tạo số đông thì chưa đủ chất lượng.
Theo ông Ngô Văn Toàn - Phó tổng giám đốc Công ty CPGlobal CyberSoft Việt Nam(GCS Vietnam), quy mô nguồn cung nhân lực CNTT vẫn nhỏ so với nhu cầu nên dẫn tới cạnh tranh thiếu bền vững, dễ tạo ra giá trị ảo về năng lực, lương cao nhưng năng suất vẫn thấp, tốc độ nhảy việc ngày càng cao.
Cuộc chiến nhân tài
Số liệu thống kê tuyển dụng của Công ty VietnamWorks - trang web tuyển dụng và việc làm lớn nhất Việt Nam hiện nay, cho thấy trong ba năm, từ 2013 - 2016, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong các công ty CNTT đã tăng gấp đôi, trong khi tốc độ tăng trưởng nguồn cung không theo kịp, đặc biệt đối với các vị trí kỹ sư, chuyên gia và quản lý cấp trung.
Theo bà Nguyễn Phương Mai, đại diện Navigos Search - nhà cung cấp hàng đầu về các dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam, dù chính sách tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng mở nhưng ngành CNTT đang ở vào "cuộc chiến nhân tài" do mất cân đối cung cầu.
Việc đào tạo không chỉ thiếu hụt về lượng mà kiến thức còn chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghệ gia tăng trong các lĩnh vực kinh tế. ThS. Lâm Quang Vũ - Phó Khoa CNTT Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết, mỗi năm Khoa CNTT của Trường đào tạo khoảng 4.000 sinh viên các loại hình khác nhau.
Chương trình chính quy tuyển sinh khoảng 500 sinh viên, trong đó 150 thuộc chương trình đào tạo đặc biệt và tốp 40 được đào tạo cử nhân tài năng. Trong 5 năm (2012 - 2017), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sớm tăng lên, chỉ mất ba năm đến ba năm rưỡi để hoàn thành 140 tín chỉ và đi làm. Tuy nhiên, tổng đầu ra lại giảm, chỉ 70 - 80% sinh viên tốt nghiệp hằng năm.
Thống kê cũng cho thấy, 41% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp, 90% có việc làm sau 6 tháng và 70% làm đúng chuyên môn, chủ yếu ở các công ty nước ngoài và tư nhân với mức lương khởi điểm phổ biến 8 - 10 triệu đồng. Như vậy, mức lương đã tăng đáng kể trong vài năm: nếu năm 2014 khởi điểm trung bình 8 triệu thì năm 2016 hơn 9,5 triệu, lương trung bình sau hai năm đi làm là 16 triệu và ba năm là 18 triệu đồng/tháng.
>>Bí quyết giữ chân nhân tài của Giám đốc nhân sự Google
Theo ông Vũ, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sớm tăng đáng kể do xu hướng khuyến khích vừa học vừa làm để có trải nghiệm, có thu nhập. Hơn 80% sinh viên được tuyển dụng trong thời gian thực tập, sinh viên cũng sẵn sàng tham gia công ty startup hoặc bỏ học để khởi nghiệp, ra nước ngoài làm việc; chỉ 8% tiếp tục các chương trình sau đại học hoặc nâng cao trình độ.
"Thị trường tuyển dụng đang định hướng sinh viên kiếm việc rất dễ dàng là yếu tố thuận lợi về ngắn hạn, nhưng về dài hạn phải tăng cường nguồn lực để có đủ kiến thức đi xa, nếu không ảnh hưởng đến ngành công nghiệp" - ông Vũ chia sẻ.
"Cuộc chiến nhân tài" vô hình chung tạo nên mặt bằng lương cao. Việc chuyển đổi việc dễ dàng đẩy tốc độ nhảy việc tăng cao. Hệ quả là doanh nghiệp thường xuyên thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu hụt người có đủ bề dày kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu rộng. Việc thiếu hụt này trở thành cơ hội cho nhân sự CNTT các nước trong khu vực "đổ bộ” vào Việt Nam, nếu trước đây chủ yếu từ Ấn Độ thì hiện là từ Thái Lan, Myanmar.
Sống chung với lũ
Theo ông Lại Đức Nhuận - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển phần mềm Larion, căng kéo về nhân sự khiến các công ty khó tăng người để thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT phát triển với quy mô lớn. Đây là rào cản khiến ngành thiếu vắng các công ty có quy mô trên 1.000 người. Tốc độ nhảy việc tăng sẽ dẫn đến hậu quả là về lâu dài thị trường lao động thiếu người đủ tầm để thúc đẩy ngành phát triển ở cấp độ cao, đặc biệt là thiếu người có đủ kỹ năng quản lý để phát triển đội ngũ CNTT chuyên sâu.
Ông Vương Bảo Long - Giám đốc Nhân sự Công ty Logigear Việt Nam chuyên cung cấp các giải pháp kiểm thử phần mềm, chia sẻ: "Logigear từ năm 2004 đã phối hợp với các trường đại học đào tạo và chuyển giao chương trình cho các trường để có đội ngũ kiểm thử phần mềm chất lượng cao. Công ty còn đào tạo chuyên môn lẫn tiếng Anh và kỹ năng, nhưng trên thị trường thì công ty nào cũng thiếu người nên sẵn sàng "bắt". Giữ chân nhân sự rất khó vì cái gốc là nguồn cung thấp, nên chương trình 1 triệu nhân lực CNTT Chính phủ đề ra nhiều năm trước không thực hiện được".
Theo ông Mai Hoài An - Tổng giám đốc Công ty CP IMT Solutions, so với Ấn Độ thì tỷ lệ "mất người" 25 - 30% ở các doanh nghiệp CNTT Việt Nam là không đến nỗi bi quan. Giải pháp linh hoạt theo từng doanh nghiệp nhưng tựu trung là phải gia tăng năng lực nhân sự để thích ứng với toàn chuỗi cung ứng.
Theo bà Tạ Thị Kim Ngân - Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Phần mềm FPT (Fsoft), hằng năm Fsoft tuyển đến 4.000 - 5.000 người để đào tạo CNTT cho cả thị trường để có nguồn thay thế.
Ông Trần Phúc Hồng - Phó giám đốc Công ty TNHH Tin học Tường Minh (TMA Solutions) cho rằng, công ty lớn, nhỏ có lợi thế và khó khăn riêng. Công ty lớn có khả năng thay thế khi mất người nhưng lại khó hơn vì chính sách nhân sự không linh hoạt như công ty nhỏ. "Suy cho cùng, ngành phần mềm đang phát triển tốt và thiếu nhân lực cũng là tín hiệu tốt. Một khi doanh nghiệp CNTT chưa đủ người thì buộc phải "sống chung với lũ, kể cả nếu cần phải thay đổi mô hình kinh doanh" - ông Hồng bộc bạch.